Sự học ở bản '3 không'

“Ở nơi rẻo cao này chỉ một cơn mưa nhẹ đổ xuống là con đường trở nên trơn trượt, đầy nguy hiểm, bất trắc. Vào mùa mưa lũ, thôn A Riêu hầu như bị cô lập hoàn toàn. Giáo viên phụ trách điểm trường phải ở lại có khi cả tháng trời. Khi đó, cuộc sống, ăn ở của giáo viên chỉ nhờ vào sự trợ giúp, hỗ trợ, cưu mang từ người dân”, thầy Trần Trực – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Tr’hy chia sẻ.

Điểm trường thôn A Riêu cơ sở vật chất tạm bợ là nơi học tập chung của học sinh tiểu học và mẫu giáo.

Bản “3 không”

Từ trung tâm xã Tr’Hy đến thôn A Riêu (xã Tr’Hy, huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) chỉ có con đường “độc đạo” dọc theo triền núi. Muốn đến đây phải vượt qua đoạn đường dốc đứng cheo leo, trơn trượt, có đoạn đầy đá lởm chởm, vực sâu hun hút. Địa bàn thôn nằm giữa rừng già, không đường, không điện, không trạm y tế. Điểm trường thôn A Riêu - Trường PTDTBT tiểu học Tr’hy còn tạm bợ, dùng chung cho cả học sinh tiểu học và trẻ mầm non. Năm học này, điểm trường A Riêu do cô giáo A Lăng Thị Lai phụ trách. Cô Lai quê xã A Nông, lấy chồng ở xã Tr’Hy. Vào đây dạy học, cô phải xa gia đình, con nhỏ. Mỗi tuần, có khi đến hai, ba tuần, cô mới được trở về nhà thăm con. Vợ chồng cũng ít khi được gặp nhau vì đi làm ăn xa. Công việc dạy học hằng ngày của một người giáo viên vốn đã gian khổ, nay càng vất vả hơn khi phải phụ trách luôn các cháu mẫu giáo.

Thầy Trần Trực cho biết, hiện điểm trường thôn A Riêu có 9 học sinh tiểu học, trong đó có 6 học sinh lớp 2 và 3 học sinh lớp 1. Ngoài phụ trách lớp ghép tiểu học còn có 4 cháu lớp mẫu giáo 5 tuổi. Vì năm học này điểm trường không có giáo viên mầm non nên công việc giảng dạy, chăm sóc trẻ hằng ngày của giáo viên cắm bản thôn A Riêu hết sức vất vả. Trường lớp thì còn tạm bợ, điều kiện dạy học hết sức sơ sài. Giáo viên cắm bản phải tự túc nấu ăn, còn nhà ở thì nhờ người dân. Điều kiện sống hết sức chật vật.

Học trò thôn A Riêu sau khi hoàn thành chương trình lớp 2 tại điểm trường của thôn sẽ tiếp tục theo học tại Trường PTDTBT tiểu học Tr’Hy. Sau khi kết thúc bậc tiểu học, những em đạt kết quả xuất sắc thì được tuyển chọn xuống trường phổ thông nội trú huyện Tây Giang học. Còn những em khác sẽ ngược lên xã biên giới A Xan theo học ở Trường PTDTBT THCS Lý Tự Trọng. Dù là thôn xa nhất trong xã, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng học trò A Riêu có tinh thần ham học rất cao. Sĩ số chuyển cấp của học sinh thôn A Riêu luôn đảm bảo. Những năm trước chưa có chế độ hỗ trợ tiền ăn, phụ huynh thôn luôn chủ động chuẩn bị xoong, nồi, gạo cho con em đến trường.

Con đường đến trường của con em thôn A Riêu cheo leo, hiểm trở.

Nỗ lực vượt khó đến trường

Gia đình anh Zơ Râm Bình dù có hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống thiếu trước hụt sau nhưng vẫn cho 3 người con ăn học đầy đủ. Trong đó, Zơ Râm Bang học lớp 9 và Zơ Râm Thị Bới học lớp 8 ở Trường PTDT bán trú THCS Lý Tự Trọng, còn Zơ Râm Khang đang học lớp 2 tại điểm trường thôn.

Cũng như gia đình vợ chồng anh Zơ Râm Bình, ở nơi rẻo cao, cuộc sống còn lắm khó khăn, thiếu thốn, nhà nào có điều kiện thì chuẩn bị cho con bữa cơm trưa đến trường với chút cá kho mặn và rau luộc. Còn lại, đa phần các em chỉ ăn cơm trắng với muối. Ấy vậy mà dù mùa nắng oi ả hay mùa mưa thối đất, học sinh thôn A Riêu vẫn chăm chỉ đến trường. Hiếm có khi nào học sinh nghỉ học, chỉ trừ những hôm đau ốm. Từ nhiều năm nay, giáo viên “cắm bản” không cần phải đến từng nhà vận động học sinh đến trường.

Nghị lực vượt khó, lòng ham học của những đứa trẻ Cơ Tu trở thành động lực, niềm vui cho người giáo viên nơi đây. Bởi vậy, dạy học trong hoàn cảnh thiếu thốn, khắc nghiệt nhưng thầy cô giáo nào cũng gắn bó hết lòng với học sinh.

Khải Minh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_158809_su-ho-c-o-ba-n-3-khong-.aspx