Sự công bằng trong ngành y

Văn hóa bệnh viện không chỉ là thái độ ứng xử trong bệnh viện (BV) mà sự công bằng trong thu nhập của thầy thuốc ngay trong một BV cũng là một biểu hiện của văn hóa. Tiền lương chính thức của bác sĩ (BS) BV hiện nay nói chung rất thấp, khó đủ chi trả mọi chi phí cho sinh hoạt gia đình nhưng thu nhập thực tế hoàn toàn khác nhau, thậm chí cách xa nhau.

Thu nhập thực tế BS phòng khám, BS phòng mổ, BS phòng xét nghiệm, BS phòng giải phẫu bệnh lý chẳng hạn luôn có khoảng cách lớn. Nói “công bằng” không có nghĩa là cào bằng mà bỏ qua tính chất công việc của mỗi BS nhưng khi thu nhập thực tế không hẳn từ thang giá trị công việc mà phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của công việc thì ngay trong đội ngũ thầy thuốc trong một BV cũng có những thiếu yên tâm trong công việc.

Nhìn rộng ra, thu nhập thực tế của BS tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến Trung ương cũng cách biệt nhau dẫu thang lương hoàn toàn giống nhau. Bộ Y tế từ rất nhiều năm nay đã gồng mình lên trong vấn đề quá tải ở tuyến cuối và hướng về y tế cơ sở là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Thế nhưng chưa nói việc càng làm việc ở BV lớn càng có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, chuyện thu nhập thực tế thôi liệu có làm các BS tự nguyện và thích thú về xã?

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Đi tìm sự công bằng này không phải là chuyện hô hào, ngăn cấm thầy thuốc do “làm thêm, làm dịch vụ” hoặc nâng cao y đức từ chối phong bì. Cái gốc là mức lương cho thầy thuốc cần đủ sống để giảm khoảng cách chênh lệch thu nhập cá nhân ngay trong đội ngũ thầy thuốc để họ yên tâm làm việc.

Mức lương ngoài việc thể hiện sự đánh giá đúng giá trị lao động của thầy thuốc còn là một thái độ xã hội. Cuộc sống có hai “thầy” luôn được xã hội kính trọng là thầy thuốc và thầy giáo nhưng thầy cô giáo đứng lớp “gieo chữ” được phụ cấp thêm 50% trong khi thầy thuốc đứng buồng bệnh “gieo sức khỏe” thì không có! Nói rộng ra, lực lượng bộ đội, công an canh giữ sự bình yên của xã hội, của Tổ quốc cần có mức lương cao hơn hiện nay cũng rất xứng đáng nhưng thầy thuốc cũng canh giữ sự bình yên của xã hội từ phòng chống dịch bệnh đến sự bình yên trong mỗi gia đình khi bị bệnh tật tấn công mà sao ít ai để ý đến sự canh giữ và bình yên này?

Lại so sánh việc đào tạo thầy thuốc với đào tạo cán bộ các ngành khác. Sinh viên trường ĐH y học 6 năm, thời gian gấp rưỡi nhiều trường đào tạo kỹ sư, cán bộ trong 4 hoặc 5 năm nhưng mức lương chưa thể hiện sự khác biệt này. Đó là chưa nói chữa bệnh cho người khác hẳn chữa bệnh cho máy.

Khi sự thiếu công bằng tồn tại dễ sinh ra tiêu cực bởi khi lương không đủ sống người ta sẽ tìm mọi cách để tồn tại và yên tâm với việc “bù” vào phần thu nhập chính đáng phải có. Riết rồi thành quen, đủ sống vẫn theo đà tiêu cực.

Thế mới có chuyện BS “bắt tay” với nhà thuốc rồi “gợi ý” bệnh nhân mua thuốc theo toa ở nhà thuốc nào và thường kê những loại thuốc đắt tiền quá mức cần thiết như báo chí vẫn nêu. Thậm chí, báo SK&ĐS còn có lúc phẫn nộ với số nhỏ hiện tượng gọi là “dược sĩ kê đơn, bác sĩ bán thuốc”!

Khi thiếu sự công bằng trong thu nhập thực tế với bối cảnh mức lương chính thức quá thấp, không tương xứng với giá trị thật của lao động thầy thuốc thì lý tưởng ngành y cũng dễ bị xói mòn.

Có nhìn nhận công bằng đối với công việc thầy thuốc qua việc đánh giá giá trị lao động bằng mức lương cũng là một thái độ văn hóa chăng?

Nguyễn Mai Hưu

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20120327113139987p0c121/su-cong-bang-trong-nganh-y.htm