Sự thật về cuộc thi hoa hậu người đẹp Việt vừa đăng quang

Cuộc thi mà Ngọc Duyên đăng quang có lịch sử non trẻ, quy mô tổ chức như hội chợ, sân khấu sơ sài.

Giải đồng Siêu mẫu Việt Nam - Ngọc Duyên đã vượt qua 41 thí sinh để đăng quang ngôi vị Nữ hoàng Sắc đẹp Toàn cầu 2016. Cư dân mạng đang vui mừng nhưng bao nhiêu người biết được quy mô thực sự của cuộc thi mang danh 'tầm vóc quốc tế' này?

Hiện nay, các cuộc thi tầm cỡ quốc tế phải kể đến Hoa hậu Thế giới (thành lập năm 1951), Hoa hậu Hoàn vũ (thành lập năm 1952), Hoa hậu Quốc tế (thành lập năm 1960) được biết đến là 3 cuộc thi có quy mô lớn và lịch sử lâu đời trên thế giới. Gần đây cũng có 1 số cuộc thi mới tổ chức như Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Siêu Quốc gia và Hoa hậu Hòa bình Quốc tế được nhiều người chú ý vì chất lượng thí sinh khá tốt, công tác tổ chức chu đáo và được truyền thông săn đón.

Tuy nhiên, cũng có những cuộc thi mang danh là quốc tế nhưng lại ít ai biết đến. Đơn cử như cuộc thi Miss International Beauty 2009 bị phanh phui là cuộc thi 'hội chợ'; các cuộc thi gắn chữ 'global' (toàn cầu) được tổ chức nhỏ lẻ, chất lượng thí sinh kém tại Trung Quốc, Philippines... đã tạo ra hiện tượng loạn danh hiệu.

Cuộc thi Miss Global Beauty Queen của Ngọc Duyên vừa đăng quang cũng nằm trong trường hợp những cuộc thi quốc tế 'ao làng' ít người biết đến.

Miss Global beauty Queen được ra đời từ năm 2005 và có lịch sử tổ chức lắm 'truân chuyên'. Cuộc thi được sáng lập bởi doanh nhân Alex Liu và tổ chức liên tục từ năm 2005 đến 2009 tại Trung Quốc. Sau 4 năm tổ chức, cuộc thi bị gián đoạn rồi trở lại đúng một lần vào năm 2011 trước khi tiếp tục mất hút. Phải đến năm 2015 cuộc thi mới được hồi sinh nhờ nữ doanh nhân gốc Philippines và mang đến tổ chức tại Hàn Quốc.

Không chỉ tổ chức gián đoạn, cuộc thi cũng không quy tụ được nhiều thí sinh như những cuộc thi quốc tế đúng nghĩa. Nếu như trung bình Miss World có trên 100 thí sinh, các cuộc thi khác cũng có khoảng 80 cô gái tranh tài thì Miss Global Beauty Queen thu hút chỉ trên dưới 40 thí sinh tham dự. Số lượng thí sinh thấp kỷ lục phải kể đến cuộc thi năm 2015 trở lại sau thời gian gián đoạn chỉ có 38 người đẹp tham dự. Với cuộc thi năm nay, Kim Duyên cũng chỉ cần vượt qua 41 thí sinh khác đã có thể đăng quang ngôi vị cao nhất.

Cuộc thi năm nay chỉ thu hút vỏn vẹn 42 thí sinh tham dự so với con số từ 80 đến trên 100 quốc gia cử đại diện tham dự tại những cuộc thi quốc tế đúng nghĩa.

Một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá một cuộc thi có xứng tầm quốc tế hay không chính là chất lượng thí sinh. Một cuộc thi chỉ được gọi là mang tầm vóc quốc tế khi các thí sinh tham dự đã đạt danh hiệu chính thức tại các kỳ thi hoa hậu quốc gia tại đất nước đó. Như các cường quốc sắc đẹp như Venezuela, Mỹ, Phillipines... đều tổ chức những cuộc thi quốc gia để chọn đại diện tham gia các cuộc thi quốc tế.

Trong khi tại Miss Global Beauty Queen phần lớn các thí sinh đều là những tên tuổi ít người biết đến, họ được ai cử đi, có mang tính đại diện cho quốc gia họ hay không cũng không ai có thể làm rõ. Như Á hậu 2 của cuộc thi là thí sinh Hà Lan cũng không đạt thành tích nào nổi bật tại cuộc thi ở quốc gia của cô; đại diện Brazil đạt danh hiệu Á hậu 3 cũng chỉ đi thi với danh hiệu Hoa hậu bang Sau Paulo chứ không đạt bất kỳ thứ hạng cao nào trong top 3 của cuộc thi Hoa hậu Brazil.

