Sự thật đằng sau sổ tiết kiệm cả trăm triệu của cô con dâu ăn bám

Anh trai tôi quen chị trong một lần tới công ty đối tác bàn bạc công việc. Chị Linh – chị dâu tôi bấy giờ cũng chỉ là một nhân viên bình thường như các nhân viên khác, không xinh đẹp, không...

Biết anh chị yêu nhau, nhiều lời bàn ra tán vào, họ cho rằng anh tôi chỉ chơi bời nhiều hơn là yêu thương chị, hoặc chẳng hiểu chị bỏ bùa mê gì khiến anh tôi cứ yêu thương chị mãi. Mặc mọi lời ngăn cản, họ cưới nhau. Chẳng lâu sau, chị nghỉ hẳn việc vì mang thai và chăm con nhỏ.
Lúc này, những lời khen chị sướng, lấy được người chồng khá giả càng nhiều hơn trước. Thậm chí nhiều người còn bóng gió ra mặt khi chị dâu lấy anh tôi “như vớ được vàng”. Dù ai nói gì, chị cũng chỉ mỉm cười nhẫn nại.
Cũng vì chuyện chị không đi làm, mà không ít mâu thuẫn xảy ra. Trước đây, chị đi làm nhận đồng lương ba cọc, ba đồng, mẹ tôi chì chiết: “Đã chẳng bằng con gái nhà người ta, lấy về chỉ tổ báo cô, nó lấy thằng Dũng nhà này cũng chỉ để lợi dụng chu cấp cho nhà nó thôi, con nhà nghèo nó khôn thế đấy”. Khách đến chơi, chị dâu nấu cơm trong bếp mà mẹ tôi cứ nói xơi xơi trước mặt.

Từ ngày chị nghỉ hẳn công việc ở cơ quan chăm sóc con cái, mẹ tôi bảo cô giúp việc làm mấy năm cho gia đình nghỉ hẳn với lý do bây giờ gia đình tôi đã… tuyển được osin mới. Ai cũng hiểu người mà mẹ tôi nói tới là chị. Chị nghe, nhưng cũng chẳng phản ứng, chẳng tức giận hay khóc lóc ỉ ôi như những nàng dâu khác, càng chẳng bao giờ đem chuyện nhà đi nói với những người hàng xóm.
Càng được thể, mẹ tôi càng… lấn tới. Dù là những tháng gần sinh, mẹ tôi cũng kêu chị làm các công việc nhà như bình thường để… dễ đẻ. Nào lau 5 tầng nhà, giặt ngâm cả chậu q.uần áo, tới cơm nước, chợ búa… Anh trai tôi bận công việc cơ quan, đi công tác triền miên nên nào hiểu vợ ở nhà phải làm những gì.
Sinh con chưa được một tuần, chị một tay chăm bẵm cho con, một tay làm tất cả việc nhà để mẹ tôi khỏi phải vất vả. Thương chị, mỗi lần tôi định giúp một tay thì chị lại kêu tôi dành thời gian mà học tập.
Không đi làm, thu nhập từ tiền lương không có, chị tằn tiện từng đồng riêng cho bản thân. Anh tôi phụ trách công việc ở một công ty cỡ nhỏ, công việc bận bịu, thu nhập cũng khá nhưng riêng số tiền chi cho việc đi lại, công tác, tiếp khách cũng chiếm phân nửa lương. Phần còn lại, anh đưa cho mẹ tôi chi tiêu việc nhà, chuyện ăn uống và phần nhỏ nữa đưa cho vợ để mua sắm cho con cái và có chút tiền tiêu vặt.

