Sự háo thắng trong các cuộc ly hôn

Trong một buổi chiều hè, không gian im ắng của trụ sở tòa án bỗng dưng bị xáo trộn bởi những bước chân vội vã, dồn dập của một nhóm người. Đi giữa là một người đàn ông cao ráo, bước đi nhanh nhẹn với dáng sải dài, bên cạnh là một nhóm 4 người, cả nam lẫn nữ, tay cầm những tập hồ sơ dáng vẻ vội vã.

Đừng biến mình thành kẻ háo thắng khi ky hôn. Ảnh minh họa

Tôi nghĩ thầm trong bụng: “Chắc là vụ án kinh tế, tranh chấp giữa các Cty với nhau. Cty chắc phải lớn lắm nên mới ra tòa nhiều người như thế...”. Nhưng không, đó là một vụ án ly hôn! Trong nhóm người ấy, chỉ có một người là đương sự ly hôn, số còn lại là luật sư và những chuyên gia đi cùng để giúp sức cho người đàn ông ấy. Đây là một hình ảnh không hiếm gặp trong các cuộc ly hôn thời hiện đại, mà người trong cuộc đang tìm mọi cách để hơn thua với người đã từng đầu ấp, vai kề với mình.

“Ghét nhau, bồ hòn cũng méo”

Ở Việt Nam, theo thói quen, trước khi kết hôn, rất hiếm người tìm đến luật sư để tư vấn về pháp lý, về tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng, vì tâm lý e ngại và có ai nghĩ là sẽ chia tay với người mình yêu sau khi kết hôn. Điều các cặp đôi thường quan tâm là đám cưới được tổ chức ở đâu, lễ cưới tổ chức ra sao, mời bao nhiêu khách, sẽ hưởng tuần trăng mật ở đâu...

Điều nghịch lý là trước khi kết hôn, nhiều cặp đôi giữ kẽ với nhau bao nhiêu, thì khi ly hôn họ lại thẳng thừng, thậm chí là thô bạo với nhau bấy nhiêu. Sự háo thắng và ngạo mạn trong các cuộc chia tay khiến cho các cặp đôi như trở thành những con người khác. Họ sẵn sàng giành giựt, hơn thua nhau từng chút một để giành phần thắng về mình. Họ không ngần ngại nói xấu, kể tội nhau, thậm chí dùng cả những thủ đoạn để hạ nhục vợ hay chồng mình. Họ không nhớ hay cố tình quên tình cảm mặn nồng đã từng dành cho nhau và cả những quãng thời gian tươi đẹp dù ngắn ngủi hay kéo dài, những vui buồn, sướng khổ từng san sẻ cùng nhau.

Thậm chí, có những cặp quên cả những đứa con chung đã có, quên luôn những tổn thương có thể gây ra cho nhau và cho những đứa con do cuộc chia ly của họ đem lại. Không ít cặp vợ chồng ra tòa ly hôn luôn có hẳn một đội ngũ cố vấn pháp lý cả chính thức lẫn không chính thức, cho họ những lời khuyên, cách thức và chiến lược để “đấu” với “phe kia”.

Có một cặp đôi khi ra tòa ly hôn sau gần ba chục năm chung sống với nhau với lý do trong thời gian chung sống, người chồng bận rộn công việc nên không có thời gian ở bên gia đình. Người vợ cảm thấy thiếu vắng sự chăm sóc của người chồng nên tìm đến người đàn ông khác. Uất ức vì bị phản bội, khi ra tòa, người chồng dùng những lời lẽ cay nghiệt nhất để nói về người vợ. Người vợ cũng không phải dạng vừa, nên dù có lỗi, nhưng vẫn tìm mọi cách để tranh giành của cải với chồng từng chút, dù tài sản phần lớn do người chồng làm ra. Cuộc ly hôn trở thành một cuộc chiến pháp lý.

Sau một năm theo đuổi kiện tụng, hai người đó đã ly hôn được với nhau và hậu quả là cả hai không bao giờ nhìn lại mặt nhau và hai người con chung của họ cũng không bao giờ nhìn mẹ. Thậm chí, sau đó, khi hai người con ấy đám cưới, người mẹ cũng không được mời đến, vì họ cho rằng người mẹ ấy không xứng đáng có mặt. Rồi những cuộc gặp mặt gia đình hay những sự kiện quan trọng, người mẹ ấy không hề được nhắc đến, hay có chăng được nhắc đến với những hình ảnh rất xấu xí và méo mó! Vậy ai là người chiến thắng, ai là người thua cuộc trong cuộc chia tay này? Người chồng, người vợ hay hai người con chung? Tôi cho rằng tất cả các nhân vật trong gia đình ấy đều là người thua cuộc!

