Sự kiện quốc tế nổi bật tuần: Lò lửa Syria bùng phát, Aleppo bên bờ vực hủy diệt

Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) bày tỏ quan ngại trước việc chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt đang đẩy thành phố Aleppo của Syria tới bờ vực của sự hủy diệt hoàn toàn.

Một người phụ nữ bị thương trong một cuộc giao tranh tại Aleppo. (Ảnh: LA Times)

1. Lò lửa chiến tranh ở Syria bùng phát

Lệnh ngừng bắn mới nhất ở Syria do Nga và Mỹ đồng bảo trợ có thể nói đã chết yểu chỉ sau khoảng 10 ngày được thực thi. Xung đột đã bùng phát trở lại ở thành phố Aleppo - khu vực chiến lược mà bên nào cũng muốn giành quyền kiểm soát.

Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) ngày 1/10 đã lên tiếng bày tỏ quan ngại trước việc chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt đang đẩy thành phố Aleppo của Syria tới bờ vực của sự hủy diệt hoàn toàn.

Cảnh báo của Tổ chức các bác sĩ không biên giới đưa ra trong bối cảnh, quân đội Syria với sự hỗ trợ trên không của Nga đang gia tăng siết chặt vòng vây nhằm chiếm lại thành phố chiến lược Aleppo. Trong khi đó, các nhóm nổi dậy vũ trang và khủng bố bị dồn vào thế "không còn gì để mất", nên chống trả vô cùng quyết liệt.

Chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt đang đẩy thành phố Aleppo của Syria tới bờ vực của sự hủy diệt hoàn toàn.

Trong lúc chiến sự bùng phát trở lại, Nga và Mỹ - hai nước có vai trò quan trọng trong cuộc chiến tại Syria tiếp tục đổ lỗi cho nhau về sự đổ vỡ của thỏa thuận ngừng bắn.

Phát biểu tại thủ đô Washington DC, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, nhiều khả năng Mỹ sẽ ngừng đối thoại với Nga trong vấn đề Syria. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh quân đội Chính phủ Syria bị Washington cáo buộc đã tăng cường các đợt tấn công vào thành phố Aleppo.

Ông Kerry cũng cho biết, trước tình hình trên, chính quyền của Tổng thống Obama đang cân nhắc các phương án mới để chấm dứt xung đột tại Syria.

Trong khi đó, điện Kremlin ngày 29/9 cho biết sẽ tiếp tục các chiến dịch không kích tại Syria. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova kêu gọi phía Mỹ cần tách biệt các lực lượng "đối lập ôn hòa" ở Syria với "những phần tử khủng bố" để các thỏa thuận ngừng bắn được thực thi.

Trong lúc Nga - Mỹ còn đang đổ lỗi cho nhau thì thông tin mới nhất là 2 quả bom thùng đã rơi trúng bệnh viện M10, bệnh viện lớn nhất tại khu vực, do lực lượng nổi dậy kiểm soát thuộc thành phố Aleppo, Syria.

Như vậy, cả 2 bệnh viện chủ chốt tại đây đã đều bị tấn công, phá hủy và hiện chỉ còn 6 trạm y tế với khoảng 30 nhân viên còn khả năng hoạt động.

Số người bị thương trong các cuộc không kích tại Aleppo vẫn đang không ngừng tăng lên nhưng hai bệnh viện chủ chốt đã bị phá hủy và người dân tại đây đang phải chịu đựng một tội ác chiến tranh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính còn khoảng 250.000 người còn sinh sống ở khu vực phía Đông bị chiếm đóng của thành phố Aleppo và họ đang phải sống trong điều kiện hết sức tồi tệ.

2. Bầu cử Tổng thống Mỹ ngày càng nóng

Theo các kết quả thăm dò dư luận mới nhất tại Mỹ, ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton đang dẫn trước đối thủ của đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Đây là thông tin có lợi cho cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong bối cảnh còn hơn 1 tuần nữa hai ứng viên sẽ bước vào cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ hai vào ngày 9/10 tới.

Bà Hillary vẫn đang dẫn trước ông Trump

Cuộc thăm dò do trường đại học Suffolk tiến hành cho thấy, bà Clinton hiện dẫn trước tỷ phú Trump 6 điểm phần trăm, với tỷ lệ 44-38%. Trong đó, tỷ phú Trump bị mất điểm nhiều nhất tại bang Nevada. Số người cho rằng bà Clinton đã chiến thắng tại cuộc tranh luận đầu tiên là 57% trong khi tỷ phú Trump là 27%. 12% nói rằng cả hai hòa.

