Sự kiện Nick Vujicic tại Việt Nam: Những góc nhìn mới

(PL&XH) - Nick Vujicic – Chàng trai không tay không chân đến Việt Nam trong chuỗi sự kiện 5 ngày đã để lại rất nhiều cảm xúc đối với những người quan tâm ở Việt Nam.

Với vai trò là người “thắp lửa”, Nick đã mang đến những câu chuyện thật cảm động và giản dị của mình để cổ vũ cho nghị lực sống của rất nhiều người khuyết tật khác. Tất nhiên, để đem Nick đến, cần phải có tiền, một số tiền không hề nhỏ trong thời buổi kinh tế khó khăn ở Việt Nam: 36 tỷ đồng. Chính số tiền ấy làm dấy lên mọi tranh luận, mà nếu xét ở góc độ nào đó là tư duy tự phản biện rất cần có của truyền thông. Không bàn ai đúng, ai sai trong những tranh luận đó, ở bài viết này, người viết muốn nói về một số khái niệm mới nhân chuyến đi của Nick Vujicic đến Việt Nam – mà có lẽ những khái niệm ấy, chỉ thời gian tới sẽ phủ đầy các trang báo và cả trong đời sống kinh tế của người Việt.

Sự kiện Nick và “nền kinh tế đức hạnh”

"The economy of virtue" – Tạm hiểu là “nền kinh tế đức hạnh” (hay đạo đức) có vẻ là điều gì đó còn xa lạ với truyền thông Việt Nam. Cũng đúng, bởi khái niệm này được sinh ra từ phương Tây – nơi vẫn gọi là theo chủ nghĩa Tư bản. Chúng ta vẫn thường được học rằng: Đối với chủ nghĩa tư bản mọi thứ đều được quy ra hàng hóa, điều này cũng đúng đối với trường hợp kinh tế đức hạnh – biểu hiện cụ thể nhất là trường hợp của Nick.

Truyền thông của chúng ta còn xa lạ, nhưng thực tế, thuật ngữ ngày đối với các tập đoàn bảo hiểm (có mặt ở Việt Nam) như Prudential hay AIA thì không quá mới mẻ. Bởi họ vẫn nói rằng: Vai trò của họ chính là kinh doanh đạo đức. Daniel Hannan là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng đã viết trên tờ The Telegraph rằng: “Trong một thị trường mở dựa trên quyền sở hữu và hợp đồng miễn phí, bạn trở nên giàu có bằng cách cung cấp một dịch vụ trung thực cho người khác”. Có thể ở đây, đạo đức hay đức hạnh là những dịch vụ trung thực mà nhiều người mong có được.

Tóm lại, bản chất của kinh tế đức hạnh là sản phẩm đem kinh doanh trao đổi là những giá trị đạo đức trong cuộc sống: Niềm tin, nghị lực, bài học về tình yêu, chia sẻ sự quan tâm…

Quay trở lại với chuyện Nick sang Việt Nam, bản chất thật của sự việc rất đơn giản. Đó chính là sự kiện của kinh tế đạo đức. Nếu xét như vậy, chuyện 32 hay 36 tỷ đồng của Tôn Hoa Sen bỏ ra mời Nick cũng chẳng có gì cần ồn ào đến vậy. Xưa nay, chúng ta quen với việc trao đổi buôn bán những gì thuộc về hàng hóa theo nghĩa đen – nó là vật phẩm dùng trong đời sống hàng ngày. Chúng ta chưa quen với việc coi “đức hạnh”, những gì thuộc phẩm hạnh đạo đức của con người ra làm hàng hóa.

Nếu tính chi tiết, rõ ràng, trong sự việc này, dấu ấn của kinh tế rất đậm nét: ông Lê Phụng Hào – cố vấn cấp cao của Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen cho biết: Chi phí cho chương trình nay đã lên tới 36 tỷ đồng chứ không còn là 32 tỷ đồng nữa. Riêng tiền bản quyền trả cho First News, Tôn Hoa Sen đã tốn 150.000 USD. Chi phí cho việc thuê 4 địa điểm diễn ra 7 sự kiện lên tới 22 tỷ đồng. Việc đầu tư truyền thông cũng tốn 30% tổng chi phí cho toàn bộ sự kiện. Trong số 36 tỷ đồng đấy, Tôn Hoa Sen còn chi cho việc giúp đỡ những người khuyết tật, như cấp 40 học bổng trị giá 40 triệu đồng cho những bạn trẻ khuyết tật có ý thức vươn lên trong học tập. 24 trường hợp được vinh danh trong chương trình, mỗi người cũng nhận được 20 triệu đồng…

Và tên tuổi ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen được dư luận đặc biệt chú ý những ngày qua. Trong vòng một tuần, tài sản của ông Lê Phước Vũ tăng hơn 180 tỷ đồng do mã chứng khoán Cty ông tăng giá. Rõ ràng, đó là những dấu ấn kinh tế nhìn thấy ngay được. Điều đó càng làm bùng lên dư luận cho rằng: “Những người khuyết tật Việt Nam cần những sự giúp đỡ thiết thực hơn là những "cú hích" về tinh thần mà Nick đã mang tới”. Rằng 36 tỷ đồng ấy nên dành cho việc làm từ thiện, và 36 tỷ đồng ấy so với số giá trị gia tăng 180 tỷ cổ phiếu thì chẳng là gì…

