Sự thần kỳ đáng kinh ngạc của y học khi tái tạo lại khuôn mặt

Những tiến bộ vượt bậc của y học đã tái tạo khuôn mặt cho những nạn nhân bị biến dạng trong các tai nạn, bị bạo hành, tra tấn… Các y bác sĩ tài năng đã giúp họ lấy lại được phần nào chức năng và tính thẩm mĩ của khuôn mặt như bình thường.

Connie Culp: Ca ghép mặt gần như toàn phần đầu tiên của Mỹ

Năm 2004, bà Connie Culp sinh năm 1963, sống tại bang Ohio, nước Mỹ bị chồng cũ bắn nát mũi, gò má, vòm miệng, hàm trên, môi trên, mắt trái khiến gương mặt bà bị biến dạng nặng với hàng trăm mảnh đạn và xương vỡ ghim vào mặt. Bà phải thở bằng ống và chỉ có mi mắt trên, vùng trán, môi dưới và cằm là còn nguyên vẹn.

Bà Connie Culp đã phải trải qua 30 ca phẫu thuật để các bác sĩ tái tạo một phần xương sườn làm cho xương gò má và xương chân thành hàm trên cùng nhiều mảnh ghép da lấy từ vùng đùi của bà. Tuy nhiên, bà vẫn chưa thể ăn thức ăn rắn, tự hô hấp hoặc nhận biết mùi.

Sau đó, vào tháng 12/2008, Tiến sĩ Maria Siemionow đã dẫn đầu một nhóm các bác sĩ thay thế gần như 80% khuôn mặt của Culp bằng xương, cơ mặt, dây thần kinh, da và các mạch máu từ một người phụ nữ vừa mất. Ca phẫu thuật được tiến hành tại Bệnh viện Cleveland ở bang Ohio kéo dài hơn 22 tiếng.

Đây cũng chính là ca ghép mặt thứ 4 trên thế giới và là ca ghép mặt gần như toàn diện đầu tiên ở Mỹ. Sau phẫu thuật biểu hiện nét mặt của Connie Culp vẫn còn một chút lúng túng, phát âm của bà còn khó nghe, gương mặt bị phồng lên và hơi vuông nhưng bà đã có thể nói chuyện, cười, ngửi và nếm thức ăn trở lại. Các nếp gấp da bị xệ tiếp tục được các bác sĩ cắt đi khi tuần hoàn máu trở lại bình thường, các tế bào thần kinh và cơ căng da mặt phát triển.

Pascal Coler: Ca ghép mặt gần như toàn phần đầu tiên của Pháp

Những hình ảnh bạn vừa thấy chính là là sự thay đổi đáng kinh ngạc trên khuôn mặt của Pascal Coler, người có gương mặt biến dạng khủng khiếp bởi căn bệnh Von Recklinghausen, một chứng rối loạn di truyền hiếm gặp. Suốt hàng chục năm trời, ông đã phải chịu nhiều đau khổ và bị dè bỉu với biệt danh “Người Voi”.

Đến năm 2008, khi Pascal Coler 30 tuổi, một nhóm các bác sĩ phẫu thuật người Pháp, đứng đầu là giáo sư Laurent Lantieri, đã tạo cho “Người Voi” một diện mạo mới. Ca phẫu thuật ghép mặt cho ông Coler bằng gương mặt của một người chết hiến tặng kéo dài 16 giờ và gây ra không ít tranh cãi.

Trong ca phẫu thuật, các mô cơ, dây thần kinh, động mạch và tĩnh mạch của người hiến tặng và bệnh nhân được kết nối với nhau. Ông Coler cũng cho biết ngày được ghép khuôn mặt mới chính là ngày hạnh phúc nhất đời ông.

Oscar: Ca ghép mặt toàn phần đầu tiên trên thế giới

Năm 2005, người đàn ông Tây Ban Nha chỉ được tiết lộ danh tính là một người nông dân có tên Oscar đã bị một vụ nổ súng mất đi hầu như toàn bộ khuôn mặt của mình và không thể nhai nuốt, thở và nói chuyện bình thường.

5 năm sau, vào ngày 20/3/2010, một nhóm 30 các chuyên gia dưới sự dẫn đầu của bác sĩ Joan Peter Barret đã tiến hành cuộc phẫu thuật kéo dài 24 giờ tại Bệnh viện Vall d’Hebron, tại Barcelona, Tây Ban Nha để ghép các cơ mặt, da, mũi, hàm, răng và xương gò má mới cho Oscar.

