Sự giàu có thực sự của các quốc gia

Các chuyên gia cho rằng tài sản lớn nhất của một quốc gia chính là nguồn nhân lực chứ không phải tài sản hữu hình hay tài nguyên thiên nhiên.

(Gafin) - Trong báo cáo mới của Liên Hợp Quốc (UN) vừa đưa ra, tài sản của một quốc gia được định nghĩa theo một cách mới, cụ thể gồm 3 loại: tài sản hữu hình (bao gồm máy móc, nhà xưởng, cơ sở hạ tầng...), nguồn tài nguyên nhân lực (học vấn và kỹ năng của người dân quốc gia đó), tài nguyên thiên nhiên (đất, rừng, nhiên liệu, khoáng sản). Theo UN, mức độ giàu có thực sự của một quốc gia cần phải được tính toán dựa theo cách này.

Theo cách tính này, tổng tài sản của Mỹ năm 2008 lên đến gần 118 nghìn tỷ USD, gấp 10 lần GDP của nước này năm đó. Cũng theo cách tính này, Nhật Bản giàu hơn Trung Quốc gần 2,8 lần vào năm 2008, mặc dù GDP Nhật Bản thấp hơn so với Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng tài sản lớn nhất của một quốc gia không phải tài sản hữu hình hay tài nguyên thiên nhiên mà chính là nguồn tài nguyên nhân lực. UN tính toán nguồn tài nguyên nhân lực của một quốc gia dựa vào số năm trung bình họ được đi học, tiền lương trung bình và số năm họ có thể làm việc cống hiến cho nền kinh tế.

Đối với 20 quốc gia đưa ra trong báo cáo của UN (trừ Nigeria, Nga và Ảrập Xêút) thì nguồn nhân lực đã được chứng minh thực sự là tài sản quý báu nhất đối với một quốc gia. Theo cách tính này, Nhật Bản được coi là quốc gia giàu có nhất tính trên đầu người năm 2008 do nguồn nhân lực được đánh giá cao, tiếp theo là Mỹ và Canada.

Theo báo cáo của UN, Nhật Bản là quốc gia giàu có nhất 2008 tính trên đầu người do nguồn nhân lực nước này được đánh giá cao

Nguồn Economist/DVT

Nguồn Gafin.vn: http://gafin.vn/20120722104626309p63c66/su-giau-co-thuc-su-cua-cac-quoc-gia.htm