Người đẹp Venezuela - mang trên mình dải băng của cường quốc hoa hậu nhưng cô không được biết đến tại bất kì cuộc thi Miss Venezuela nào và rất nhiều thí sinh khác cũng có hồ sơ không ai biết tương tự. Ngay cả Ngọc Duyên mãi cho đến khi đạt danh hiệu thì còn rất nhiều người không biết cô là ai và cả cuộc thi vì không nằm trong những cuộc thi lớn mà khán giả và truyền thông quan tâm. Thậm chí, nhiều người còn bất ngờ khi biết cô phải sớm dừng bước tại vòng sơ khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012.

Thông tin trên website chính thức của cuộc thi khá lộn xộn khi ở trên thì đăng thông tin về cuộc thi năm 2016 nhưng bên dưới thì đăng hình 5 thí sinh đăng quang năm ngoái trong khi cuộc thi năm nay đã kết thúc từ ngày 24/10/2016.

Một trong những điều khán giả quan tâm tại bất kỳ cuộc thi nào chính là thành phần BGK. Vì người cầm cân nảy mực phải là nhân vật có uy tín, có tâm ảnh hưởng toàn cầu mới xứng đáng với quy mô của một cuộc thi mang tầm thế giới. Tuy nhiên, trên website chính thức của cuộc thi tới tận thời điểm này (27/10) vẫn chưa hề cập nhật bất cứ thông tin nào về Tân hoa hậu cũng như các hoạt động của thí sinh trong thời gian qua, cũng như thông tin về thành phần Ban giám khảo.

Ngoài ra, quy mô của cuộc thi cũng thể hiện ở chỗ trang chủ của cuộc thi chỉ vỏn vẹn hơn 8.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội. Trong khi những cuộc thi Miss World có 2,6 triệu, Miss Universe có gần 6,5 triệu lượt người quan tâm. Trong khi đó, một cuộc thi danh giá mới nổi như Miss Grand International (chỉ vừa tổ chức từ năm 2013) cũng đã cán mốc 1 triệu lượt người quan tâm trên mạng xã hội.

Fanpage của cuộc thi đa số cập nhật tin tức đăng quang của Ngọc Duyên từ các báo tại Việt Nam bằng tiếng Việt, thay vì các trang tiếng Anh như các cuộc thi lớn và có sức hút mạnh mẽ với truyền thông.

Không những thế, công tác tổ chức của cuộc thi cũng bị chê là nghèo nàn, không chu đáo. Tại cuộc thi Miss Universe 2008 được tổ chức tại Việt Nam, các thí sinh được BTC tiếp đón với chế độ ăn, ở, đi lại sang trọng, các sân khấu phải đảm bảo chu đáo, thí sinh được bảo vệ nghiêm ngặt. Đối với cuộc thi Miss Global Beauty Queen thì ở một đẳng cấp thấp hơn hẳn.

Thí sinh Miss Global Beauty Queen xuất hiện tại các hoạt động ngoài trời rất sơ sài, ít nhân viên an ninh và thậm chí người dân ít quan tâm đến cuộc thi.

Các hoạt động ngoài trời của thí sinh không được đảm bảo an ninh cao; sân khấu bị chê như hội chợ vì trưng bày các loại hoa quả, sản phẩm của nhà tài trợ; thí sinh xuất hiện tại sự kiện như PG mua vui cho các khách mời đang ăn uống. Khi xem lại hình ảnh của cuộc thi, thí sinh phải ăn trong các nhà hàng bình dân, không có được không gian riêng mà phải ngồi ăn chung với người dân bình thường.

Trước sân khấu là hàng loạt hoa quả, bánh kẹo, thực phẩm,… của nhà tài trợ trưng bày như một buổi hội chợ.

Các thí sinh dự thi đứng ở góc xa như PG trong khi các quan khách đang vô tư an uống.

Các cô gái thường phải ngồi ăn chung trong một không gian không được sang trọng
như các cuộc thi lớn.

Ở các sự kiện thường ngày, thí sinh bị BTC xem như phương tiện quảng cáo cho nhà tài trợ; các hoạt động ngoài trời nghèo nàn, nhàm chán; xuất hiện ở nơi công cộng thì các người đẹp và cuộc thi cũng không nhận được sự quan tâm từ truyền thông ở xứ sở Kim chi.

Nếu như sân khấu Hoa hậu Hoàn vũ 2008 tại Việt Nam có mặt sàn 1000m2, 7500 chỗ ngồi thì cuộc thi Ngọc Duyên đăng quang có diện tích khá nhỏ, kết cấu sơ sài, hệ thống đèn không đủ sáng.

