Sự cố cá biển chất hàng loạt: Cơ sở thu mua, chế biến cùng lao đao

Trong khi các doanh nghiệp thu mua hải tồn kho hàng ngàn tấn cá không thể bán được thì các doanh nghiệp chế biến hải sản lại thiếu nguồn nguyên liệu sạch để chế biến. Họ cho rằng nguyên nhân cũng từ việc Formosa xả chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường biển.

Tồn kho 2.000 tấn cá

Hơn 2.000 tấn cá đang tồn động trong các kho đông lạnh của các doanh nghiệp Quảng Bình. Ảnh: P.P

Ngoài các doanh nghiệp thu mua và chế biến hải sản lớn, ở Quảng Bình hiện còn có khoảng 800 cơ sở chế biến hải sản lớn nhỏ khác của bà con ngư dân, mỗi giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động.

Chỉ tính riêng nước mắm sản xuất hàng năm tại các cơ sở này đạt trên dưới 3 triệu lít... Thế nhưng năm nay, tất cả đều nằm trong tình trạng “lao đao” vì hậu quả xả thải chất độc hại ra môi trường biển của Formosa Hà Tĩnh.

Từ cuối tháng 4.2016, sau khi xảy ra hiện tượng cá biển chết hàng loạt, người dân không còn ăn cá, ngư dân đánh bắt hải sản (kể cả cá đánh bắt xa bờ) về không tiêu thụ được khiến tình hình trở nên rối loạn. Nhằm ổn định tình hình, Chính phủ và chính quyền các địa phương đã kêu gọi, vận động các doanh nghiệp thu mua cá giúp ngư dân, kèm theo các ưu đãi như: Hỗ trợ 20% giá thu mua, miễn 6 tháng lãi suất ngân hàng... nên các doanh nghiệp thu mua hải sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã đứng ra thu mua hầu hết lượng cá đánh bắt xa bờ mà ngư dân đánh bắt về.

Thế nhưng, có một thực trạng đáng buồn, không chỉ người dân các tỉnh trong trong vùng cá chết mà hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đều “quay lưng” với cá biển vì sợ nhiễm độc. Lượng cá các doanh nghiệp thu mua của ngư dân chỉ xuất bán được một ít, đa số tồn đọng ở các kho lạnh. Không bán được cá, các doanh nghiệp thu mua cá ở Quảng Bình đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết vì nguồn thu không có nhưng hàng tháng họ phải chi ra hàng trăm triệu đồng để chạy kho đông lạnh; chưa kể tiền trả lãi ngân hàng, nuôi công nhân...

Theo bà Trương Thị Mười - Phó Giám đốc Công ty TNHH Đức Hiếu, chuyên thu mua cá biển, có kho lạnh ở Cảng cá Nhật Lệ, hiện lượng cá tồn kho của doanh nghiệp đã lên đến 640 tấn, tương đương 30 tỷ đồng. Bà Mười cho biết, không chỉ các kho ở Cảng cá Nhật Lệ, doanh nghiệp đang phải gửi gần 300 tấn cá ở các kho lạnh tại TP.HCM, Nghệ An, Hải Phòng… vì các đầu mối trả lại hàng. Cứ mỗi tháng, doanh nghiệp phải trả cho các kho lạnh này phí gửi 1.000/kg cá, tương đương 300 triệu đồng/tháng. “Để bảo quản 640 tấn cá tồn kho, ngoài 300 triệu đồng trả cho các kho lạnh, tiền điện duy trì kho lạnh, rồi tiền lãi ngân hàng, tiền nhân công… mỗi tháng doanh nghiệp tôi phải bỏ ra gần 500 triệu đồng. Chúng tôi sẽ không trụ nổi nếu Nhà nước không sớm vào cuộc tháo gỡ khó khăn giúp chúng tôi” – bà Mười nói.

Theo các doanh nghiệp thu mua cá trên địa bàn Quảng Bình, hiện họ đang tồn đọng gần 2.000 tấn cá, tương đương 100 tỷ đồng...

Doanh nghiệp chế biến “chết đứng”

Không chỉ các doanh nghiệp thu mua, mà các doanh nghiệp chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh 4 tỉnh miền Trung có biển nhiễm độc cũng đang “chết đứng” vì thiếu nguồn nguyên liệu sạch để chế biến, sản phẩm chế biến được cũng không bán được.

Bà Đào Thị Tám - chủ doanh nghiệp chế biến hải sản lớn ở xã Bảo Ninh (Đồng Hới) cho biết, mặc dù đang vào giữa vụ mùa đánh cá nam (khoảng giữa tháng 6, tháng 7, tháng 8 dương lịch) là thời điểm thích hợp nhất để sản xuất các mặt hàng cá khô, ruốc, nước mắm các loại, nhưng năm nay doanh nghiệp của bà và nhiều cơ sở sản xuất khác chỉ sản xuất cầm chừng vì nguồn nguyên liệu đầu vào khá khó khăn. Các năm trước, bình quân doanh nghiệp của bà chế biến khoảng trên 200 tấn cá khô/năm và khoảng 20-30 tấn cá tươi/hộ/năm, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động ở địa phương.

Năm nay, biển bị nhiễm độc, các tàu cá đánh bắt gần bờ không ra khơi được, nguồn nguyên liệu phải chờ tàu đánh bắt xa bờ về và phải được cấp giấy chứng nhận an toàn thì các chủ cơ sở mới dám thu mua. Trong khi đó, các tàu đánh bắt xa bờ hiện nay tập trung đánh bắt hải sản có giá trị kinh tế cao, còn các loại cá phục vụ chế biến họ ít đánh bắt nên các cơ sở xản xuất, chế biển hải sản đều thiếu nguồn nguyên liệu để chế biến.

Cũng theo bà Tám, không chỉ thiếu nguyên liệu “sạch” để chế biến, sản phẩm chế biến ra cũng rất khó bán vì tâm lý của khách hàng hiện rất lo ngại vì họ sợ ăn phải những sản phẩm được chế biến từ cá biển nhiễm độc. “Trước đây doanh nghiệp của tôi có một mối làm ăn sang tận nước bạn Lào thế nhưng thời gian qua, trước thông tin cá biển chết do bị nhiễm độc, không chỉ người dân trong nước mà các đối tác bên Lào cũng ngừng nhập sản phẩm chế biến của công ty chúng tôi, đẩy chúng tôi vào tình thế hết sức điêu đứng”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/su-co-ca-bien-chat-hang-loat-co-so-thu-mua-che-bien-cung-lao-dao-703950.html