Sự thật về đạo phật: Tây Phương Cực Lạc không có thật, niệm Phật... không thể thành Phật

Theo TS.TT Thích Nhật Từ, niệm Phật giải thoát là không có thật. Giải thoát theo đức Phật trong các kinh, phải thực tập đầy đủ và trọn vẹn Bát Chánh Đạo và đây là con đường duy nhất, không có con đường thứ hai.

TS.TT Thích Nhật Từ.

“Niệm Phật chỉ là một dữ liệu rất nhỏ để chúng ta đạt được chánh niệm. Như chúng tôi đã nói nhiều lần, thời đức Phật là nhớ đến Phật và nhớ đến 10 đức hiệu của 1 đức Phật chung, khác hoàn toàn với việc niệm danh hiệu đức Phật riêng. Dầu là đức Phật chung hay đức Phật riêng, việc niệm Phật không thể tăng trưởng các phước báu như đã được Trung Quốc hứa hẹn”, TT Nhật Từ nói.

"Niệm Phật chỉ đạt được tỉnh tâm, tỉnh tâm là phần đầu của chánh niệm để chúng ta đi sâu vào trong thiền định, cho nên niệm Phật như thế là rất tốt nhưng đừng kỳ vọng niệm Phật giải thoát vì điều đó sẽ rơi vào tình trạng cầu bất đắc khổ do mê tín đị đoan.

Niệm Phật thành Phật lại càng không thể được. Trong 10 đức hiệu, đức Phật nào cũng có đức hiệu "Minh Hạnh Túc". "Minh" là từ tương đương của trí tuệ, "Hạnh" là kết quả của đời sống đạo đức và phước báu, nếu ai chưa tu đầy đủ 6 Ba La Mật, bắt đầu từ phước báu có "Bố Thí" kết thúc ở "Trí Tuệ" siêu tuyệt thì người đó chưa đầy đủ được căn lành lớn và công đức lớn cho nên không thể nào thành được thánh A La Hán huống hồ là Phật. Cho nên, niệm Phật chỉ thành được chánh niệm thôi".

Trả lời câu hỏi niệm Phật có vãng sinh Cực Lạc Tây Phương được hay không, TT Thích Nhật Từ nói, câu trả lời, nếu đúng với lịch sử và dựa vào bài kinh thứ 18, Kinh Trường Bộ là không.

Niệm Phật hoàn toàn không được Phật A Di Đà rước vì các đức Phật không thể làm ngoài Nhân Quả.

"Tây Phương Cực Lạc không có thật, Tây Phương Cực Lạc chỉ là một pháp nhử để cho quần chúng do thích về phước báu vãng sinh, không thích phước báu khổ đau ở kiếp hiện tại này.

Thực tập được căn lành lớn, công đức lớn, nhân duyên tốt lớn, pháp âm lớn và nhiếp tâm bất loạn lớn mới là yếu tố xây dựng cực lạc hiện tiền. Cực lạc trong nhà, cực lạc ở công sở, cực lạc trong xã hội. Triết lý cực lạc đó rất sâu sắc và cốt lỏi của Kinh Di Đà nhắm đến là triết lý này chứ không phải Cực Lạc Tây Phương", TT nói.

TT Thích Nhật Từ cũng khẳng định, niệm Phật hoàn toàn không được Phật A Di Đà rước vì các đức Phật không thể làm ngoài Nhân Quả được. Nếu không hội đủ 5 tiêu chí vừa nêu mà Phật A Di Đà rước thì Phật thuộc về ô dù bao che, mà luật pháp thế giới người ta rất nghiêm cấm về lợi ích nhóm như thế này.

"Toàn bộ kết quả đạt được của việc Niệm Phật là chánh niệm. Muốn chánh niệm được nhanh thì đồng lúc ta phải thực hiện được chánh kiến, chánh tư duy để có trí tuệ, không mê tín dị đoan; chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn để có đời sống đạo đức cao quý. Nếu thiếu 7 yếu tố này, chúng ta rất khó kỳ vọng".

Nói về việc hộ niệm để người chết được vãng sinh, TT Thích Nhật Từ giải thích, hộ niệm là các hoạt động trợ giúp về tâm lý phải chú ý vào phân tích các nỗi khổ niềm đau. Hộ niệm pháp kinh tốt hơn việc hộ niệm bằng cách niệm Phật vì kinh thuộc về trí tuệ. Khi ta biết chọn lựa bài kinh phù hợp với người đang bị bệnh ta sẽ giúp cho họ rất nhiều vấn đề, khai sáng được tâm.

"Thời Đức Phật, hộ niệm là thuyết pháp. Nội dung bài thuyết pháp khi hộ niệm chủ yếu là kinh Vô Ngã tướng. Đó là bài pháp trị liệu tâm lý rất đặc sắc mà Đức Phật đã dạy.

Các tăng sĩ làm hộ niệm không phải vì cầu vãng sinh mà bày tỏ tấm lòng của mình với người thân. Quá trình sống của một người sẽ quyết định việc tái sinh của người đó, không lệ thuộc vào ban hộ niệm", TT nhấn mạnh.

Ánh Nguyệt

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/tin-24h/su-that-ve-dao-phat-tay-phuong-cuc-lac-khong-co-that-niem-phat-khong-the-thanh-phat-130495