Sự gặp gỡ Á-Âu trong liên hoan múa đương đại 2017

Đây là một dự án của Hiệp hội các Viện Văn hóa và Đại sứ quán Châu Âu với các tác phẩm múa và triển lãm đến từ Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Canada và Việt Nam.

Kể từ năm 2011, Liên hoan múa đương đại “Sự gặp gỡ Á-Âu” luôn thu hút được sự quan tâm và nhận được sự hưởng ứng từ giới truyền thông cũng như từ đông đảo công chúng, góp phần tăng cường quảng bá nghệ thuật múa đương đại tại Hà Nội, tăng cường sự giao lưu và hợp tác giữa các nghệ sỹ Việt Nam và quốc tế.

Ông Wilfried Eckstein Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan chia sẻ: Múa là phương tiện biểu đạt nghệ thuật quan trọng trên phạm vi toàn cầu, giúp hiển lộ quan điểm của xã hội đương đại bằng ngôn ngữ nghệ thuật cũng như mang đến sự biểu đạt về các chủ đề, kỹ thuật, cảm xúc, tư tưởng, năng lượng sáng tạo và tình yêu bền bỉ.

Trong năm nay, Liên hoan diễn ra từ ngày 20 – 24/9 tại Hà Nội và từ ngày 21/9 – 14/10 tại TPHCM.

Các tác phẩm được giới thiệu trong liên hoan rất đa dạng: vở diễn Der bau (Hang ổ) của biên đạo Đức Isabelle Schad lấy cảm hứng từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Franz Kafka (ngày 20/9 ở Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội và ngày 25/9 tại Arabesque Studio, TP.HCM); Wintercearig của Tricia Nguyễn và các nghệ sĩ quốc tế nghiên cứu những hình ảnh của bệnh trầm cảm và chứng rối loạn lo âu (ngày 21, 22/9 tại Trung tâm nghệ thuật đương đại, TPHCM); Tape Riot của nhóm nghệ sĩ Thụy Sĩ Asphalt Piloten (ngày 23/9 tại phố đi bộ Hoàn Kiếm, Hà Nội và ngày 27, 28/9 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM)…

Nữ nghệ sĩ Isabelle Schad, người cùng Laurent Goldring lên ý tưởng cho vở múa “Hang ổ” (kéo dài 45 phút), cũng là người trình diễn vở múa này chia sẻ: “Đi trên những con đường ở Việt Nam, điều khiến tôi dành sự quan tâm chú ý là hình ảnh người phụ nữ ngồi trên xe máy. Bởi lần đầu tiên tôi đến đất nước này, tôi đã cảm thấy thật ngạc nhiên. Tôi đặt câu hỏi, vì sao người phụ nữ đi ngoài đường che kín mít, không rõ ánh mắt, không thấy được nụ cười”.

Isabelle có một niềm thắc mắc ngọt ngào: “Tuy nhiên, đến buổi tối, người phụ nữ Việt Nam lại chuyển mình khác hẳn, họ dịu dàng trong váy ngắn…”.

Rồi Isabelle nhận ra đó là vì khí hậu Việt Nam nắng nóng và hào hứng với mong muốn thể hiện tư duy, suy nghĩ của cô qua các góc nhìn từ một nền văn hóa khác. Dần dần, các ý tưởng “Hang ổ” mở ra, ẩn dụ về một khoảng không gian cá nhân cơ thể cần cho riêng nó. Muốn truyền tải tác phẩm tốt nhất, không thể thiếu được sự quan trọng của chất liệu. Cô đi sâu vào sự đối lập giữa có quần áo và không có quần áo: Quần áo như là lớp bảo vệ - ý tưởng thể hiện những chuyển động khác nhau. Mỗi chất liệu vải lại một đặc tính, có loại xuyên ánh sáng, có loại dày.

Liên hoan năm nay còn được mở rộng với ba cuộc triển lãm về chủ đề Múa và Hình thể. Các triển lãm mang tên: “Điêu đắp hang ổ”; “Điểm nhìn chung”; “Chuyển mình hứng khởi” cho thấy động lực sáng tạo trong không gian còn tạo ra những hình thức thị giác hoàn toàn mới mẻ độc đáo cho nghệ thuật múa, được trình bày dưới các hình ảnh tĩnh và động. Ngoài ra còn có 4 hội thảo dành cho diễn viên múa và đạo diễn ánh sáng.

PN

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/van-hoa/su-gap-go-aau-trong-lien-hoan-mua-duong-dai-2017/317093.vgp