Sửa đổi, bổ sung quy trình công tác cán bộ: Bảo đảm chặt chẽ, thực chất hơn

Thực hiện tinh thần quyết liệt đổi mới của Trung ương Đảng về công tác cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương đang tích cực triển khai các công việc cụ thể nhằm sửa đổi, bổ sung quy trình công tác cán bộ trên cơ sở kế thừa ưu điểm, khắc phục hạn chế của những quy định hiện hành. Mục tiêu sửa đổi, bổ sung theo hướng nhanh, chặt chẽ và thực chất hơn.

Rút ngắn thời gian

Theo Ban Tổ chức Trung ương, đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương quản lý, thời gian từ khi xin chủ trương đến khi có quyết định bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự ứng cử của cơ quan có thẩm quyền hiện nay là 60-90 ngày. Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian quá dài, gây tâm lý chờ đợi, ảnh hưởng không ít đến hoạt động lãnh đạo, điều hành của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đáng chú ý, theo quy định hiện hành, có bước trong quy trình được quy định thời gian cụ thể, nhưng cũng có bước không quy định thời gian. Việc này dẫn đến có trường hợp trách nhiệm của địa phương, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan chưa được đề cao. Chưa kể, theo Ban Tổ chức Trung ương, có hiện tượng một số cá nhân chưa gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, còn có biểu hiện tùy tiện, gây phiền hà, sách nhiễu…

Trên cơ sở nghiên cứu một cách khoa học, Ban Tổ chức Trung ương đã đề xuất sửa đổi theo quy định cụ thể thời hạn từng bước trong quy trình xem xét bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. Ví dụ, về bước 3 “thẩm định, xét duyệt nhân sự”, sau 3 ngày kể từ ngày nhận được tờ trình, hồ sơ nhân sự của địa phương, cơ quan, đơn vị, Ban Tổ chức Trung ương gửi văn bản xin ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan (đối với những nơi đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định). Trong thời gian 7 ngày kể từ khi nhận được đề nghị thẩm định nhân sự, các cơ quan, đơn vị phải gửi văn bản trả lời. Nếu quá thời hạn mà không có ý kiến trả lời thì được coi như đồng ý với đề nghị bổ nhiệm. Trường hợp cần thêm thời gian để xem xét, xác minh, giải trình, các cơ quan phải gửi thông báo về Ban Tổ chức Trung ương theo dõi. Ban Tổ chức Trung ương thẩm định, hoàn chỉnh hồ sơ nhân sự trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian 5 ngày. Với đề xuất sửa đổi này, thời gian thực hiện quy trình nhân sự sẽ chỉ còn 20-40 ngày, giảm một nửa so với hiện nay.

Tinh thần đổi mới mạnh mẽ

Qua theo dõi công tác quy hoạch của các địa phương, cơ quan, đơn vị nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Tổ chức Trung ương nhận định, nguồn cán bộ quy hoạch tương đối dồi dào. Quy hoạch đều đạt tỷ lệ từ 1,5 đến 2 lần; mỗi chức danh quy hoạch từ 3 đến 4 người; tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc cơ bản đạt yêu cầu. Chất lượng cán bộ quy hoạch được nâng lên một bước. Quy hoạch cán bộ đã gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, làm căn cứ khi xem xét, bố trí, đề bạt và sử dụng cán bộ. Quy hoạch cấp dưới là cơ sở thực sự để quy hoạch cấp trên. Phương châm “động và mở” trong xây dựng quy hoạch bước đầu có sự chuyển biến tốt.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch cán bộ vẫn còn không ít hạn chế, thậm chí còn kẽ hở cần được khắc phục. Ví dụ, việc ủy quyền cho Ban Tổ chức Trung ương xem xét, ký xác nhận quy hoạch đối với chức danh ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ cấp ủy của các đảng bộ trực thuộc trung ương, qua thực hiện còn bộc lộ bất cập và chưa đồng bộ. Khi xem xét, ký xác nhận quy hoạch, Ban Tổ chức Trung ương chủ yếu dựa vào đánh giá, thẩm định, đề xuất nhân sự của các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương, mà không có cơ sở để xem xét, đánh giá, thẩm định đối với từng trường hợp nhân sự cụ thể. Quy định hiện hành cũng chưa có nội dung lấy ý kiến thẩm định của ủy ban kiểm tra các cấp trong việc thẩm định nhân sự quy hoạch. Quy trình rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm còn đơn giản, thiếu chặt chẽ, nhất là trong thẩm định, đánh giá, nhận xét và đề xuất nhân sự quy hoạch…

Theo đề xuất, Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, thẩm định phê duyệt đối với các chức danh quy hoạch diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và các chức danh quy hoạch khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử phải lấy ý kiến thẩm định của các ban đảng theo Quy định về phân cấp quản lý cán bộ (Quy định số 67-QĐ/TƯ ngày 4-7-2007 của Bộ Chính trị). Ban Tổ chức Trung ương cũng đề nghị giao cho các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương xem xét, quyết định phê duyệt quy hoạch đối với tất cả các chức danh quy hoạch thuộc thẩm quyền quản lý. Cũng theo đề xuất của Ban Tổ chức Trung ương, hằng năm các cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch một lần. Khi gửi văn bản đề nghị phê duyệt quy hoạch đối với các chức danh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải gửi hồ sơ nhân sự quy hoạch, tương tự như hồ sơ nhân sự đề nghị bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự ứng cử để làm cơ sở xem xét, thẩm định.

Có thể thấy, những đề xuất sửa đổi, bổ sung đã thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ về công tác cán bộ: Thông thoáng nhờ cải cách hành chính, nhưng bảo đảm chặt chẽ hơn nhờ quy định kín kẽ, khắc phục những lỗ hổng trong quy trình thẩm định. Các đề xuất nêu trên đang tiếp tục được nghiên cứu, hoàn chỉnh trước khi trình trung ương xem xét ban hành chính thức.

Võ Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/To_chuc-Can_bo/856614/sua-doi-bo-sung-quy-trinh-cong-tac-can-bo-bao-dam-chat-che-thuc-chat-hon