Sự liêm chính cần thiết

Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ thị cấm quà Tết. Sự biến tướng và mặt xấu xí của các mối quan hệ giờ đây đã được Thủ Tướng vì một Chính phủ liêm chính chính thức ngăn chặn.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 29/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương không được về Hà Nội chúc tết, tặng quà cho Thủ tướng, các phó thủ tướng, bộ trưởng mà hãy dành thời gian chủ động tập trung chăm lo Tết cho nhân dân.

Chuyện đã thành lệ! Một cái lệ bất thành văn mà dẫu muốn hay không, phàm là cấp dưới, năm hết Tết đến, chưa “đi Tết” cấp trên thì chưa xong việc, ăn Tết không ngon!

Ngày Tết thăm viếng nhau, “mùng một Tết Cha, mùng ba Tết Thầy” tặng nhau gói trà hộp mứt, là nét đẹp truyền thống của người Việt. Nhưng một khi nét văn hóa này đã bị biến tướng, là vỏ bọc mỹ miều cho những toan tính, vụ lợi, là chuyện “bà đưa chân giò ông thò chai rượu”... thì chuyện biếu xén, quà cáp ngày Tết thực sự đã trở thành một thứ tệ nạn.

Điều ấy ai cũng biết. Đảng biết, Chính phủ biết và người dân thì lại càng biết nhiều hơn.

Cũng từng có nhiều chỉ thị của Đảng ngăn cấm tình trạng sử dụng công quỹ để biếu xén, quà cáp trong các dịp Tết. Tuy nhiên, chỉ thị có đường đi của chỉ thị, ô tô có đường đi riêng của ô tô gọi là “xe chỉ luồn kim”. Nên mỗi dịp cuối năm, đường phố Thủ đô vẫn cứ nườm nượp xe các tỉnh về Trung ương chúc Tết.

Chính phủ liêm chính phải là Chính phủ sạch. Đó là lời cam kết trước Quốc hội, trước cử tri và hơn hết là với danh dự cá nhân một đảng viên, một cán bộ cao cấp của Chính phủ.

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên phó văn phòng Quốc Hội nêu:

-Tiếng là tặng quà Tết đấy nhưng bản chất, lại là một cái hành vi hối lộ. Thành thử ra, như một nhu cầu, năm nào cũng vậy, lãnh đạo cũng ban hành lệnh cấm biếu quà Tết, nhận quà Tết. Rõ ràng, với tình trạng đó, tôi nghĩ các lệnh cấm này là điều cần thiết.

Mặc dù pháp luật của ta đã có quy định quà tặng ở mức bao nhiêu thì quan chức không được nhận nhưng thực tế, việc thực thi vẫn khó khăn. Chính vì vậy, Thủ tướng các nhiệm kỳ đều ban hành các lệnh cấm. Lần này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành chỉ thị hết sức quyết liệt. Tôi nghĩ rằng sự quyết liệt đó là dấu hiệu của một Chính phủ liêm chính và là một sự nêu gương.

Rõ ràng, nếu lãnh đạo không nhận quà thì ai dám tặng? Nếu ai đến tặng quà thì bị nghi ngờ rằng con người này không trong sáng, con người này tìm cách lắt léo để có thể đạt được những lợi ích của mình..., bị nghi ngờ như vậy thì ai dám tặng?

Ở đây có vấn đề về nêu gương và noi gương. Tức là lãnh đạo phải nêu gương, với lệnh cấm đó, trước hết lãnh đạo phải chấp hành nghiêm chỉnh, rõ ràng là sẽ hạn chế được những biến tướng tiêu cực.

Quà tết biến tướng ảnh hưởng đến hình ảnh của chính quyền không chỉ là ưu tư của Thủ tướng mà còn là nỗi lo của nhiều lãnh đạo các cấp. Hồi tháng 1-2016, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nêu: “Các sở, ban, ngành, UBND các cấp thực hiện nghiêm chỉ đạo của trung ương và TP về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Hà Nội nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà tết cho cấp trên, không sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp tết”.

Tôi nghĩ các vị lãnh đạo khác cũng cùng chung ý nghĩ này và điều đó rất hợp lòng dân.

Tết này Hà Nội không còn tắc đường vì những dòng xe biếu Tết thì lòng dân cũng mở ra chia sẻ với Chính phủ về một Nhà nước pháp quyền minh bạch, liêm chính hết lòng vì người dân.

Khang Hoàng

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/su-liem-chinh-can-thiet-d51195.html