Startup thời trang nam bắt đầu “lấy sàn diễn” của nữ giới

Chăm sóc nhu cầu thời trang cho nữ giới giờ đã “nhàm”, các startup bắt đầu đặt hy vọng vào phong cách ăn mặc của cánh mày râu. Khi nam giới ngày càng tăng chi tiêu cho quần áo, giới công nghệ bắt đầu tạo ra quần áo phong cách thời thượng như Kanye, Bieber, thậm chí cho cả Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama, nhưng với ngân sách “chi li” của thế hệ Y.

Theo thống kê của Euromonitor International, ở Mỹ, doanh số quần áo nam tăng 13% trong giai đoạn 2010-2015, trong khi quần áo nữ chỉ tăng 9%. Năm 2020, giá trị thị trường thời trang nam toàn cầu ước tính đạt 457 tỷ USD, so với thời trang nữ 698 tỷ USD.

Dường như nam giới đang ngày càng có ý thức về vẻ ngoài của mình khi quan tâm nhiều đến thời trang, nhưng khi nói đến doanh nghiệp phục vụ nhu cầu thị trường, thời trang nam lại tụt hậu so với nữ giới. Nhiều năm qua, phụ nữ được hưởng sự chăm sóc tận tình từ một loạt ứng dụng, trang web thương mại điện tử và công nghệ. Bây giờ đến lượt cánh mày râu.

Theo báo cáo của IbisWorld, doanh số bán hàng trực tuyến thời trang nam tăng 17,4% trong giai đoạn 2010-2015, nhanh hơn bất kỳ danh mục nào khác. Công ty nghiên cứu thị trường này dự báo thị trường trực tuyến quần áo nam sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ nữa, trung bình hàng năm 14,2% trong giai đoạn 2015-2020.

Nhà đầu tư Pravin Vazirani của Menlo Ventures đã nhìn thấy sự gia tăng đáng kể các startup hướng vào thị trường này: “Cách nam giới mua sắm khiến thị trường này dễ dàng có mặt trong môi trường trực tuyến. Đàn ông thường thực dụng, tập trung vào sự tiện lợi và giá cả. Điều này khiến cho thời trang nam dễ dàng hòa vào môi trường trực tuyến, nhưng lại chưa được chú ý đầu tư.”

Một đại diện thành công gần đây là Combatant Gentlemen, nhà bán lẻ trực tuyến nhằm vào giới trẻ muốn ăn mặc như nhân vật Ari Gold của Entourage song không có ngân sách phù hợp với (nhà bán lẻ cao cấp) Hugo Boss. Combatant Gentlemen giải quyết nỗi phiền muộn này bằng cách bán áo len 100% Ý chỉ với giá khởi điểm 160 USD.

Startup lai giữa thời trang và may mặc thực dụng (như áo sơ mi, cà vạt), kiểu như “Uniqlo cho bộ vest”, nhưng bén rễ vào thị trường cao cấp. Thương hiệu “từ thiết kế đến vận chuyển” này sử dụng thuật toán tương tự Netflix để đề xuất những sản phẩm ứng với “sở thích” của khách hàng dựa trên hành vi mua sắm và theo dõi trong quá khứ. Ra mắt năm 2012, Combatant Gentlemen tăng doanh thu từ 4 triệu USD năm 2013 lên 10 triệu USD năm 2014. Công ty kiểm soát giá bằng cách tự sản xuất. Họ thậm chí còn có bông và cừu “của nhà trồng/nuôi được”.

Ảnh: Combat Gent

Mr Porter trở thành doanh nghiệp đang bùng nổ nhờ khả năng tạo ra trải nghiệm mua sắm sang trọng cho nam giới trên điện thoại di động. Kirsten Green, sáng lập Forerunner Ventures, cho rằng: Đàn ông thích sự đơn giản của mua sắm trực tuyến, đặc biệt trên điện thoại. Họ đánh giá cao tính chức năng, đồng thời, họ cũng chú ý tính thời trang và “sống ảo” như phái nữ trên Instagram, Tumblr, và Facebook.

Mặc dù các startup đang mọc lên, nhưng giới quan sát cho rằng thị trường vẫn còn khá rộng rãi. Theo Jian DeLeon của công ty dự báo xu hướng WGSN, đó là bởi vẫn chưa có một ứng dụng “chết người” thực sự. Ông chưa nhìn thấy sự thay đổi lớn trong thị trường này. Hiện các startup và doanh nghiệp vẫn đang tập trung vào khâu logistics. Những công ty như Warby Parker và Everlane đang định hướng lại phong cách cao cấp, nhưng “Điều kỳ diệu kế tiếp” cho cánh mày râu vẫn chưa thực sự xuất hiện.