Trước đó, đêm 26/9, hai ứng cử viên cho chức Tổng thống Mỹ tiếp theo là bà Hillary Clinton và tỷ phú Donald Trump đã có cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình .

3 . Lưỡng viện bác phủ quyết của Tổng thống, dự luật JASA chính thức trở thành luật

Dự luật "Công lý chống hành động bảo trợ khủng bố" (gọi tắt là JASTA) đã chính thức trở thành luật sau khi Hạ viện Mỹ sáng 29/9 bỏ phiếu vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Barack Obama.

Lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã bác phủ quyết của Tổng thống Obama về dự luật JASTA

Với việc dự luật trở thành luật, gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9 sẽ có quyền kiện chính quyền Saudi Arabia với cáo buộc có liên hệ với những kẻ khủng bố thuộc tổ chức khủng bố al-Qaeda.

Đây được xem là một đòn giáng mạnh đối với chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama bởi Saudi Arabia là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ trong thế giới Arab.

4.MH17 bị bắn rơi bằng tên lửa Buk của Nga

Cuộc điều tra quốc tế về vụ rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines do Hà Lan đứng đầu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy: máy bay này đã bị tên lửa Buk từ miền Đông Ukraine bắn. Đáng chú ý nhất, các nhà điều tra cho rằng tên lửa này đã được vận chuyển từ Nga sang Ukraine.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Hà Lan, các nhà điều tra quốc tế cho biết họ có trong tay bằng chứng cho thấy tên lửa Buk do Nga chế tạo đã bắn rơi máy bay MH17 và sau đó tên lửa này đã được chuyển trở lại về lãnh thổ Nga.

Các nhà điều tra quốc tế cho biết họ có trong tay bằng chứng cho thấy tên lửa Buk do Nga chế tạo đã bắn rơi máy bay MH17

Ngày 28/9, Nga đã bác bỏ báo cáo của các nhà điều tra quốc tế kết luận rằng chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia đã bị bắn hạ bởi tên lửa do Nga sản xuất và tên lửa này được bắn đi từ một ngôi làng của Ukraine do phe đối lập kiểm soát.

Trong một tuyên bố bác bỏ mạnh mẽ, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng kết quả của Ủy ban điều tra quốc tế do Hà Lan dẫn đầu là "không công bằng và mang động cơ chính trị".

Sau khi các nhà điều tra quốc tế JIT công bố báo cáo mới nhất về vụ MH17, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 28/9 lên tiếng cho rằng, danh tính thủ phạm của vụ việc phải được xác định càng sớm càng tốt.

5. Tai nạn tàu hỏa ở Mỹ, hơn 100 người thương vong

Ngày 29/9, một tàu chở khách bị chệch bánh đã đâm vào khu vực nhà ga ở thành phố Hoboken, bang New Jersey, Mỹ phá hủy nghiêm trọng khu vực nhà ga. Hơn 100 người thương vong trong vụ tai nạn này.

Thống đốc bang New Jersey Chris Christie cho biết, sau vụ tai nạn chính quyền bang đang hợp tác chặt chẽ với nhân viên điều tra liên bang nhằm làm rõ nguyên nhân của vụ tai nạn này.

Hiện trường vụ tai nạn

Trước đó, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Ernest trong cuộc họp báo nói rằng, chưa thể loại trừ hoàn toàn nguyên nhân của vụ tai nạn là khủng bố: "Tại thời điểm này, chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy vụ việc có liên quan đến khủng bố. Nhưng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vẫn đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn và tôi thấy còn quá sớm để đưa ra kết luận về vụ việc".

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ đã cử các nhân viên điều tra tới hiện trường để tìm hiểu nguyên nhân tai nạn. Các nhà điều tra sẽ làm rõ lỗi do con người hay do sự cố kỹ thuật của con tàu.

Nguồn VTV: http://vtv.vn/the-gioi/su-kien-quoc-te-noi-bat-tuan-lo-lua-syria-bung-phat-aleppo-ben-bo-vuc-huy-diet-20161001143942243.htm