Hàng ngày, mẹ tôi đưa cho chị ít tiền để chị đi chợ, mua về đưa tiền thừa lại cho mẹ tôi. Mẹ tôi thường cố tình nói lớn để chị nghe thấy: “Tao làm vậy chẳng phải tao kẹt xỉ gì, chẳng biết nó có dấm dúi đồng nào mang về nhà mẹ đẻ không nên mới phải mang tiếng ki bo từng đồng tiền đi chợ của con dâu. Nhưng cái kiểu ngồi mát ăn bát vàng thì phải cố mà chịu thôi”.
Chị nghe tất cả những điều đó, nhưng cứ lầm lũi cam chịu, chẳng mảy may cãi mẹ tôi một lời.
Chị có bé thứ 1, rồi bé thứ 2, gánh nặng kinh tế một mình anh tôi đảm nhận. Điều duy nhất có lẽ không thay đổi là số tiền anh tôi đưa vợ mỗi tháng vẫn chỉ vỏn vẹn 1 triệu đồng.
Anh bảo, cần việc gì thì nói với anh, để anh lo, nhưng hiếm khi, tôi thấy chị báo có việc cần chi tiêu với chồng.
Không có nhiều tiền cho bản thân, nên chị chi tiêu tiết kiệm lắm. Q.uần áo chị mua vừa đủ mặc, giá cả thường là rẻ. Chị cũng ít khi hẹn hò cà phê với bạn bè hay mua một món quà gì có giá trị.
Cuộc sống ngày càng khó khăn, công việc làm ăn của anh tôi không được như ý muốn. Thu nhập của anh giảm phân nửa so với những năm trước mà gánh trên vai trọng trách nuôi mẹ, em gái, vợ và 2 con nhỏ. Số tiền anh đưa mẹ tôi ít dần đi, và có những tháng, anh chẳng đưa cho vợ đồng nào. Chị dâu tôi, như mọi lần vẫn điềm nhiên như không, như thể chị sống chẳng cần tới tiền tiêu vậy.
Những chuyện đen đủi vẫn chưa dừng lại, khi số vốn anh tôi đầu tư làm ăn đều thua lỗ. bao nhiêu tiền tiết kiệm, gia đình tôi dốc sạch để mong cứu vãn phần nào số tài sản ấy. Không tới mức quá khó khăn, nhưng cuộc sống của gia đình tôi không còn sung túc như trước. Nhất là tới đây, 2 cháu nhỏ của tôi bắt đầu đi học.
Mẹ tôi xót con trai nên nhìn chị dâu với ánh mắt hằn học hơn trước, đi đâu, bà cũng rêu rao chuyện về cô con dâu ăn bám, rồi đủ thứ mà bà cho là tật xấu khiến chuyện gia đình tôi từ đầu tới cuối ngõ ai cũng tỏ tường.
Dường như quá sức chịu đựng với hàng trăm ánh nhìn của những người hàng xóm, chị xin mẹ đưa các cháu về quê chơi mấy ngày với ông bà ngoại cho khuây khỏa.
Chị về được 2 hôm thì tôi hoảng hốt gọi chị lên thành phố vì mẹ bị tai nạn giao thông trong lúc sang đường.
Vụ tai nạn khiến mẹ tôi bị nứt sọ, xương cột sống bị ảnh hưởng nặng, phần xương đùi bị gãy.
Nghe tin xấu, chị tức tốc lên thành phố, gửi 2 con cho ông bà ngoại trông. Tôi trong lòng nóng như lửa đốt vì anh trai đi công tác cả tuần, hiện giờ vẫn chưa liên lạc được. Mình tôi, chẳng biết giải quyết mọi việc thế nào, nên khi thấy chị, tôi mừng như vớ được vàng.
“Chị, chị mượn tạm tiền ai đóng viện phí được không, nghe nói việc điều trị cho mẹ sẽ tốn kém mấy chục triệu chị ạ. Ban đầu mình đóng trước chút ít, chắc cũng vay mượn được ai đó đúng không chị, anh Dũng đi công tác vẫn chưa về…”, tôi lo âu.
Chị dịu dàng nói: “Em đừng lo lắng, chuyện viện phí của mẹ, chị lo được, chỉ mong mẹ mau khỏe thôi”.
Tôi vẫn đinh ninh chị vay mượn đâu đó, số tiền vài chục triệu đồng được thanh toán nhanh chóng. Biết tôi đến hạn đóng học phí, lại trong tình cảnh mẹ đau yếu, chị cũng đưa tôi một phần tiền để tôi lo việc học hành.
Tôi vẫn nghĩ, không hiểu sao người con dâu mà mẹ tôi vẫn coi là osin, ăn không, ngồi rồi lại xoay xở được một khoản tiền nhanh như vậy.

