Sốt đất ảo tại TP. HCM: Bài học kinh nghiệm

Cơn sốt giá đất ảo vừa qua đã được chấn chỉnh''

Đó là lời khẳng định của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa tại buổi làm việc về kinh tế - xã hội TP HCM 5 tháng đầu năm sáng 29/5 được nhiều tờ báo trong nước tường thuật.

Phó chủ tịch phụ trách khối giao thông - đô thị cho rằng, đây là bài học sâu sắc cho thành phố. "Bài học này cho TP HCM một kinh nghiệm - đó là tính công khai minh bạch trong quy hoạch sử dụng đất phải luôn được bảo đảm", ông nhấn mạnh.

Theo ông Khoa, có 2 việc phải gấp rút thực hiện là công khai quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, kế hoạch sử dụng đất đến tận các quận huyện, xã phường. Đó vừa là trách nhiệm của ngành tài nguyên môi trường, quy hoạch kiến trúc và cả các quận huyện.

Ông Lê Văn Khoa yêu cầu đến cuối năm, Sở Quy hoạch Kiến trúc phải làm xong phần mềm để người dân sử dụng điện thoại thông minh tìm hiểu mọi thông tin về quy hoạch đất đai, kế hoạch sử dụng đất ở mọi nơi. Từ đó, hạn chế nguy cơ bị lừa, bị thổi giá khi giao dịch nhà đất.

Phó chủ tịch UBND TP. HCM cũng thông tin thêm rằng, việc này đã được thực hiện khá tốt ở quận Thủ Đức, yêu cầu tiếp tục triển khai nhân rộng ra các nơi khác.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tổng kết về thị trường bất động sản sau một năm kể từ Hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp lần thứ nhất (29/4/2016 tại TP.HCM).

Trong công văn này, HoREA bày tỏ sự lo lắng về cơn sốt giá ảo trong phân khúc đất nền ở các quận ven và một số huyện của TP.HCM như: Quận 9, quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định, giới đầu nậu và cò đất bất chính là nguyên nhân trực tiếp, và là bên thủ lợi nhiều nhất trong cơn sốt giá ảo đất nền hiện nay.

Bên cạnh đó, do chưa có định hướng dư luận kịp thời để xử lý hiệu quả những tin đồn không chính thống, truyền miệng như tin đồn về khả năng chuyển huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn thành quận; hoặc hình thành mô hình thành phố trong thành phố ở phía Đông, phía Tây, phía Nam TP.HCM, đã bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này.

Một số tập đoàn lớn công bố thông tin đề xuất các dự án rất lớn mà nếu được thực hiện sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo Tp.HCM, nhất là khu vực các huyện ngoại thành, đã bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đều khẳng định, thông tin về các dự án, các hướng phát triển, quy hoạch luôn được công khai, chỉ có điều người dân không chịu tìm hiểu, kiểm tra, tham khảo thông tin trước khi mua đất.

Song An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/sot-dat-ao-tai-tp-hcm-bai-hoc-kinh-nghiem-3336356/