Startup - Khi thành công được đánh đổi bằng sức khỏe

Là mảnh đất hứa với nhiều người, thế nhưng những ai từng làm startup đều hiểu để có được thành công hay để có được dự án thành hình, những người làm startup phải đánh đổi quá nhiều thứ.

Startup luôn là mảnh đất màu mỡ cho những người có máu kinh doanh, thế nhưng để đánh đổi lấy thành công đôi khi những người làm startup phải hi sinh rất nhiều thứ.

Người ta cứ nghĩ rằng làm startup chỉ cần đầu tư nhiều tiền, thời gian và công sức thôi là sẽ gặt hái thành quả, thế nhưng những ai đã từng làm startup đều hiểu sự thật không phải thế.

Khoảng thời gian đầu: Thức đêm rất nhiều, ảnh hưởng suy nghĩ, căng thẳng thần kinh

Quãng thời gian đầu làm startup bao giờ cũng là khoảng thời gian nhiều cảm hứng nhất, thế nhưng để vận hành được một startup đúng nghĩa, người sáng lập phải có thần kinh thép mới vượt qua được giai đoạn khó khăn ban đầu này.

Thức đêm là hành động rất phổ biến với những người làm startup.

Theo thống kê của Đại học California tại San Francisco, có tới 72% người làm startup gặp phải vấn đề về thần kinh, tâm lý trong giai đoạn mới bắt đầu. Có một số người do làm việc quá sức gặp phải các bệnh mãn tính, khó lòng điều trị nổi.

Nhẹ nhàng nhất là bị cận, 11% trong số người được nghiên cứu tăng số mắt rõ rệt, 30% gặp phải trầm cảm nặng trong khi đó 29% gặp phải vấn đề về suy giảm tập trung.

Mất ngủ cùng kém ăn là chứng bệnh thường gặp như cơm bữa với những người làm startup. Có mấy ai ăn ngon ngủ yên khi mà sản phẩm của mình chưa hoàn thành và công việc còn chất đầy như núi?

Khi dự án thành hình: Thức đêm vô độ, chế độ ăn ngày một giảm sút

Khi đứa con cưng của những người làm startup thành hình cũng là lúc mà rất nhiều hóa đơn khác nhau, các khoản chi phí nối đuôi nhau chờ thanh toán. Làm sao đây khi nguồn thu đã không có mà các chi phí cần trả cho dự án lại quá nhiều? Những người làm startup sẽ tự biết hi sinh nhiều lợi ích của bản thân để nuôi dưỡng giấc mơ và đó cũng là lúc mọi thứ trở nên xấu đi.

Ngủ vạ vật trên văn phòng khi làm khởi nghiệp.

Có mì gói để ăn còn là tốt, nhiều dự án startup khánh kiệt tới nỗi hết giám đốc dự án tới nhân viên phải nương tựa vào nhau, có gì ăn nấy. Nghe thì có vẻ phi lý nhưng đó là sự thật, đặc biệt với các dự án khởi nghiệp mới ở châu Á khi mà người làm startup "ốm đói" trầm trọng.

Ở giai đoạn này, sự căng thẳng về một sản phẩm chưa hình thành dần biến mất đi do ai cũng dần có những hình dung ban đầu về thứ mà mình đã thực hiện. Thế nhưng, đó không phải là cái kết cho những người làm startup khi một chuỗi căng thẳng mới xuất hiện, từ việc kêu gọi vốn ra sao, cân bằng các loại chi phí thế nào... Tất nhiên, tình trạng mất ngủ vẫn kéo dài vì nó như là một căn bệnh cố hữu của giới làm startup.

Mehak Sagar Shahani, đồng sáng lập WedMeGood, một công ty tổ chức đám cưới cho rằng: "Những ai nói làm startup không áp lực, hoặc họ chưa làm hoặc họ đang nói dối". Áp lực, căng thẳng thần kinh là thứ thường gặp nhất với giới startup.

Gặt hái thành quả: Mọi chuyện có thể đã muộn

Và rồi nếu thành công tới, mọi sự đánh đổi đã được thực hiện, có lẽ đã quá muộn để thay đổi tình hình sức khỏe của những người làm startup. Với những dự án thất bại, chẳng ai biết founder của dự án này sẽ ra sao, có nhiều người quá buồn chán đã tự kết thúc cuộc sống của mình trong khi đa phần còn lại ủ rũ, vùi mình vào buồn bã.

Có thể nhiều người sẽ thắc mắc, vì sao biết có hại nhiều và rủi ro lớn nhưng những người làm startup vẫn chấp nhận theo nó? Các chuyên gia cho rằng lý do chủ yếu vì những người làm startup đều có tuổi đời trẻ, họ cho rằng mình còn nhiều thứ có thể được sử dụng để đổi lấy thành công. Khi còn trẻ người ta thường quan tâm nhiều hơn đến công danh mà bỏ qua yếu tố quan trọng nhất đời người chính là sức khỏe .

Dù sao đi nữa, làm startup đồng nghĩa với đánh đổi sức khỏe, thời gian và rất nhiều thứ khác của bản thân để vươn tới một tương lai không rõ ràng. Người ngoài cuộc sẽ chẳng thể hiểu nổi những gì mà những người đã, đang và sẽ làm startup phải trải qua.

Stress - Căn bệnh có thể giết chết những người làm startup

Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy những căn bệnh nguy hiểm đều có liên quan tới stress, từ tiểu đường, căng cơ, tim mạch cho tới những bệnh nguy hiểm khác. Chưa kể tới những nhánh khác của stress như trầm cảm, mất kiểm soát tâm lý...

Stress là lý do khiến những người làm startup mất ăn, mất ngủ, giảm thiểu sự tập trung dẫn tới việc sử dụng cà phê nhiều quá độ, stress cũng phá hỏng đồng hồ sinh học của con người do ai cũng muốn ưu tiên giải quyết nó trước.

Có một người thành công trong giới startup từng cho rằng stress chính là căn bệnh nguy hiểm nhất của "nghề", để tồn tại được đến ngày gặt hái thành quả, những người làm startup cần biết giới hạn của bản thân, cần biết phân bố thời gian làm việc hợp lý để không bị stress. Suy cho cùng dù startup có thành công tới mức nào đi chăng nữa mà những người thực hiện không đủ sức khỏe vận hành, nó cũng là một sản phẩm bỏ đi.

Van Vu

Theo Trí Thức Trẻ

Nguồn CafeBiz: http://cafebiz.vn/startup-khi-thanh-cong-duoc-danh-doi-bang-suc-khoe-20161017151557896.chn