Sự thật về 'cuộc tập kích Sơn Tây' - thất bại đau đớn của biệt kích Mỹ tại Việt Nam

Lực lượng biệt kích là một trong những niềm tự hào của Quân đội Mỹ với nhiều chiến công "xuất quỷ nhập thần". Tuy nhiên họ từng nhận phải một thất bại muối mặt tại Việt Nam đến nỗi phải sử dụng đến bức màn "tuyệt mật" để che giấu sự thật về nó.

Trực thăng HH-53 - nhân vật chính của cuộc tập kích Sơn Tây

Vụ đột kích táo bạo nhất của Mỹ tại Việt Nam

Trong chiến dịch Sấm Rền (2/3/1965 - 1/11/1968), hay ta gọi là "Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất", quân và dân miền Bắc đã bắn rơi nhiều máy bay, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ. Sau chiến dịch, số lượng phi công Mỹ bị bắt làm tù binh ước tính lên tới 356 người.

Năm 1970, một năm sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Richard Nixon quyết định mở một chiến dịch táo báo chưa từng có trong chiến tranh Việt Nam.

Mục tiêu của chiến dịch là một nhà tù nhỏ, nằm ở vùng hẻo lánh gần Sơn Tây, cách Hà Nội khoảng 40km. Tại trại giam này, thông tin tình báo của Mỹ cho biết có 61 tù binh là phi công Mỹ đang bị giam giữ. Vai trò của nhà tù này được cho là nhằm "giảm tải" cho nhà tù Hỏa Lò tại Hà Nội, vốn đã chật ních "giặc lái" Mỹ.

Đây là một kế hoạch được Mỹ chuẩn bị hết sức công phu, tốn kém, với sự tham gia của rất nhiều các quan chức chóp bu trong bộ máy chiến tranh khổng lồ của Mỹ gồm: Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird, Bộ trưởng Ngoại giao William Rogers, Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger, Giám đốc Cục tình báo CIA Richard Helms.

Quá trình chuẩn bị công phu đến mức "hoàn hảo"

Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ là 56 biệt kích thuộc lực lượng đặc nhiệm cơ quan 1127 - tình báo đặc nhiệm thuộc Không quân Hoa Kỳ. Họ được huấn luyện rất công phu, gian khổ, trong nhiều tháng trời.

Trọng tâm của quá trình huấn luyện là một khu vực mô phỏng khu trại giam Sơn Tây theo tỷ lệ 1:1, xây dựng theo thông tin tình báo và không ảnh của máy bay trinh sát. Nhóm biệt kích ngày ngày tập luyện nhằm thông thạo địa hình khu trại giam để có thể đột nhập, giải cứu, rồi thoát đi trong thời gian ngắn nhất có thể. Ngoài ra họ còn phải trải qua những bài tập về sinh tồn, nhằm chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất.

Mô hình trại tù Sơn Tây được Mỹ xây dựng cho binh sỹ tập luyện

Bên cạnh đó là các bài tập riêng dành cho nhóm phi công trực thăng được lựa chọn. Họ phải hoàn thành các bài bay với cao độ thấp, bám địa hình, đường bay ngoằn nghèo, nhằm đảm bảo khả năng tránh bị radar đối phương phát hiện.

Tổng cộng, để thực hiện cuộc tập kích một cách hoàn hảo nhất, Mỹ đã tiến hành 170 lượt diễn tập với sự tham gia của 100 binh sỹ, 30 máy bay, 20 phi công trực thăng. Buổi tổng duyệt được tiến hành vào ngày 6/10/1970 với kết quả thành công Mỹ mãn.

Chiến công rực rỡ "trên sách vở" của Mỹ

Theo kế hoạch đã được Nixon phê duyệt, cuộc tập kích được tiến hành vào đêm 20, rạng sáng ngày 21/11/1970. Nhóm máy bay trực thăng tham gia chiến dịch gồm 3 chiếc HH-53, cất cánh từ sân bay Udon, Thái Lan vào hồi 23h18 ngày 20/11.

Phi đội trên bay tới không phận Lào, sau đó hợp cùng với một nhóm máy bay chi viện hướng thẳng tới Sơn Tây.

Trong suốt quá trình bay, phi đội giữ cao độ rất thấp, nhằm tránh bị radar phía Việt Nam phát hiện. Đến khoảng 2h sáng ngày 21/11, phi đội đã vượt qua quãng đường 550km từ Udon tới vùng trời Sơn Tây.

Sơ đồ đường bay của đơn vị biệt kích Mỹ từ Thái Lan sang Việt Nam

Sau quá trình hiệp đồng tác chiến như đã luyện tập cả trăm lần trên đất Mỹ, nhóm biệt kích Mỹ cũng đã tiếp cận được mục tiêu định ra ban đầu: khu trại giam Sơn Tây.

Lúc đó là 2h17. Nhóm đặc nhiệm gào to thông báo cho nhóm tù binh biết sự có mặt của mình, trước khi xông vào các phòng giam. Tuy nhiên tất cả đều trống trơn, không có một tù binh nào còn sót lại. Biệt đội Mỹ nhanh chóng thu xếp rời khỏi hiện trường, không quên đặt thuốc nổ phá hủy một chiếc HH-53 gặp sự cố khi tiếp cận mục tiêu, sau đó trở về căn cứ Udon an toàn vào hồi 5h28.

