Sửa các Luật về quản lý chuyên ngành theo hướng sàng lọc rủi ro

Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) vừa có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị sửa đổi, bổ sung 3 Luật liên quan đến quản lý chuyên ngành (Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật An toàn thực phẩm).

Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: N.Linh .

Nội dung kiến nghị của Bộ Tài chính hướng đến yêu cầu kiểm tra trước thông quan những hàng hóa, DN có rủi ro cao, còn lại chủ yếu chuyển kiểm tra sau thông quan.

Quy định chứng nhận hợp quy trước lưu thông

Theo cơ quan Hải quan, kết quả cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa NK còn nhiều hạn chế, một phần do vướng mắc trong các quy định của các bộ, ngành và trong cả các quy định của Luật. Do đó, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, nhất là trong hoạt động XNK thì cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật thì hầu hết hàng hóa NK phải áp dụng quy chuẩn kỹ thuật đều thuộc Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Hiện tại, việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đang thực hiện theo quy định tại Thông tư 28/2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ. Do Thông tư không có quy định về thời hạn hiệu lực, không quy định chỉ phải chứng nhận hợp quy lần đầu NK, do đó lô hàng NK nào cũng phải chứng nhận hợp quy làm tăng chi phí, thời gian thông quan.

Để thống nhất việc thực hiện các yêu cầu về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi Điều 47 (chứng nhận hợp quy) và Điều 48 (công bố hợp quy). Đối với hàng hóa NK thuộc đối tượng phải chứng nhận hợp quy, việc chứng nhận hợp quy được thực hiện trước khi đưa hàng hóa ra lưu thông. Chủ hàng hóa có trách nhiệm bảo quản nguyên trạng hàng hóa đến khi có chứng nhận hợp quy mới được đưa hàng hóa ra lưu thông. Chứng nhận hợp quy chỉ áp dụng đối với lô sản phẩm lần đầu NK.

Đối với hàng hóa NK thuộc đối tượng phải công bố hợp quy, việc công bố hợp quy được thực hiện trước khi đưa hàng hóa ra lưu thông. Chủ hàng hóa có trách nhiệm bảo quản nguyên trạng hàng hóa NK đến khi được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bản công bố hợp quy mới được đưa hàng hóa ra lưu thông. Công bố hợp quy chỉ áp dụng đối với lô sản phẩm lần đầu NK.

Kiến nghị sửa đổi các Điều 34, 35, 36 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Đối với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan. Theo khoản 4 Điều 34, Điều 35 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì toàn bộ hàng hóa NK thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 phải kiểm tra chất lượng khi NK. Hiện tại Danh mục hàng hóa nhóm 2 do các bộ ban hành rất nhiều, đồng thời các bộ ban hành quy trình kiểm tra không thống nhất, đa số chưa áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý, kiểm tra dẫn đến tình trạng kiểm tra hàng hóa nhiều. Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi các Điều 34, 35, 36 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Theo đó, chỉ quy định hàng hóa NK thuộc nhóm 2 phải được kiểm tra chất lượng, không yêu cầu phải kiểm tra khi NK. Đối với trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa NK, ngoài các điều khoản quy định rõ trường hợp danh mục hàng hóa nhóm 2 phải kiểm tra chất lượng trước khi thông quan, Bộ Tài chính cũng kiến nghị quy định trường hợp hàng hóa thuộc Danh mục nhóm 2 thực hiện đăng ký kiểm tra trước thông quan và kiểm tra chất lượng sau khi hàng hóa đã được thông quan. Để thực hiện thống nhất, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cần quy định quy trình kiểm tra, chế độ miễn giảm kiểm tra, thừa nhận lẫn nhau, quản lý rủi ro, xử lý vi phạm hành chính.

Kiểm tra chặt chẽ với hàng hóa rủi ro

Luật An toàn thực phẩm cũng là văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn đến hoạt động XNK hàng hóa, Bộ Tài chính cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung nhiều quy định tại Luật An toàn thực phẩm. Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị sửa Điều 38, tại điểm a khoản 1 về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm NK. Quy định hiện tại là “phải được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi NK”. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính quy định này nên sửa thành: “Phải được đăng ký bản công bố họp quy tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa hàng hóa ra lưu thông”.

Tại Điều 40 quy định về trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra thực phẩm NK, Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng: “Hàng hóa NK sau đây phải kiểm tra an toàn thực phẩm trước khi thông quan: Thực phẩm tươi sống (có nguồn gốc động vật). Thực phẩm lần đầu NK chưa có một trong các chứng chỉ về an toàn thực phẩm sau đây: Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; giấy xác nhận công bố hợp quy; giấy chứng nhận an toàn thực phẩm được thừa nhận của nhà sản xuất, tổ chức chứng nhận nước ngoài. Hàng hóa NK cùng chủng loại với hàng hóa đang lưu thông có nguồn gốc NK bị kiểm tra phát hiện vi phạm về chất lượng; hàng hóa có cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Hàng hóa NK của DN có vi phạm pháp luật về kiểm tra an toàn thực phẩm trong thời gian 2 năm.

Hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra an toàn thực phẩm nhưng không thuộc hàng hóa nêu trên, Bộ Tài chính kiến nghị được thực hiện đăng ký kiểm tra trước khi thông quan và kiểm tra an toàn thực phẩm sau khi hàng hóa đã được thông quan. Người NK có trách nhiệm bảo quản hàng hóa đến khi có kết quả kiểm tra đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm mới được đưa hàng hóa ra lưu thông.

Căn cứ các quy định trên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục thực phẩm NK phải kiểm tra an toàn thực phẩm, đối tượng thực phẩm NK phải kiểm tra trước khi thông quan; trình tự, thủ tục kiểm tra, tỷ lệ kiểm tra, áp dụng quản lý rủi ro, miễn kiểm tra, thừa nhận lẫn nhau, xử lý vi phạm hành chính trong quá trình kiểm tra.

Ngọc Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/sua-cac-luat-ve-quan-ly-chuyen-nganh-theo-huong-sang-loc-rui-ro.aspx