Sự 'tiện lợi' phải trả bằng tính mạng!

Hãy chủ động mang bảo hộ lao động để bảo vệ bản thân - Ảnh: Kiến thức ATLĐ

Cả nhóm thợ hôm nay đề nghị không tăng ca để về sớm đi đưa tiễn người đồng nghiệp đoản mệnh. Nhìn cảnh người vợ đeo khăn tang, bế đứa con đang khóc ngặt nghẽo, nhiều người không cầm được nước mắt.

“Tuấn chăm chỉ nhất nhóm nhỉ?” – Một người bảo. Một người khác chen vào: “Nó còn tiết kiệm nữa”. Một người khác cho biết thêm: “Nó thương vợ, thương con nên chịu khó. Sau giờ làm còn tranh thủ làm thêm…”. Người này người kia góp chuyện về người đồng nghiệp vắng số. Riêng hai người đồng nghiệp thân nhất của Tuấn thì không nói gì.

“Mọi người nhận xét về Tuấn chẳng sai điều nào nhưng còn thiếu” – Chị nói, giọng có chút ngần ngừ. Tuấn vào công ty sau chị, nhỏ hơn chị 5 tuổi. Chị xem Tuấn như em trai. Chị quý Tuấn vì Tuấn chăm chỉ, chịu khó, hiền lành. Thế nhưng chỉ có cái tính cẩu thả của Tuấn không tài nào chị chịu được. Nhiều lần chị nhắc nhở Tuấn, được một vài lần rồi đâu lại vào đấy.

Công ty của chị chuyên sản xuất các mặt hàng liên quan đến hộp xốp, nhựa. Tuấn là công nhân cơ khí, kiểm tra máy ép. Yêu cầu của vị trí này là phải mang bảo hộ lao động. Đeo khẩu trang kín, áo quần phải gọn gàng, bao tay, giày dép đúng quy chuẩn… Quy định là vậy nhưng Tuấn chẳng khi nào chịu thực hiện. Tay áo của Tuấn luộm thuộm không bao giờ cài cúc lại cho gọn gàng. Mỗi khi bị nhắc nhở, Tuấn lại viện lý do “cài lại nóng lắm, để vậy cho mát. Hơn nữa, khi nào cần xắn tay áo lên lại rất tiện, nhanh”. Không lẽ cứ nhắc nhở Tuấn hoài nên mọi người cũng kệ. Vì tính tuấn vui vẻ, chăm chỉ nên cái lỗi “không cài cúc áo” của Tuấn bị bỏ qua. Cho đến khi vụ tai nạn lao động xảy ra làm Tuấn tử vong. Cái tay áo luộm thuộm của Tuấn bị vướng vào máy, Tuấn không phát hiện được, rồi cuốn cả cánh tay, cả nửa người. Chiếc máy cứ thế ngốn cho đến khi dừng hẳn. Mọi người phát hiện ra sự việc thì đã quá trễ. Tuấn không qua khỏi.

Tai nạn của Tuấn làm không khí công ty ảm đạm. Ban giám đốc chạy ngược xuôi để giải quyết vụ việc, việc sản xuất của công ty cũng ảnh hưởng... Thế nhưng, tất cả những việc đó rồi sẽ qua. Chỉ có nỗi đau sẽ còn đeo bám mãi những người thân của Tuấn. Từ nay, người vợ trẻ sẽ không còn ai để chia sớt ngọt bùi, người mẹ già lấy chỗ nào để nương tựa, đứa con trai sẽ lớn lên mà không có bố…

Giá như Tuấn nghe lời chị chỉ cần bỏ qua 5 giây để cài cái cúc ở tay áo lại. Giá như Tuấn cẩn thận hơn. Giá như… giá như… Nhưng đã muộn. Bỗng dưng chị khóc bởi Tuấn còn quá trẻ!

“Không phải ngẫu nhiên mà công ty đặt ra những quy tắc, nội quy và yêu cầu người lao động phải làm, phải tuân thủ. Cái sai của công ty, của anh chị em mình khi làm việc với Tuấn là đã dễ dãi với sự cẩu thả của em ấy. Chúng ta nể nang nhau, bao che cho nhau những vi phạm bởi cứ nghĩ nó chẳng quan trọng cho đến khi phải trả giá bằng tính mạng. Sự trả giá của em ấy là quá đắt nhưng máy móc nó vô tình, nó không phải là con người chỉ dừng lại ở hù dọa. Từ nay, mình phải nghiêm khắc hơn với chính mình và với đồng nghiệp của mình để không có những tai nạn đáng tiếc như Tuấn” – người đồng nghiệp đi cùng, vỗ vai chị. Chị lau hai hàng nước mắt, bảo “Ừ”. Bây giờ muốn làm gì, nói gì cho Tuấn cũng đã muộn nhưng bài học cho chính mình và đồng nghiệp thì có lẽ bây giờ chị mới nhận ra.

Nguyễn Ngọc Đức

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/su-tien-loi-phai-tra-bang-tinh-mang-679922.bld