Hành vi không chung thủy của người vợ trong cuộc hôn nhân giữa chị với người chồng đã vị phạm khoản 1, điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”. Thế nhưng thật tiếc, chị đã không đủ tình yêu dành cho chồng, cho con, không đủ sự nhẫn nại và thủy chung trong cuộc hôn nhân, không đủ sự tỉnh táo để suy xét đến hậu quả của những hành vi mà mình thực hiện và thậm chí chị đã để lòng tham dẫn dắt trong quá trình tranh giành và phân chia tài sản chung của vợ chồng.

Nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn

Còn người chồng? Liệu rằng anh có lỗi hay không? Cách hành xử cho thấy anh đã không đủ sự bao dung để giữ cho con cái của mình một người mẹ. Anh không đủ sự rộng lượng để tha thứ cho lỗi lầm của người vợ. Dẫu rằng không ai có thể bắt anh tiếp tục chung sống với một người vợ phản bội mình trong một thời gian dài, nhưng anh vẫn có thể biến cuộc chia ly đầy thù hằn thành một cuộc tay nhẹ nhàng và văn minh hơn.

Anh vẫn có thể ngừng nói xấu về vợ để các con anh có được hình ảnh đẹp về người mẹ. Anh vẫn có thể cho phép người vợ cũ có mặt trong những ngày trọng đại của con mình, để các con anh có được ngày vui trọn vẹn. Anh vẫn có thể bỏ bớt sự hận thù với người vợ, cũng để giải thoát cho chính anh và cho các con mình, vì hôn nhân là một quan hệ đặc biệt, không đơn thuần như giữa các đối tác kinh doanh, khi một số trường hợp, kết thúc thương vụ là các bên có thể không cần biết đến nhau, không cần duy trì mối liên hệ.

Chính vì quan hệ hôn nhân rất đặc biệt, nên Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 còn quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn tại Điều 115: “Khi ly hôn, nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng, thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình”. Điều này có nghĩa rằng cho dù các bên có ly hôn với nhau, nhưng các bên vẫn còn chịu sự ràng buộc về nghĩa vụ cấp dưỡng với nhau theo luật định.

Còn những người con chung sẽ ra sao sau cuộc ly hôn của cha mẹ họ? Thực sự, họ cũng là những người thua cuộc, có khi là nạn nhân trong cuộc chiến ly hôn của cha mẹ họ. Vì rằng, những người con chung ấy đã bị đánh mất đi hình ảnh đẹp đẽ của người mẹ trong trí óc của họ. Họ đã bị đánh mất đi hay tự đánh mất sự hiện diện của người mẹ trong cuộc đời, dù người mẹ đó vẫn còn sống. Thật tiếc, những người con ấy đã không đủ hiểu biết và tình yêu thương để phân định đó chỉ là mâu thuẫn giữa cha mẹ họ.

Còn với họ, thì người mẹ dù có lỗi, nhưng lỗi ấy sẽ là rất nhỏ nhoi so với công ơn sinh thành, dưỡng dục mà người mẹ ấy đã dành cho họ. Có thể bây giờ họ vẫn nghĩ mình đúng, nhưng khi đã làm cha, làm mẹ hay khi đã lớn tuổi, chắc chắn họ sẽ phải day dứt và ân hận vì đã quá cố chấp với mẹ mình. Xét cho cùng, chẳng hạnh phúc hay vinh quang gì khi là người “chiến thắng” trong các cuộc ly hôn. Đừng để sự ngạo mạn hay háo thắng biến mình thành một con người chi li, lạnh lùng và thậm chí thủ đoạn với người đã từng chia ngọt, sẻ bùi với mình trong cuộc hôn nhân.

TS-LS Nguyễn Thị Thúy Hường - Trưởng Ban phổ biến giáo dục pháp luật - Hội luật gia TPHCM

TS-LS Nguyễn Thị Thúy Hường

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/su-hao-thang-trong-cac-cuoc-ly-hon-603000.bld