Ảnh: Mr Porter

Do đó, DeLeon bác bỏ quan điểm cho rằng ngành công nghiệp đã trải qua cơn chấn động về đổi mới. Ông cho rằng thuật ngữ “phá cách” đang bị lạm dụng bởi đôi khi, họ không thực sự phá vỡ điều gì cả, đặc biệt trong y phục nam giới.

Ý thức thời trang

Người nổi tiếng là một phần của thời trang nam. Chỉ cần nhìn sức ảnh hưởng của các ngôi sao bóng đá, bóng chày… ẩn hiện trong phong cách thời trang nam giới là đủ thấy. Nam giới không biết đến các nhà tạo mẫu.

“Kanye và John Mayer biết họ mặc gì. Đó là điều mà cánh mày râu thích thú. Họ có thể không thích nhạc của John Mayer, nhưng họ tôn trọng phong cách của anh ta”, DeLeon nói.

Đó chính là triết lý đằng sau Looklive, startup khai thác sức mạnh của các ngôi sao trong làng thời trang. Trang web và ứng dụng của công ty sử dụng cả công nghệ tìm kiếm hình ảnh và một đội ngũ biên tập khai thác những sản phẩm tốt nhất, sau đó “nhúng” vào sản phẩm. Looklive xác định chính xác sản phẩm được mặc bởi những người có ảnh hưởng nhất, mà đứng đầu có ngôi sao truyền hình thực tế Scott Disick, ca sĩ/nhạc sĩ The Weeknd và thậm chí cả Jack Dorsey (CEO Twitter).

Các sáng lập Cedric Rogers, Paul Judge, và Greg Selkoe nhận thức rõ những gì sẽ xảy ra khi một người nổi tiếng mặc trang phục nào đó, điều này thúc đẩy người tiêu dùng mua hàng. Rogers nói: “Nam giới đặc biệt chịu ảnh hưởng bởi vận động viên, những người hoạt động trong ngành giải trí, vì vậy, chúng tôi muốn tận dụng điều đó.”

Looklive “chụp lại” phong cách của người nổi tiếng truyền cảm hứng về phong cách như Adam Levine (Maroon 5). Ảnh: Looklive

Đồng sáng lập Greg Selkoe, từng điều hành Karmaloop, trang thương mại điện tử thời trang đường phố đạt doanh thu cả tỷ đô la Mỹ, với 80% khách hàng là nam, cho hay: Hiện nay thị trường cần thêm nhiều chỉ dẫn thời trang, ứng dụng, trang web… hơn, nhấn mạnh đến nhân khẩu học. Looklive đặc biệt nhắm vào nam giới tuổi từ 18-35 (tức thế hệ Y), nhóm tiêu dùng mong muốn được trải nghiệm mua sắm khác đi. “Họ muốn trải nghiệm thực với những thương hiệu làm nên cá tính cho họ, cũng như những người có ảnh hưởng trên truyền thông xã hội”, Rogers cho hay, nhấn mạnh về việc công ty cung cấp tất cả điều đó trong một định dạng nhanh chóng, đơn giản. Chẳng hạn, cập nhật ứng dụng mới nhất của họ tích hợp tính năng Siri, vì vậy, khi bạn hỏi ‘Drake sẽ mặc gì đến lễ trao giải âm nhạc VMAs?’ sẽ có câu trả lời (Đó là Tom Ford).

Đặc biệt, theo DeLeon, nam giới có ý thức về phong cách muốn “điều gì đó nuôi dưỡng cảm giác ham muốn trong thời đại mà quần áo đang nghiêng về giải quyết vấn đề và lấp đầy khoảng trống trong tủ quần áo nhiều hơn”. Chẳng hạn, các thương hiệu như Uniqlo biết cách bán sự thực dụng. Sản phẩm lông cừu của Uniqlo không nhất thiết mang lại cảm hứng, nhưng sẽ giữ cho bạn ấm áp trong những ngày lạnh giá.

Sự quan tâm của phái nam về thời trang cũng giải thích sự nổi lên của “tái thương mại”, với những công ty như Grailed, cung cấp trải nghiệm bán lẻ hàng cao cấp secondhand.