Sau khi phẫu thuật, Oscar đã có thể uốngvà ăn các thức ăn mềm, nói chuyện và lấy lại hầu hết cảm giác cũng như điều khiển các cơ mặt. Đây được xem là thành tựu ghép mặt toàn phần đầu tiên trên thế giới.

Dallas Wiens: Ca ghép mặt toàn phần đầu tiên của Mỹ

Anh Dallas Wiens sinh năm 1985, sinh sống ở Fort Worth, bang Texas, nước Mỹ bằng nghề hái quả anh đào đã bị điện giật khi ông chạm phải đường dây cao thế vào năm 2008. Wiens đã được chuyển ngay đến Bệnh viện Parkland Memorial, bang Texas,nước Mỹ bằng trực thăng, và trải qua 36 tiếng cấp cứu để giữ lại mạng sống.

Wiens đã vĩnh viễn bị mù và không còn môi, mũi hay lông mày. Bác sĩ đã cho gia đình Wiens biết anh gần như bị liệt phần cổ dưới và sẽ không còn khả năng nói chuyện hay tiết đủ nước bọt đủ để ăn những thức ăn rắn. Anh được gây mê liên tục trong vòng 3 tháng và sau khi tỉnh dậy, Wiens đã hồi phục nhanh đến kinh ngạc. Rời bệnh viện vào mùa xuân năm 2009, Wiens có thể đi trở lại vào tháng 5/2010.

Và điều kỳ diệu đã đến vào ngày 14/3/2011, một nhóm cấy ghép khuôn mặt với sự tham gia của hơn 30 bác sĩ, trong đó có 8 bác sĩ phẫu thuật và các bác sĩ và y tá từ nhiều lĩnh vực do Giáo sư bác sĩ Bohdan Pomahač dẫn đầu thực hiện ca ghép mặt toàn bộ kéo dài 15 tiếng cho Wiens tại Bệnh viện Brigham and Women ở Boston, Mỹ. Mặc dù thị giác không thể phục hồi nhưng bây giờ anh đã có thể nói chuyện và ngửi được mùi. Và đây cũng là ca ghép mặt toàn bộ đầu tiên ở Mỹ và là ca thứ ba trên thế giới.

Ugur Acar: Ca ghép mặt toàn phần đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ

Hình trên thật sự là khoảnh khắc kì diệu khi chàng trai Ugur Acar nhìn thấy gương mặt mới của mình sau ca cấy ghép mặt đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kì vào tuổi 19.

Acar đã bị bỏng nghiêm trọng vùng mặt của mình trong một vụ cháy nhà khi anh chỉ mới 40 ngày tuổi. Anh đã được tiến hành một cuộc phẫu thuật cấy ghép vào ngày 21/1/2012 tại Trường Đại học Y khoa Akdeniz, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và phải để râu dài trong 3 tuần sau phẫu thuật để tránh các kích ứng da.

Các bác sĩ đã thành công trong việc cấy ghép mô từ khuôn mặt của một người hiến tặng 39 tuổi cho Acar và anh được xuất viện chỉ 45 ngày sau đó.

James Maki: Ca ghép mặt thứ hai của Mỹ

Năm 2005, khi 59 tuổi một tai nạn kinh hoàng trên chuyến xe điện ngầm tại Boston tuy không cướp đi sinh mạng của James Maki nhưng để lại cho ông một khuôn mặt bị biến dạng hoàn toàn.

Khi tai nạn xảy ra, ông Maki rơi xuống các đường ray và bị chà mạnh kinh hoàng với đường sắt khiến cho phần lớn khuôn mặt Maki sụp xuống, gồm cả môi trên, vòm miệng và mũi của ông. Với một lỗ hổng “kinh dị” trên mặt, ông gặp khó khăn trong việc nói và ăn cùng cuộc sống không khác gì địa ngục, sống hoàn toàn ẩn cư gân như không dám ra khỏi nhà.

