STEMCON Việt Nam: Truyền cảm hứng cho sinh viên, nhà sáng chế, doanh nghiệp đổi mới

Sáng nay (1.3), tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Khoa học Kỹ thuật-Công nghệ-Toán học tại Việt Nam lần thứ 5 – STEMCON Việt Nam (trước đây là Hội nghị Giáo dục Kỹ thuật Việt Nam - VEEC) với chủ đề “Thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam; Tạo cảm hứng cho sinh viên, nhà sáng chế, nhà giáo dục và các doanh nhân để cùng đổi mới”.

Hội nghị do Liên minh Hợp tác Giáo dục Đại học Ngành Kỹ thuật (HEEAP) và các đối tác tại Việt Nam tổ chức với mục nhằm thúc đẩy phát triển các ngành nghề trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Hội nghị Khoa học Kỹ thuật-Công nghệ-Toán học tại Việt Nam lần thứ 5 – STEMCON Việt Nam diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Hiện nay, mạng lưới của HEEAP đã mở rộng vượt ra ngoài Việt Nam, sang các khu vực khác của Đông Nam Á, và các chương trình đã được phát triển không chỉ bao gồm Kỹ thuật mà còn có các lĩnh vực quan trọng về Khoa học, Toán học và Công nghệ. Do đó, Hội nghị thường niên lần thứ 5 đã được đổi tên thành Hội nghị Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật- Toán học, hay gọi tắt là STEMCON Việt Nam.

Hội nghị diễn ra trong 02 ngày (1-2/3/2017), bao gồm các phiên họp tương tác, thảo luận và hội thảo chuyên đề kỹ thuật.

Trên thực tế, nhân lực ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) là một lực lượng sáng tạo đằng sau nền kinh tế thế giới, và khu vực ASEAN đã trở thành một trọng tâm quan trọng của thương mại toàn cầu. Khi những nhân tố toàn cầu này tiếp tục đẩy nhanh nhu cầu đối với một nguồn nhân lực cạnh tranh, sáng tạo hơn, thì các trường đại học công và tư trong khu vực vẫn đang chịu áp lực phải mở rộng và tăng cường các chương trình đào tạo của họ trong lĩnh vực đang phát triển nhanh là lĩnh vực STEM.

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Thứ trưởng Trần Văn Tùng hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề của Hội nghị năm nay. “Đây là chủ đề hay và thiết thực, đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cùng sự phát triển của Việt Nam”, Thứ trưởng cho biết.

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Bộ KH&CN, Thứ trưởng Trần Văn Tùng hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề của Hội nghị năm nay.

Theo Thứ trưởng, ngày nay những lợi thế cạnh tranh bằng tài nguyên và sức lao động không còn duy trì lâu nữa, chúng ta chỉ có thể xây dựng đất nước dựa trên lợi thế cạnh tranh thông qua phát triển giáo dục, KHCN, nâng cao hàm lượng trí tuệ trong các sản phẩm quốc gia và “chỉ khi làm được điều đó, chúng ta mới có thể phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển của Việt Nam và các nước khác”.

Thứ trưởng cho biết, trong những năm qua, KH&CN Việt Nam đã không ngừng phát triển về mọi mặt từ đầu tư nhân lực, tổ chức, xây dựng cơ chế chính sách… Chính phủ cũng tăng cường đầu tư cho hoạt động KHCN thông qua xã hội hóa nguồn lực đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp dành tỷ lệ thích đáng từ lợi nhuận trước thuế để tập trung đầu tư cho KHCN; Bộ KH&CN cũng thực hiện nhiều chương trình trọng điểm về KHCN nhằm tạo ra những đột phá mới trong KHCN nhằm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

“Kinh nghiệm từ các nước phát triển đã cho thấy, giáo dục STEM là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong mục tiêu tạo ra nguồn nhân lực nghiên cứu KHCN chất lượng cao, và rất cần sự quan tâm của chính phủ để thúc đẩy hoạt động này”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tại hội nghị STEMCON năm nay, HEEAP và Công ty TNHH Intel Products Việt Nam cho biết, sẽ tài trợ một chương trình học bổng Thạc sĩ kỹ thuật cho 19 sinh viên Việt Nam theo học 1 năm tại Đại học Bang Arizona (ASU), như là một phần cam kết của Intel dành cho dự án Thành phố thông minh của UBND TP.HCM. Học bổng này sẽ tuyển sinh trong tháng 3/201. Dự kiến các sinh viên sẽ bắt đầu vào mùa thu năm nay để chuẩn bị cho dự án của TP.HCM.

Bên cạnh đó, Đại học ASU cũng tổ chức một khóa đào tạo và tham khảo mô hình thành phố thông minh tại Bang Arizona một tuần cho 10 cán bộ khung của các Sở, ngành TP.HCM, qua đó họ có đề xuất phù hợp và tham mưu cho UBND TP.HCM về quyết tâm xây dựng thành phố thông mình sau này.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, trong 8 năm qua trường Đại học Bang Arizona (ASU), Tập đoàn Intel và các đối tác đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển ngành kỹ thuật tại Việt Nam, nổi bật nhất là mô hình hợp tác hiệu quả giữa 3 bên Chính phủ, nhà trường và doanh nghiệp thông qua 3 chương trình rất ý nghĩa: Chương trình Liên minh hợp tác Giáo dục kỹ thuật; Chương trình hợp tác giáo dục cho các trường Kỹ thuật cùng Chương trình Liên minh các trường Đại học và doanh nghiệp thông qua sáng tạo, đổi mới công nghệ,

Qua 3 chương trình nêu trên, đã có 6.312 người tham gia vào các hoạt động hợp tác của ASU từ năm 2010 (theo số liệu của các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng, chính phủ và doanh nghiệp); 25,2 triệu USD được đầu tư vào các hoạt động đổi mới giáo dục đại học và cao đẳng tại Việt Nam, cộng với sự đóng góp thêm của các đối tác và các nguồn tài chính khác.

Có 29% thành viên tham dự HEEAP là phụ nữ và đã có 338 giảng viên đến từ các trường đối tác của Chương trình HEEAP đã tham gia vào các khóa tập huấn mùa hè 6 tuần tại tại Đại học ASU. Sau khi trở về Việt Nam, những giảng viên này đã tham gia vào các dự án đổi mới nhằm thay đổi phương pháp giảng dạy kỹ thuật từ thụ động, thuần lý thuyết sang phương pháp giảng dạy tích cực, chủ động, áp dụng cả lý thuyết và thực hành.

Tính đến tháng 12/2016, Intel Việt Nam đã trao tặng 3,54 tỉ VND học bổng cho 654 nữ sinh viên các trường cao đẳng nghề.

Cao Nguyên

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/stemcon-viet-nam-truyen-cam-hung-cho-sinh-vien-nha-sang-che-doanh-nghiep-doi-moi-c7a503140.html