Sửa đổi, bổ sung Thông tư 30: Kết hợp hài hòa giữa định tính và định lượng

Giảm bớt áp lực cho giáo viên (GV), có sự hài hòa giữa định tính và định lượng là những nhận xét từ cơ sở về chủ trương điều chỉnh, bổ sung Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về quy định đánh giá HS tiểu học.

Nhiều cán bộ quản lý (CBQL) cho rằng, mục tiêu cuối cùng của mọi chủ trương đều là hướng đến chất lượng GD. Vì vậy, nếu CB, GV thẩm thấu được tinh thần của Thông tư thì trong triển khai thực hiện sẽ không có quá nhiều vướng mắc, áp lực; thậm chí có thể linh hoạt trong triển khai thực tế chứ không cứng nhắc như đã có tại một số nơi trong thời gian qua.

“Gỡ khó” cho giáo viên

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (Q.Hải Châu - TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Đúng là năm đầu tiên khi triển khai thực hiện Thông tư 30, chúng tôi, cả BGH và GV, đều có những lúng túng nhất định. Nhưng rồi áp vào thực tế mới bắt đầu “vỡ” ra nhiều thứ. Chẳng hạn như, với giáo viên bộ môn, BGH chỉ đạo các thầy cô trong tổ cùng thống nhất chung để xây dựng khung nhận xét.

Chẳng hạn như với Mỹ thuật lớp 1 sẽ có 3 mức độ: Cao nhất là HS có năng khiếu; mức thứ 2 gồm những tiêu chí như vẽ được các mảng chính, tô màu phù hợp, có cảm xúc; mức thứ 3 là hoàn thành môn học. Với cách làm này, GV bộ môn sẽ chỉ vất vả trong năm đầu khi bắt tay xây dựng nhận xét; sau đó, GV chỉ cần dựa vào các tiêu chí cụ thể của khung để đánh giá HS, cũng là tránh được trường hợp “cóp, dán” khi nhận xét vào sổ liên lạc điện tử”.

Thầy Trần Tám - Hiệu trưởng Trường Bạch Đằng (Q. Hải Châu - TP Đà Nẵng) cho biết: “Trước khi phổ biến Thông tư 30 cho GV, BGH chúng tôi phải nghiên cứu, so sánh đối chiếu với Thông tư 32 trước đó, đọc kỹ cả những bài trả lời phỏng vấn của lãnh đạo Bộ GD&ĐT để thấm được quan điểm đánh giá HS vừa cả kiến thức, năng lực và phẩm chất.

Thông tư 30 cũng trao nhiều quyền tự chủ cho GV, từ theo dõi, đánh giá HS, ra đề kiểm tra cuối năm… nên quan điểm của BGH là không tạo thêm áp lực và nặng nề thêm cho GV trong quá trình triển khai thực hiện. Chúng tôi không yêu cầu GV phải nhận xét, đánh giá mỗi HS ít nhất 1 lần/tháng mà chỉ đánh giá trên mặt tiến bộ hoặc hạn chế của HS”.

Cùng đồng quan điểm ấy, cô Trần Thị Kim Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (Q. Sơn Trà - TP Đà Nẵng) cho biết: “Nếu BGH hiểu một cách máy móc Thông tư 30 thì GV sẽ rất quá tải. Nếu HS hoàn thành bài tốt, không có lỗi phải sửa mà cô giáo cứ đều đặn khen thì lời nhận xét sẽ nhàm chán. Nhận xét bằng lời cũng là một hình thức đánh giá của GV.

Chẳng hạn như trong hai tháng, em A chỉ có một lời nhận xét trong vở, nhưng chất lượng bài làm cũng như chữ viết của HS vẫn ổn định, không bị sút giảm, tức là GV đã có sự ghi nhớ về năng lực HS. Điều quan trọng là GV phải ghi nhớ và đánh giá quá trình của HS”.

Thông tư 30, vì vậy đòi hỏi mỗi GV đều phải có tinh thần trách nhiệm cao, bám sát HS hơn trong việc theo dõi, tiếp nhận từng đơn vị kiến thức, kỹ năng. Và để GV làm tốt điều đó, phải có sự sẻ chia từ BGH. Như Trường Tiểu học Bạch Đằng, BGH phải tập huấn cho toàn bộ GV kỹ năng ra đề; trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, các thông tin có liên quan đến việc triển khai Thông tư cũng được đưa ra để BGH cùng giáo viên phân tích, đánh giá cũng như thảo luận về phương pháp thực hiện.

Trường Tiểu học Núi Thành chủ trương GV có thể tổ chức cho HS nhận xét bài làm của nhau bằng bút chì, nếu bài làm của bạn nào có nhiều lỗi sai thì HS chuyển lên cho thầy cô giáo để nhận xét, hướng dẫn cách khắc phục...

