Sửa cầu Việt Trì: Tổng cục đường bộ chi 1 tỷ đồng

Tổng cục Đường bộ đề xuất sử dụng 1 tỷ đồng trong nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ để sửa cầu Việt Trì, cho phép ôtô dưới 7 chỗ lưu thông.

Tổng Đường bộ VN đã có thông báo kết luận cuộc họp về công tác sửa chữa khắc phục hư hỏng cầu Việt Trì tại Km52 trên QL2, tỉnh Phú Thọ.

Theo đó, Tổng cục Đường bộ sẽ thành lập đoàn kiểm tra hiện trường cầu Việt Trì để rà soát các hư hỏng ảnh hưởng đến ATGT, an toàn công trình cầu như: khe co giãn, bu lông, bê tông mặt cầu...

Tổng cục Đường bộ VN cũng giao Vụ Kế hoạch Đầu tư tham mưu đầu tư sửa chữa đột xuất các hư hỏng với kinh phí dự kiến dưới 1 tỷ đồng lấy từ nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ và chỉ định thầu thi công cho Công ty CPQL-XDCTGT 238 thực hiện theo quy định.

Dự kiến, việc sửa cầu sẽ phải hoàn thành cơ bản vào ngày 20/8 và sau đó cho phép xe hơi dưới 7 chỗ lưu thông. Trong quá trình khai thác, Cục QLĐB I tiếp tục theo dõi và đề xuất sửa chữa kịp thời đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.

Về tổ chức phân luồng giao thông, Tổng cục Đường bộ VN chỉ đạo lập phương án phân luồng cho phép xe ôtô từ 7 chỗ trở xuống, xe máy, xe thô sơ lưu thông qua cầu Việt Trì và chuẩn bị sẵn nhân lực, trang thiết bị và các điều kiện cần thiết phục vụ công tác phân luồng giao thông. Thời gian phân luồng dự kiến ngay sau khi sửa chữa xong.

Trạm thu phí Hạc Trì

Trước đó, nhà đầu tư dự án BOT cầu Hạc Trì (cầu Việt Trì mới) đã đặt biển báo cấm ô tô qua cầu Việt Trì rồi dựng ụ chặn ở lối lên cầu gây bức xúc cho người dân. Người dân địa phương sau đó đã có nhiều hành động phản đối và tự di dời những chiếc ụ.

Cuộc chiến quanh những chiếc ụ dằng dai trong gần 4 tháng. Chính vì thế ngày 1/8/2016, Cục Quản lý đường bộ I đã dỡ các ụ nổi, rào chắn tại cầu Việt Trì và cho phép các phương tiệnxe máy, xe thô sơ và xe ô tô dưới 7 chỗ đi qua.

Tuy nhiên nhà đầu tư cho rằng, theo phương án tài chính đã được phê duyệt, doanh thu thu phí cầu Hạc Trì năm 2016 ít nhất phải đạt 138 tỷ/năm tương đương 11,5 tỷ/tháng nhưng thực tế hiện nay chỉ đạt 7-8 tỷ/tháng, khoảng 180 triệu/ngày.

Nguyên nhân là các phương tiện chuyển hướng đi theo đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và vẫn lưu thông qua cầu Việt Trì từ hướng Hà Nội đến Thành phố Việt Trì. Mà với doanh thu như vậy, không đủ tiền trả lương cho người lao động, trả lãi ngân hàng, chi phí quản lý, khai thác cầu và không có khả năng hoàn vốn đầu tư.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã từng giao Tổng cục Đường bộ thực hiện kiểm định cầu Việt Trì, sửa chữa hư hỏng mặt cầu và khe co giãn.

Dựa trên kết quả kiểm định và kết quả sửa chữa, đưa ra các phương án phân luồng đảm bảo an toàn giao thông, ví dụ cho phép xe dưới 7 chỗ lưu thông qua cầu.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Ban QLDA Thăng Long và các thành viên trong tổ công tác PPP phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương tính toán lại phương án tài chính cho nhà đầu tư trên cơ sở nguồn thu phí bị giảm so với phương án trước đây, từ đó đưa ra thời gian hoàn vốn cầu Hạc Trì theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo lợi ích của người dân, nhà nước và doanh nghiệp đầu tư dự án.

Về phương án đầu tư hoàn chỉnh QL2 đoạn Việt Trì - Vĩnh Yên nhằm khai thác đồng bộ, hiệu quả với hệ thống hạ tầng hiện có, nếu thực hiện bằng hình thức BOT sẽ khó có khả năng hoàn vốn, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước để hoàn thiện 6 km còn lại.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu và đóng góp vai trò của mình trong việc hoàn vốn cầu Hạc Trì.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/sua-cau-viet-tri-tong-cuc-duong-bo-chi-1-ty-dong-3316555/