Sự thật về tác dụng chữa bệnh ung thư của cây trinh nữ hoàng cung

“Cây trinh nữ hoàng cung và các bài thuốc kèm theo có thực sự chữa được bệnh ung thư như những lời đồn? Thực tế, loài thảo dược này đang được quảng cáo quá mức”.

Đó là khẳng định của bác sĩ Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương khi được hỏi về tác dụng của loại cây đang được quảng cáo như một thứ thần dược này.

Trên các trang mạng và các kênh truyền thông hiện nay, cây trinh nữ hoàng cung đang được quảng cáo với khả năng có thể chữa các bệnh như u nang vú ở phụ nữ, bệnh u xơ tuyến tiền liệt ở nam giới, ung thư trực tràng... Tuy nhiên, theo bác sĩ Vũ Bá Quyết, những quảng cáo này đang thổi phồng thái quá tác dụng của cây trinh nữ hoàng cung, vô tình khiến nhiều người hiểu nhầm rằng đây là một loại thuốc thần dược, chữa khỏi bệnh ung thư. Thực tế chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh được khả năng chữa bệnh ung thư của loại cây này.

Bác sĩ Vũ Bá Quyết - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương

“Những quảng cáo thiếu căn cứ sẽ dẫn đến những hiểu nhầm đáng tiếc đối với người sử dụng. Phải đặt ra câu hỏi, đây có phải là chiêu quảng cáo của các nhà sản xuất khi cố tình thổi phồng tác dụng của cây trinh nữ hoàng cung để thu hút khách hàng. Nếu vậy thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc và có những cơ chế xử lý nghiêm khắc để ngăn chặn sự việc”, BS Quyết cho biết.

Sản phẩm dán mác cây trinh nữ hoàng cung và việc các nhà sản xuất quảng bá loại cây này như một thần dược đang thực sự khiến nhiều người băn khoăn. Những ai đang mắc phải căn bệnh ung thư quái ác lại càng rơi vào tâm lý hoang mang lo lắng.

Search từ khóa “thuốc trinh nữ hoàng cung” trên Google sẽ cho ra 566.000 kết quả chỉ trong vòng 0,26 giây. Các bài thuốc gắn mác cây trinh nữ hoàng cung bao gồm trà trinh nữ hoàng cung, thực phẩm chức năng trinh nữ hoàng cung và các loại thuốc được quảng cáo hấp dẫn. Chiếm đại đa số các sản phẩm được chiết xuất từ cây trinh nữ hoàng cung là thực phẩm chức năng. Ở hạng mục sản phẩm này nhà sản xuất đưa ra các bài thuốc kết hợp cây trinh nữ hoàng cung với các loại thảo dược khác như tam thất, tinh bột nghệ, …

Tuy nhiên, theo BS Quyết, việc kết hợp các thành phần này nếu không đúng lượng sẽ không tốt cho sức khỏe. Việc các nhà kinh doanh dược phẩm đang thổi phồng hình ảnh cây trinh nữ hoàng cung nhằm mục đích kinh tế sẽ tạo nên cơn sốt về loại cây này.

“Nhiều người bệnh đã đổ xô đi tìm loại thuốc này mà không nghiên cứu kỹ càng, dùng các sản phẩm được quảng bá là xuất xứ từ cây trinh nữ một cách tùy tiện đã gây tác dụng ngược đối với sức khỏe bản thân. Thực tế, có một loại cây náng khác cũng có tên là trinh nữ hoàng cung nhưng là loài của Campuchia, có nửa hoa màu trắng, có mùi thơm như hoa huệ, loại này nếu uống vào sẽ gây vô sinh. Thực tế đã có nhiều người uống nhầm, bị ngộ độc và phải đi cấp cứu”, BS Quyết chia sẻ.

Dòng họ cây Trinh nữ hoàng cung có nhiều loại rất giống nhau. Nếu không phân biệt được sẽ dễ nhầm lẫn và bị ngộ độc khi uống không đúng loại.

Nói về tác dụng của Trinh nữ hoàng cung, trước đó, chia sẻ trên báo chí, PGS. TSKH Trần Công Khánh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền (CREDEP) khuyến cáo, việc tìm kiếm và tự chế biến cây Trinh nữ hoàng cung làm thuốc cần chú ý tính chính xác để đảm bảo hiệu quả chữa bệnh. Bởi, trong quần thể những cây gọi là Trinh nữ hoàng cung, nhưng cũng có sự không đồng nhất. Thậm chí, cùng là cây Trinh nữ hoàng cung nhưng thổ nhưỡng, cách chăm sóc khác nhau... cây cũng sẽ có hoạt chất khác nhau. Vì thế, hiệu quả sử dụng cũng khác nhau.

Điều đáng nói, trên thị trường hiện nay có khá nhiều loại thực phẩm chức năng được cho là sản xuất từ cây Trinh nữ hoàng cung. Người tiêu dùng như lạc vào “ma trận” sản phẩm này với những quảng cáo lập lờ. Một số cơ sở sản xuất còn phối hợp Trinh nữ hoàng cung với các dược liệu khác, nhưng không được nghiên cứu về tác dụng tương kỵ của các dược liệu này sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Theo Giadinh VietNam

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/su-that-ve-tac-dung-chua-benh-ung-thu-cua-cay-trinh-nu-hoang-cung-241377.html