Sự thật kinh ngạc về tượng nhân sư cổ xưa nhất Ai Cập

Tượng nhân sư lớn The Great Sphinx nằm ở Giza, Ai Cập là một trong những bức tượng lớn và cổ xưa nhất đồng thời lưu giữ nhiều sự thật thú vị.

Tượng nhân sư lớn The Great Sphinx được tạc với hình dáng đầu người, thân sư tử, nằm trong tư thế phủ phục ở cao nguyên Giza, tả ngạn sông Nile, Ai Cập.

Khuôn mặt của bức tượng nhân sư lớn này được cho là khắc họa chân dung của Khafra - pharaoh huyền thoại của Ai Cập cổ đại. Nhiều tài liệu cho thấy thời điểm xây dựng bức tượng nhân sư là vào giai đoạn 2558 - 2532 TCN. Thời điểm này trùng khớp với thời gian pharaoh Khafra cai trị đất nước.

Với chiều cao 20m, dài 73m và rộng 6m, tượng nhân sư "khổng lồ" này được đánh giá là bức tượng được tạc từ đá nguyên khối lớn nhất thế giới.

Có rất nhiều truyền thuyết liên quan đến tượng nhân sư lớn ở Giza. Trong đó nổi tiếng nhất là câu chuyện kể về hoàng tử Ai Cập Thutmose IV - người sau này trở thành pharaoh.

Theo đó, vào khoảng năm 1400 TCN, Thutmose bị những người anh em ghen ghét do được vua cha yêu quý. Một số người còn âm mưu giết chết hoàng tử vì lòng đố kỵ.

Để thoát khỏi cuộc tranh giành ngai vàng, Thutmose rời xa hoàng cung lộng lẫy, đầy rẫy âm mưu và bắt đầu cuộc sống xa nhà, sống ung dung tự tại. Theo đó, Thutmose rong ruổi khắp sa mạc, thích đi săn, bắn cung và được dân chúng yêu quý. Trong một chuyến đi săn, Thutmose tới trước bức tượng Sphinx và cầu nguyện.

Tại đây, hoàng tử Thutmose thỉnh cầu trước tượng nhân sư rằng, nếu như trở thành pharaoh tiếp theo của Ai Cập thì ông sẽ thực hiện cuộc khai quật giúp bức tượng không còn bị chôn vùi trong cát sa mạc.

Sau này, hoàng tử Thutmose IV trở thành pharaoh quyền lực của Ai Cập. Sau khi lên nắm quyền, ông đã thực hiện lời hứa năm xưa. Theo đó, pharaoh Thutmose cho tiến hành cuộc khai quật quy mô lớn, đào hết cát che lấp tới phần vai của bức tượng nhân sư.

Sau một thời gian làm việc, người ta đã đào hết chỗ cát che lấp bức tượng nhân sư, để lộ đôi chân của bức tượng khổng lồ.

Sau cùng, vị pharaoh nổi tiếng Ai Cập này cho người đặt giữa hai chân tượng nhân sư một tấm bia làm bằng đá hoa cương. Nó được biết đến với tên gọi "Tấm bia Giấc mơ".

Tâm Anh (theo Listofwonders)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/su-that-kinh-ngac-ve-tuong-nhan-su-co-xua-nhat-ai-cap-718701.html