Sử dụng đất nông nghiệp thế nào cho hiệu quả?

Sau khi giao đất ổn định lâu dài cho nông dân, Nhà nước đã có thể chế, cơ chế để nông dân thực hiện quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, chế tài cũng phải rõ hơn nữa để tạo điều kiện cho DN có đất để tổ chức sản xuất.

Dồn điền đổi thửa giúp áp dụng công nghệ hiệu quả hơn nhưng nếu không có chứng nhận sử dụng đất thì khó tạo thành chuỗi liễn kết giá trị. Ảnh: VGP

Một trong những điểm mới của Bộ tiêu chí nông thôn mới (NTM) vừa được Chính phủ ban hành là mỗi xã NTM phải có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực. Muốn thực hiện được tiêu chí này, người dân phải có được sự chủ động cao nhất với đất nông nghiệp để có thể bảo đảm được quyền lợi khi “góp” đất vào các liên kết sản xuất.

Gỡ vướng trong cấp giấy chứng nhận sử dụng đất

Việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (GCN) đang là khó khăn cho công tác dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất giữa nông dân và DN.

TP. Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc dồn điền đổi thửa để tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh lớn hơn trước đây. Tuy nhiên, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa thì việc cấp GCN còn chậm.

Thông tin từ Sở TN&MT Hà Nội cho biết, theo kế hoạch của các huyện, thị xã đến tháng 9/2016, toàn Thành phố cần cấp 475.000 GCN và trong 3 tháng cuối năm sẽ cấp khoảng 100.000 giấy/tháng.

Tuy nhiên, đến hết tháng 9/2016, Hà Nội mới cấp được 272.969/723.825 GCN, chỉ đạt 37,7% kế hoạch đề ra.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, việc cấp GCN còn chậm với nhiều lý do. Vì vậy, để đạt được kế hoạch, hiện nay các huyện của Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo xuống cùng với các xã, thị trấn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hồ sơ, lưu trữ. Cùng với đó, với phương châm hoàn thành hồ sơ đến đâu, cấp “sổ đỏ” đến đó. Vì vậy, thời gian gần đây tốc độ cấp GCN đã biến chuyển rõ rệt.

Câu chuyện chậm trễ cấp GCN không phải chỉ riêng ở Hà Nội mà hầu hết các địa phương đều chưa đạt tiến độ. Bên cạnh đó, tốc độ thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp cũng chậm vì… vướng nhiều thứ (đất đai, cơ sở hạ tầng...).

Có quyền sử dụng đất mới hình thành được liên kết chuỗi giá trị

Theo chuyên gia kinh tế nông nghiệp, TS. Đặng Kim Sơn, một yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần tái cơ cấu nông nghiệp thành công là thời gian tới cần sự đột phá về chính sách đất đai để tích tụ đất vào những người sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào nông nghiệp. Đất đai trong nông nghiệp cũng phải sử dụng linh hoạt theo tín hiệu của thị trường, không phụ thuộc quá nhiều vào đất lúa mà có thể chuyển sang các cây trồng giá trị kinh tế cao và thủy sản. Có như thế mới xây dựng được những vùng chuyên canh và thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho rằng giai đoạn xây dựng NTM 2016- 2020 sẽ còn nhiều khó khăn.

Ông Tiến nói với tiêu chí tổ chức sản xuất, trên thực tế, quy hoạch sản xuất, đặc biệt là việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa vẫn chưa gắn với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận “nút thắt” đất đai đang kìm hãm DN đầu tư trong nông nghiệp. DN muốn đầu tư, sản xuất thì phải có đất. Năm 1993 đã thực hiện giao đất nông nghiệp cho nông dân ổn định lâu dài, nên khi cần tập trung đất thì gặp khó khăn.

Bộ trưởng cho biết để giải quyết đất cho DN, nhiều tỉnh đã có sáng tạo trong cách làm. Ví dụ, ở tỉnh Hà Nam, trên cơ sở giao quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân, những nơi nông dân thấy mình làm không hiệu quả bằng dồn đất vào một tổ chức thì trên cơ sở dân tự nguyện, tỉnh đại diện giao lại đất cho DN. Quyền sử dụng đất vẫn của nông dân, việc chuyển quyền sử dụng trong giới hạn thời gian nhất định.

Tại tỉnh Nam Định, một số DN mạnh dạn tiếp nhận quyền sử dụng đất qua việc chuyển nhượng của người dân. Tuy nhiên vấn đề này bị giới hạn bởi hạn điền. Hiện nay, quy định hạn điền cho phép DN tiếp nhận chuyển nhượng chỉ giới hạn 20-50 ha. Tuy nhiên, DN tổ chức làm tốt vẫn tích tụ được diện tích nhất định.

“Sau khi giao đất ổn định lâu dài cho nông dân, Nhà nước đã có thể chế, cơ chế để nông dân thực hiện quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, chế tài cũng phải rõ hơn nữa để tạo điều kiện cho DN có đất để tổ chức sản xuất”, Bộ trưởng nói.

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/su-dung-dat-nong-nghiep-the-nao-cho-hieu-qua/290028.vgp