Thế nhưng, may mắn đã mỉm cười với cựu quân nhân trở về từ Việt Nam này. Năm 2009, ông đã được nhận một cuộc cấy ghép mặt marathon kéo dài kéo dài 17 giờ với 35 bác sĩ trong đó dẫn đầu là bác sĩ thẩm mỹ tại phẫu thuật thẩm mỹ hàng đầu thế giới Bohdan Pomahac. Gương mặt mới của ông có được là nhờ phát hiện một người hiến tặng thích hợp có tên là Joseph Helfgot qua đời sau một ca cấy ghép tim.

Và mọi đau đớn dường như cũng xứng đáng khi lần đầu tiên nhìn thấy gương mặt mới của mình, ông Maki cho rằng nó không khác gì với gương mặt cũ và gọi đây là “cơ hội mới làm lại cuộc đời” và ông sẽ mãi mãi biết ơn ekip bác sĩ lẫn người đã hiến tạng cho mình.

Richard Lee Norris: Ca ghép mặt quy mô nhất từ trước đến nay

Dưới đây là những hình ảnh khác biệt đáng kinh ngạc của ông Richard Lee Norris sinh năm 1975, trước và sau khi thực hiện ca cấy ghép mặt với vùng mặt được ghép lớn nhất từ trước đến nay. Hình ảnh được chụp 7 tháng sau khi ông được cấy ghép mặt, răng, lưỡi và hàm mới, trong một ca phẫu thuật kéo dài 36 tiếng tại Bệnh viện Đại học Maryland, bang Maryland, nước Mỹ vào ngày 19/3/2012.

Ông Norris đã bị thương trong một tai nạn súng vào năm 1997 sau khi tự bắn vào mặt mình và bị mất mũi, môi và gần như không thể chuyển động miệng. Trong suốt 15 năm sau vụ tự sát đó, Ông sống ẩn dật tại Hillsville, bang Virginia, đeo mặt nạ và chỉ ra ngoài vào ban đêm. Sau một quá trình điều trị khá phức tạp để giữ mạng sống, cuộc phẫu thuật tái tạo đã thay thế các dây thần kinh dưới da và mô cơ từ da đầu đến cổ.

Đến nay, Norris đã lấy lại được khoảng 80% cử động của mặt bên phải và 40% cử động của mặt bên trái. Đồng thời, ông đã có thể lấy lại xúc giác và khứu giác cũng như đã có thể đánh răng và cạo râu.

Aisha Mohammadzai: Ca ghép mặt kỳ tích của cô gái người Trung Đông

Gần đây nhất, vào tháng 2/2013, cả thế giới vô cùng hân hoan khi cô Aisha Mohammadzai người Afghanistan, được mệnh danh là “Cô gái không mũi” gây chấn động dư luận khi xuất hiện trên bìa tạp chí Time năm 2010 đã được cấy ghép mũi thành công tại Mỹ.

Năm 12 tuổi, cô đã bị người chồng là một phiến quân Taliban cắt tai và mũi khi cố gắng bỏ trốn khỏi cuộc hôn nhân bị sắp đặt với anh ta. Cô đã trở thành biểu tượng cho những người phụ nữ Afghanistan bị bạo hành phải gánh chịu nỗi cô đơn và thống khổ cùng cực.

Thế nhưng, cuộc đời của Aisha đã được cứu rỗi nhờ những nhà hảo tâm đã đưa cô tới New York chữa trị. Chiếc mũi mới được tạo ra từ sụn ở xương sườn nằm bên dưới ngực và phần da trên trán của cô. Hiện tại, sau 12 cuộc phẫu thuật cô Aisha Mohammadzai đã gần như đã lấy lại gương mặt xinh đẹp và hòa nhập vào cuộc sống. Cô cũng được một gia đình người Mỹ gốc Afghanistan nhận nuôi và hiện nay họ đang sống yên bình tại bang Maryland, nước Mỹ.

Cô Aisha Mohammadzai chỉ là một trong rất nhiều người đã được các “phép màu” của y học hiện đại hồi sinh. Hình ảnh của cô cũng trở thành một biểu tượng chống lại chiến tranh, xung đột tôn giáo phi nghĩa tại khu vực Trung Đông và trực tiếp khẳng định bất kỳ ai cũng có cơ hội được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn dù họ đến từ đâu và trông ra sao.

Hoàng Anh (tổng hợp)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/su-than-ky-dang-kinh-ngac-cua-y-hoc-khi-tai-tao-lai-khuon-mat-197977/