Hài hòa giữa định tính và định lượng

Cô Lương Thị Mỹ Huệ - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bạch Đằng nhận xét: “Đúng là phụ huynh, thậm chí là cả GV vẫn chưa quen lắm với cách đánh giá HS bằng nhận xét. Với cách đánh giá bằng điểm số sẽ tác động mạnh đến phụ huynh, nhưng chỉ với điểm số không thôi mà không chỉ rõ cách khắc phục bằng những lời nhận xét, không có kế hoạch hướng cho HS sửa những lỗi sai thì điểm yếu vẫn cứ là điểm yếu”.

Cô Kim Vân - Trường Tiểu học Chi Lăng (Q. Sơn Trà) cho rằng, với cách đánh giá HS theo Thông tư 30, các hoạt động kỹ năng sống của HS được chú trọng nhiều hơn. Những HS có học lực trung bình, yếu… cũng không quá mặc cảm về điểm số và các em có cơ hội thể hiện mặt mạnh của mình ở các mặt khác như viết chữ đẹp, các môn học năng khiếu, các phong trào…

Thế nhưng, thành công của việc đổi mới trong kiểm tra, đánh giá HS còn phụ thuộc vào việc phải làm sao thay đổi nhận thức của cả xã hội về quan niệm chất lượng giáo dục.

Hai năm kể từ khi ngành GD&ĐT triển khai đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30, cuối mỗi năm học, không có trường nào là không có tình trạng phụ huynh cầm giấy khen đến thắc mắc với BGH rằng, với nội dung giấy khen như thế này, cơ quan tôi không biết xếp loại khen thưởng nhân ngày quốc tế thiếu nhi như thế nào.

Cô Thu Nguyệt kể: “Có Chủ tịch Công đoàn một công ty gọi điện đến hỏi tôi về trường hợp một HS được khen “có tiến bộ trong giao tiếp” thì là HS giỏi hay tiên tiến hay ở mức nào?”.

Cô Thu Nguyệt đành phải giải thích với vị Chủ tịch Công đoàn này rằng, đây là trường hợp một HS tự kỷ học hòa nhập, trong các môn học, em không có gì nổi bật, nhưng so với những ngày đầu mới đi học, em hòa nhập được với bạn bè trong lớp, biết biểu hiện các cảm xúc, biết chơi một số trò chơi với bạn… nên xứng đáng để được khen về mặt kỹ năng.

Thầy Trần Tám cũng đã phải ngồi phân tích với phụ huynh từng bài làm, lời nhận xét của GV, để phụ huynh nắm được cả quá trình học của con vì cứ thắc mắc “sao con tôi làm bài kiểm tra cuối kỳ được 9 điểm, 10 điểm mà lại không được khen thưởng”.

Chính vì vậy, hầu hết cả CBQL và GV tiểu học đều cho rằng, với hướng có thể xếp loại HS theo mức A, B, C, D sẽ giúp cho GV và cả nhà trường “nhẹ nhàng” hơn trong việc xếp loại định kỳ. “Chỉ một lời nhận xét khi tổng kết một học kỳ hay một năm học cũng không bao trùm được hết cả một quá trình học của HS.

Ví dụ như môn Toán, có thể HS học tốt kỹ năng cộng trừ nhưng nhân chia thì chưa được tốt. Với các mức A, B, C, D thì sẽ có sự rõ ràng hơn về định lượng” - thầy Trần Tám cho biết.

Thế nhưng, cũng cần phải có bộ tiêu chí rõ ràng để GV thuận lợi trong xếp loại HS. “Nếu không có tiêu chí rõ ràng thì GV sẽ lúng túng bởi tinh thần của Thông tư 30 là đánh giá một quá trình bằng định tính, vậy không thể chỉ căn cứ vào điểm thi cuối kỳ của HS để xếp loại A, B, C, D được”.

Cùng với việc triển khai áp dụng Thông tư 30, các trường tiểu học ở Đà Nẵng đã áp dụng hình thức sổ liên lạc điện tử. Mỗi phụ huynh có một mã số để theo dõi tình hình học tập của con ở trường. GV bộ môn không còn phải ghi chép và “ôm” nhiều sổ sách, hồ sơ. Riêng GVCN có thể theo dõi sự đánh giá, nhận xét của GV bộ môn qua sổ liên lạc điện tử chứ không nhất thiết phải trao đổi qua sổ điểm cá nhân như trước.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/sua-doi-bo-sung-thong-tu-30-ket-hop-hai-hoa-giua-dinh-tinh-va-dinh-luong-2155301-b.html