Sân khấu cuộc thi bị chê còn thua xa sân khấu đêm bán kết miền Nam cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia ở Việt Nam.

Sân khấu tại các hoạt động của cuộc thi vô cùng nhỏ bé và sơ sài.

Hậu trường của cuộc thi cũng rất lụp xụp trong một căn phòng nhỏ, số lượng nhân viên ít, dụng cụ trang điểm cũng không đa dạng, chu đáo.

Trong đêm chung kết, khâu tổ chức cũng là vấn đề khiến nhiều người ngán ngẩm. Sân khấu đêm chung kết quá sơ sài, chật chội kèm hệ thống âm thanh, ánh sáng tệ hại, thậm chí còn thua xa sân khấu đêm bán kết Hoa hậu Việt Nam khiến khán giả thất vọng. Khán giả đến dự đa số là khách mời chỉ lèo tèo vài người không lấp đầy được 1/3 số ghế tại khán phòng. Đến lúc Đương kim Hoa hậu bước lên chào khán giả trước khi mãn nhiệm kỳ thì dưới hàng ghế khán giả, khách mời đã về gần hết.

Khán giả trong đêm chung kết đa số là khách mời, đến lúc đương kim Hoa hậu lên nói lời tạm biệt thì camera để lộ góc quay tố cáo khách mời đã bỏ về gần hết.

Không dừng lại ở đó, sân khấu cũng bị chê lộn xộn bởi sự xuất hiện của các nhân viên hậu cần liên tục chạy ra chạy vào trên sân khấu. Các thí sinh đứng sai vị trí cần phải có nhân viên chạy ra nhắc nhở, Top 15 vừa được trao phần quà luân lưu thì không lâu sau đã có nhân viên chạy ra 'gom' phần thưởng ấy vào trong trước mặt khán giả.

Nhân viên hậu cần phải thường xuyên chạy ra để chỉ lại vị trí đứng cho các thí sinh.

Vừa trao giải cho top 15 xong thì đã có nhân viên của BTC chạy ra mang phần thưởng cất vào trong ngay trên sóng trực tiếp.

Các khách mời lên trao giải đứng lố nhố bên dưới sân khấu, thậm chí còn không có phòng chờ hay chỗ ngồi chuyên nghiệp cho họ chờ đến lượt mình lên trao giải. Khi lên trao thì khách mời phải trực tiếp cầm dải băng trên tay mà không có sự trợ giúp nào từ các nhân viên lễ tân.

Ngoài ra, đêm chung kết còn gặp sự cố buồn cười là Hoa hậu Nigeria nghe nhầm tên và bước lên nhận giải trong top 15. Người trao giải phải tiến tới nói nhỏ cho người đẹp Nigeria và cô gái thất thểu đi về.

Hoa hậu Nigeria (váy hồng) nghe nhầm tên, tưởng mình lọt top 15 và sau đó ngậm ngùi đi về vị trí cũ.

Cuối cùng, phần thi ứng xử vốn được xem là những phút giây căng não để chọn ra được người chiến thắng dựa trên sự thông minh, hiểu biết của họ thì đối với Miss Global Beauty Queen này lại là một chuyện khác. Cuộc thi không có phần thi ứng xử mà từ Top 15 đã công bố ngay 4 danh hiệu Á hậu và hoa hậu khiến nhiều khán giả đặt nghi vấn BTC, BGK chọn người chiến thắng dựa trên tiêu chí gì?

Danh hiệu Hoa hậu và 4 á hậu được chọn ra không dựa trên cơ sở vòng thi ứng xử khiến nhiều người nghi ngờ về chất lượng cuộc thi.

Có thể nói, khi cuộc sống vật chất ngày càng đầy đủ thì nhu cầu đòi hỏi các hoạt động tinh thần phải ngày càng đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, những nhu cầu đó dễ dẫn đến việc các cuộc thi bị biến tướng: các cuộc thi hoa hậu mang danh là quốc tế mọc lên như nấm nhưng chất lượng thí sinh không đảm bảo trong khi truyền thông dễ bị qua mắt bởi các trò tung quả mù danh hiệu mà không tìm hiểu bản chất thật sự của cuộc thi.

Nếu đi cho cùng giá trị cốt lõi của các cuộc thi thì danh hiệu Á hậu Quốc tế của Thúy Vân, danh hiệu top bán kết Miss World của Nguyễn Thị Huyền, Mai Phương Thúy hay Hương Giang,... vẫn có những giá trị đáng trân trọng hơn là danh hiệu Hoa hậu ở một cuộc thi ít người biết đến.

Bảo Bảo

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/thoi-trang/su-that-ve-cuo-c-thi-hoa-hau-nguoi-dep-vie-t-vua-dang-quang-336228.html