“Sốt ruột” tăng trưởng GDP không đạt, nợ công “sát ngưỡng”

Chỉ tiêu GDP năm nay không đạt kế hoạch đã được Quốc hội (QH) thông qua là 6,7%. Trong khi, với mức bội chi hiện nay, dư nợ công là 64,98% GDP, đã “sát ngưỡng” 65% GDP…

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển chỉ rõ, dự báo rằng nếu GDP không đạt, thì nợ công có thể tiến đến mức 70% GDP. Như vậy có đảm bảo an ninh tài chính quốc gia không? Ảnh: Hương Giang

Ngày 17/10, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2016; kế hoạch phát triển KTXH, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017; kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011 - 2015); kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Lo ngại GDP tăng 6,3-6,5% cũng chỉ là kỳ vọng

Tai phiên họp, cả báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đều khẳng định, chỉ tiêu GDP năm nay không đạt kế hoạch đã được QH thông qua là 6,7%.

Theo Chính phủ, mức thực hiện thực tế sẽ thấp hơn, GDP có thể đạt 6,3 - 6,5% và dẫn ra một loạt những dư địa chính sách để chứng minh mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được, như số doanh nghiệp quay lại hoạt động và thành lập mới tăng cao; thu hút vốn FDI tăng và theo quy luật thì GDP quý cuối bao giờ cũng cao hơn các quý trước…

Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng 6 - 7% thấp hơn chỉ tiêu theo kế hoạch (tăng khoảng 10%). Xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chững lại về tốc độ, đặc biệt xuất khẩu vào khu vực Asean (giảm 10%) và thâm hụt thương mại với Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng (8 tháng là 18,8 tỉ USD).

“Hệ thống doanh nghiệp là động lực phát triển nhưng cả khu vực nhà nước và tư nhân đều yếu về thực lực và tính cạnh tranh, số doanh nghiệp đăng ký nhiều nhưng số đang hoạt động chỉ chiếm khoản 57% so với số đăng ký”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thông tin.

Thậm chí, một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, “kết quả ước thực hiện GDP năm 2016 tăng 6,3 - 6,5% cũng chỉ là kỳ vọng, khó đạt được. Bởi dự báo những yếu tố tác động để GDP quý IV tăng cao là dư địa chính sách tài khóa, nông nghiệp tăng trưởng cao hơn, số doanh nghiệp quay lại hoạt động và thành lập mới tăng cao, thu hút FDI tăng thì hầu hết chưa chắc chắn và chưa được định lượng cụ thể”.

“Muốn tăng trưởng 6,3 - 6,5% trong năm 2016 thì quý IV này phải tăng 7,7%, liệu có đạt được không?”, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cũng hoài nghi.

Có bảo đảm an ninh tài chính quốc gia không?

Trước đề xuất nâng tỷ lệ nợ Chính phủ từ 50% lên 55% GDP giai đoạn 2016 - 2020, theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, nợ Chính phủ đã vượt giới hạn cho phép vào cuối năm 2015 (đã ở mức 50,3% GDP). “Dự báo rằng nếu GDP không đạt, thì nợ công có thể tiến đến mức 70% GDP. Như vậy có đảm bảo an ninh tài chính quốc gia không?”, Phó Chủ tịch QH sốt ruột.

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, GDP không đạt kế hoạch nên thu ngân sách giai đoạn tới cũng chỉ là dự báo, không chắc chắn. Vì vậy, việc chi đầu tư xây dựng cơ bản phải rất chặt chẽ, nếu không 5 năm tới nợ đọng còn lớn hơn bây giờ. Nếu không làm chắc chắn thì 5 năm nữa nhìn lại thì chúng ta sẽ thấy bức tranh vô cùng khó khăn từ nợ đọng cho đến công trình dở dang.

“Hôm nay ngồi ở đây không ai dám chắc số liệu của 5 năm tới, kể cả GDP. Một năm còn chưa chắc chắn nữa là, ngay cả năm nay chỉ còn 2 tháng nữa nhưng chúng ta cũng không chắc chắn. Cho nên kế hoạch hàng năm là thực tế, còn 5 năm là định hướng”, ông Đinh Tiến Dũng nói.

Chính phủ báo cáo số ước bội chi NSNN năm 2016 là 254.000 tỷ đồng, bằng số QH quyết định. Với mức bội chi này, dư nợ công là 64,98% GDP, đã sát ngưỡng 65% GDP; dư nợ Chính phủ ở mức 53,1% GDP; dư nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 45,7%GDP.

“Chính phủ cần rà soát, báo cáo đầy đủ tình hình nợ công để có những giải pháp điều hành, cân đối NSNN chủ động và kịp thời. Trường hợp NSNN hụt thu, đề nghị giảm nhiệm vụ chi tương ứng để giảm bội chi, đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép”, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị.

Chính phủ đề xuất làm 1.372 km cao tốc Bắc Nam

Thẩm tra báo cáo về kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cho hay, Chính phủ có đề cập tới dự án làm hơn 1.300km cao tốc Bắc - Nam.

Tuy nhiên, đây là dự án có quy mô rất lớn, tác động đến nhiều vùng, miền. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến thẩm tra cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, việc đầu tư tuyến đường này cần tính toán trên cơ sở nguồn lực thực tế. "Với dự án lớn như đường cao tốc Bắc Nam, Chính phủ cần trình QH xem xét quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư", ông Nguyễn Đức Hải nêu.

Tăng lương cơ sở lên mức 1,3 triệu đồng/tháng là hợp lý

Về bố trí điều chỉnh tiền lương cơ sở, theo Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, trong điều kiện giá cả tăng cao, đời sống của cán bộ, công chức gặp không ít khó khăn. Vì vậy, đề xuất tăng mức lương cơ sở 7% (đạt mức 1.300.000 đồng/tháng) là hợp lý, đề nghị Chính phủ cân nhắc bố trí nguồn để thực hiện đề án cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh tiền lương phải đi đôi với tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời phải cân nhắc, tính toán kỹ, xác định rõ nguồn thực hiện điều chỉnh lương và tính khả thi khi yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tự sắp xếp, tiết kiệm trong dự toán được giao để tạo nguồn điều chỉnh tiền lương.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/sot-ruot-tang-truong-gdp-khong-dat-no-cong-sat-nguong_t114c67n110770