Dick Meadows vùng ngay dậy và chạy thoát ra cửa sau đuôi trực thăng, tay bấm vào loa phóng thanh...chạy thoát ra khỏi trực thăng vào khoảng 15 yard thì Meadows quỳ xuống, bám vào chốt loa và hít hơi lấy sức. Ông ta bắt đầu phát thanh với giọng bình tĩnh: Chúng tôi là người Mỹ, xin các anh cúi xuống. Chúng tôi là người Mỹ. Đây là một cuộc giải cứu. Chúng tôi đến đây để cứu các anh ra khỏi chỗ này. Yêu cầu tất cả cúi xuống, nằm xuống sàn nhà. Chúng tôi sẽ vào phòng giam của các anh trong vài phút nữa .

Tiếng nói của ông ta vang vọng khắp nơi trong doanh trại. Nhưng không có tiếng trả lời.

(Trích sách của B.F.Schemmer)

Sau sự kiện trên, cuộc tập kích Sơn Tây được giữ trong diện "tuyệt mật" một thời gian ngắn, trước khi được công bố rộng rãi. Mỹ công bố đó là một chiến công hiển hách...về mặt chiến thuật vì đã thọc sâu vào lãnh thổ Bắc Việt và rút về an toàn mà lực lượng phòng không - không quân đối phương không hề hay biết. Các chiến binh biệt kích tham dự chiến dịch được thưởng nhiều huân chương cao quý của quân đội.

Thất bại nặng nề của tình báo Mỹ

Tuy loan báo là một "chiến thắng" nhưng giới chóp bu quân đội Mỹ hiểu được rằng lực lượng tình báo của họ đã nhận phải một "vố đau" tại Sơn Tây. Họ vò đầu suy nghĩ không hiểu tại sao các bức ảnh trinh sát chỉ vài ngày trước đó vẫn cho thấy các tù binh sinh hoạt bình thường mà đến "giờ G" lại không thấy bóng một người nào cả? Nếu phía Bắc Việt đã biết trước kế hoạch thì tại sao không tổ chức phục kích? Phải chăng ngay trước đó đám tù binh đã được chuyển đi nơi khác "một cách tình cờ"?

Phù hiệu của các cựu chiến binh tham gia vụ đột kích Sơn Tây. Nhiều người trong số họ nhận được các huân, huy chương cao quý từ Quân đội Mỹ

Sau cùng, các câu hỏi trên mãi không thể tìm thấy câu trả lời xác đáng từ phía Mỹ. Bởi tài liệu chi tiết về diễn biến chiến dịch đều đã được xếp vào diện tuyệt mật đến nỗi các cố vấn thân cận của Tổng thống và Ủy ban An ninh Quốc gia cũng không hề hay biết.

Một nguồn tin không xác minh sau này cho biết thực chất tù binh Mỹ tại trại Sơn Tây đã được chuyển đi nơi khác từ trước đó hơn 4 tháng, vào ngày 14/7, do lo ngại nước sông dâng cao gây ngập lụt.

Sự thật hé lộ từ phía Việt Nam

Phía Mỹ có thể đã đánh giá quá cao năng lực của hệ thống tình báo, cũng như quá tự tin vào quá trình chuẩn bị cho chiến dịch. Bởi với phía Việt Nam, các thông tin sau này cho biết ta đã dễ dàng đập tan kế hoạch công phu của Mỹ. Sự thật là thông tin về vụ tập kích của Mỹ đã bị lộ trước đó, không phải từ một, mà là 2 nguồn tin khác nhau.

Theo cuốn sách "Phi công Mỹ ở Việt Nam", nguồn tin đầu tiên là từ ông Gia Huy - một sĩ quan tình báo Bộ Công an, do một cựu sỹ quan tình báo Mỹ tiết lộ vì có cảm tình với Việt Nam. Nguồn tin cho biết Mỹ sẽ thực hiện tấn công tại khu vực phía Tây Hà Nội để giải cứu tù binh.

Tranh minh họa cảnh biệt kích Mỹ tỏa vào các phòng giam tìm cách giải cứu tù binh

Nguồn tin thứ 2 là từ Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự - Trưởng ban nghiên cứu phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris. Tướng Tự đã nhận định về khả năng Mỹ sẽ mở cuộc đột kích nhắm vào một trại tù binh của ta, sau khi ông tiếp cận được với một tài liệu mật của Quốc hội Mỹ về khu trại "giả" cho nhóm lính Mỹ tập luyện như đã nói ở phần trên.

Tuy nhiên từ trước khi 2 luồng thông tin trên được gửi về nước, lực lượng an ninh của ta đã nghe phong thanh về kế hoạch của Mỹ. Hai nguồn tin giúp ta cũng cố thêm nhận định ban đầu, từ đó quyết định chuyển đám lính Mỹ tới một trại dự bị nằm cách đó 15km.

Về chuyện ảnh trinh sát cho thấy có tù binh trong trại, và lý do tại sao Việt Nam không cài quân mai phục, Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn cho biết ta đã bố trí lực lượng mai phục sau khi đám tù binh được chuyển đi, nhưng do không biết rõ thời điểm của vụ đột kích nên sau vài tuần chờ đợi, lực lượng đã được rút đi.

Các tấm ảnh hồng ngoại phía Mỹ cho là bằng chứng về sự hiện diện của tù binh Mỹ có thể chính là hình ảnh của những chiến sỹ được ta chuẩn bị để mai phục chúng!

Tuấn Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/tin-24h/su-that-ve-cuoc-tap-kich-son-tay---that-bai-dau-don-cua-biet-kich-my-tai-viet-nam-128131