Mẹ tôi qua cơn nguy kịch, chị chọn thuê phòng dịch vụ với giá khá đắt để mẹ tôi có thời gian tĩnh dưỡng cho mau lành bệnh. Anh tôi đi công tác nghe tin vội vàng quay về, mẹ khỏe, anh yên tâm hơn. Tôi nhắc anh chuyện trả viện phí vì chắc chị dâu đã vay mượn nhiều lắm. Anh ậm ừ nói đợi vài ngày tới, khi mẹ ra viện, anh sẽ xoay sở đủ cả.

Một tuần sau, mẹ tôi được về nhà, tôi cùng anh trai tới phòng kế toán chờ thanh toán tiền viện phí nhưng thật bất ngờ, toàn bộ số tiền hơn 50 triệu đồng đã được đóng đầy đủ. Và người thanh toán, không ai khác là chị Linh.
Với người khác, có lẽ đó là chuyện chẳng bất ngờ, nhưng với chị Linh, cả tôi và anh trai tôi đều không khỏi thắc mắc. Một người phụ nữ chỉ ở nhà chăm con, tằn tiện từng đồng tiền ít ỏi chồng cho mỗi tháng, làm sao có thể có chừng ấy tiền. Gia đình chị thì nghèo, đâu có khá giả gì, vậy mà lúc gia đình tôi gặp chút khó khăn, chị liền có ngay số tiền dự phòng để ứng biến?
Về nhà, đem chuyện hỏi chị, chị chỉ dịu dàng nhìn anh trai tôi, nhìn tôi, rồi chị rụt rè đưa cuốn sổ tiết kiệm chỉ còn hơn 50 triệu đồng cho anh trai tôi và nói: “Vốn dĩ, khi công việc đầu tư của anh gặp khó khăn, em đã định đưa cho anh để trang trải phần nào công nợ cho công nhân, nhưng phần tiền đó anh cũng đã xoay đủ, nên em lại cất đi phòng khi nào anh cần tới. Em đã thanh toán hết viện phí của mẹ, em biết, giờ anh vay thêm một khoản, lại chất chồng thêm khó khăn, em chỉ muốn san sẻ nỗi lo và gánh vác gia đình với anh mà thôi”.
Anh tôi chẳng nói được lời nào, chỉ lặng lẽ nhìn chị.
Còn tôi, tôi vô cùng tò mò, tôi dò hỏi mãi mới hay sau khi làm hết việc nhà, các con đã đi ngủ, chị thường thức đêm, dành thời gian làm thêm cho một số nơi với đồng lương cộng tác ít ỏi. Cứ thế đều đặn hơn 3 năm qua, những đồng tiền lương ấy chị chẳng một lần động tới, được bao nhiêu, chị gom lại đưa vào sổ tiết kiệm phòng khi có việc cần dùng tới.
Nghe những lời thốt ra từ đáy lòng chị dâu tôi, tôi thầm cảm phục chị. Một người con dâu từng bị mẹ tôi coi khinh suốt mấy năm qua vì nghèo, vì chỉ ăn bám thật ra vẫn âm thầm nhận làm thêm mỗi tối để có thêm khoản thu nhập cho gia đình. Và chính lúc gia đình tôi rơi vào cảnh khó khăn, nếu không có người con dâu nghèo chỉ biết ăn bám ấy, thì có lẽ chúng tôi chẳng biết phải xoay sở ra sao.

Theo một thế giới.

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/su-that-dang-sau-so-tiet-kiem-ca-tram-trieu-cua-co-con-dau-an-bam-244178.html