Nhưng cũng cần công bằng: Tinh thần mà Nick mang đến lại không bao giờ có thể đo được bằng tiền bạc. Một cô bé Linh Chi không chân không tay sống lẩn trốn và buồn bã trong nỗi xót xa của người thân bỗng hoạt bát và vui vẻ khi biết được gặp Nick. Một dịch giả bé nhỏ Bích Lan vẫn cần mẫn dịch sách liên quan đến Nick, vòng đôi tay không đủ rộng của mình để ôm Nick. Và nhiều câu chuyện của những người khác nữa sau buổi gặp Nick… Rõ ràng, ở đây, cả kinh tế lẫn đức hạnh đều đã sinh lợi, nhưng đức hạnh mang đến không đo được bằng tiền bạc. Có thể kết lại vấn đề này bằng nhận xét của Daniel Hannan: Tham làm là không tốt, nhưng biết khai thác đúng cách, nó có thể trở thành tốt.

Nick đứng dầm mưa trong đêm truyền hình trực tiếp tại SVĐ Mỹ Đình Hà Nội. Nguồn TL

Truyền thông “nhẹ dạ”?

Trong 36 tỷ đồng bỏ ra, có 30% tổng chi phí là dành cho toàn bộ hoạt động truyền thông, trong đó, có cả 2 đêm truyền hình trực tiếp và tin bài trên các loại hình báo chí khác. Lúc đầu, dư luận chỉ có một chiều: Cổ vũ chàng trai không tay không chân đến Việt Nam – đó được xem là hoạt động giàu ý nghĩa và đáng để đợi chờ nhất. Sau đó, khi bài báo “Bụt chùa nhà không thiêng” xuất hiện, thì truyền thông gần như xoay chiều. Ý kiến cho rằng mời Nick là sự lãng phí không cần thiết và hai buổi truyền hình trực tiếp dài 2 tiếng trên sóng truyền hình quốc gia là “quá mức” vì ngay cả ở quê hương của Nick là nước Úc – người ta cũng chưa từng “long trọng” như vậy.

Vậy có phải là truyền thông “nhẹ dạ” khi bị giật dây bởi chi phí của Cty đứng ra tổ chức? Và cũng rất “nhẹ dạ” khi thế này, khi lại thế khác?

Xin nói cụ thể về vấn đề này, Nick đã tới rất nhiều quốc gia và đã gặp 8 nguyên thủ trên thế giới. Vậy, có lẽ, không chỉ VTV, nhiều quốc gia khác hình như cũng muốn để mình được “nhẹ dạ” một lần. Bởi nếu như "nhẹ dạ" nhưng giúp cho rất nhiều người sống tốt hơn, yêu thương nhiều hơn thì cái giá của sự “nhẹ dạ” ấy cũng đáng.

Ông Vũ Tuấn Anh – GĐ Viện Quản lý Việt Nam trong bài phản biện lại bài viết “Bụt chùa nhà không thiêng” cho rằng: Chính Nick đã truyền cảm hứng “Người Việt hãy giúp Người Việt” – đó là điều ý nghĩa nhất. Đúng ra, những luồng ý kiến trái chiều từ dư luận cũng như báo chí nếu bình tâm mà xét, không có gì phải ồn ào đến vậy, bởi đó chính là tư duy tự phản biện cần có của cuộc sống nói chung, truyền thông nói riêng. Với dân số hơn 84 triệu người, làm sao có thể mơ về viễn cảnh “muôn người như một” trong suy nghĩ về vấn đề nào đó.

Cái đáng bàn nhất ở đây, chính là cách chúng ta thể hiện sự đón tiếp với Nick và những người khuyết tật giàu nghị lực ở Việt Nam mà thôi. Hai cách đón tiếp có độ vênh nhiều quá, đến mức mà nhiều khi, cũng phải chạnh lòng nghĩ đôi chút. Tôn Hoa Sen cho đội xe hộ tống Nick gây ồn ào các tuyến phố khi đoàn xe đi qua, vượt cả đèn đỏ, vung gậy với người đi đường… hay nhóm bạn trẻ ồn ào náo nhiệt chờ Nick xuất hiện, trong khi những Nguyễn Ngọc Ký, Nguyễn Công Hùng… ở Việt Nam hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh.

Như đã nói: Vẫn biết, đây là sự kiện có yếu tố kinh tế, nhưng phải thừa nhận, Nick cũng rất xứng đáng để được mong chờ như vậy, bởi anh là người “truyền lửa” chân thực nhất trong cuộc sống vốn nhiều khó khăn và cần thêm niềm tin để vững vàng bước tiếp. Dẫu rằng, trong hoàn cảnh khó khăn, những giấc mơ về niềm tin đôi khi có giá thật “đắt”, nhưng những giá trị Nick mang lại – xin nhấn mạnh một lần nữa, không thể đo được bằng tiền.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20130525074540450p1001c1015/su-kien-nick-vuicic-tai-viet-nam-nhung-goc-nhin-moi.htm