Ba năm trước, Arun Gupta, đồng sáng lập Grailed, bắt đầu thường xuyên lui tới các diễn đàn thời trang nam trên Reddit, nơi anh nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng với thời trang cao cấp. Anh tương tác hàng ngày với những người phàn nàn về việc có quá ít lựa chọn mua hàng. “Có một khoảng trống rõ ràng”, anh nói. “Giờ thì ngày càng nhiều người phục vụ.”

Lawrence Schlossman, Giám đốc thương hiệu của Grailed, mô tả về nguồn gốc của xu hướng này: Nó đi từ diễn đàn ra thế giới blog có tiếng nói độc lập, rồi từ đó đi vào các cửa hàng độc lập.

Ảnh: Grailed

Grailed không chỉ đơn giản là một trang bán đồ secondhand. Họ còn hứa hẹn một cảm giác khám phá khi giới thiệu cả đồ thiết kế mới đáng chú ý. Công ty đặt mục tiêu thu hút cả người tiêu dùng thông thường lẫn người mê thời trang. Theo Gupta, điều này mang lại giá trị khác biệt cho Grailed. Lượng khách truy cập đã tăng 4 lần trong năm ngoái, dự kiến sẽ tăng từ 10.000 lượt năm 2015 lên 350.000 lượt khi kết thúc năm 2016.

Tuy nhiên, không dễ dàng để thu hút vốn. Thung lung Silicon có rất nhiều nhà đầu tư, nhưng ít người quan tâm đến thời trang. Gupta nhớ lại: quỹ đầu tư mạo hiểm thường “cứng rắn” vì họ muốn những Amazon thế hệ tiếp theo hơn.

Đổi mới

DeLeon cho hay đã có một số startup sáng tạo thử rẽ nhánh vào thị trường thời trang nam trong những năm gần đây. Trong đó có Gustin, gọi vốn cộng đồng cho mỗi sản phẩm làm ra, dự án Jacquard của Google làm ra công nghệ vải cảm ứng đã thu hút sự chú ý của Levi’s hay Dropel Fabrics nhấn mạnh vào khả năng chống thấm nước, chống hút bụi.

Nhưng sáng tạo gì thì cũng cần lưu ý để nhận ra sự khác biệt giữa thời trang nam và nữ. Chẳng hạn, theo Bob Bland, CEO của Manufacture NY, đàn ông thường không có khái niệm xu hướng theo mùa như phụ nữ. Do đó, các công ty “phải cung cấp cho khách hàng phong cách lâu dài”. Công nghệ thiết bị đeo, với khả năng tùy chỉnh, kích thước nhỏ gọn, và tính kết nối, có thể là cơ hội tăng trưởng lớn bởi sự ham thích hoạt động của phái mạnh.

Ảnh: Lumenus

Lumenus, startup quần áo thông minh, là một đại diện của xu hướng kết hợp thời trang và công nghệ. Họ đã cho ra đời những sản phẩm đậm màu công nghệ, chẳng hạn, áo khoác với đèn LED nhúng giao diện Google Maps. Lumenus đi vào thị trường thời trang nam bởi họ nhận thấy rằng cánh mày râu dễ tiếp thu yếu tố công nghệ hơn so với nữ giới. Jeremy Wall, sáng lập Lumenus, cho hay: Trên thị trường sản phẩm công nghệ, sớm chấp nhận cái mới hơn hầu như là nam giới. Vì vậy, Lumenus nhắm đến khách hàng nam, những người có thể bao dung với một sản phẩm mất đi một chút “thời trang” nhưng tiện lợi về công nghệ.

Những đổi mới thú vị sẽ thúc đẩy sự phát triển ngành thời trang, nhưng liệu có thể cộng hưởng cả hai giá trị thực dụng và thời trang? DeLeon cho rằng: Luôn có cách để dung hòa, nhưng với đàn ông, họ chỉ cần thứ gì đó “tốt”, ví dụ như một phiên bản mặc dễ mặc hơn. Nhìn chung, trang phục thoải mái và mặc được ra đường, với họ, thế là ổn.

Xem thêm:

Giới trẻ định nghĩa lại thời trang

Công nghệ in 3D trong thời trang: Tương lai không xa

Lục Kiếm

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/sang-tao-khoi-nghiep/startup-thoi-trang-nam-bat-dau-%e2%80%9clay-san-dien%e2%80%9d-cua-nu-gioi