SOS: Di tích Nho học đang bị hủy hoại

Gần một thế kỷ qua, do không còn được quan tâm, nhiều di tích Nho học đã bị hủy hoại hoàn toàn chỉ còn lại tên gọi như hệ thống trường học, trường học, trường thi, bảng môn đình. Ở nhiều nơi hiện nay, những người được giao trông nom trực tiếp di tích, di vật không biết chữ Nho, không hiểu giá trị của các di vật mà họ đang được giao trông nom nên đã không ít di vật bị hủy hoại một cách đáng tiếc.

Hình ảnh bia đá trên núi Bài Thơ- Quảng Ninh bị bôi bẩn.

Di tích Nho học gần 2.000 tuổi đang bị lãng quên

Di sản văn hóa Nho học ở nước ta có nguồn gốc lâu đời. Theo sử sách ghi lại, ngay từ đầu công nguyên Nho học đã được du nhập vào nước ta. Hiện nay, tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) vẫn còn ngôi đền thờ Nam giao học từ năm 187 đến năm 226 sau công nguyên. Người được giới Nho học thời quân chủ Việt Nam truyền tụng là một trong những người đã có công truyền bá Nho học rộng rãi ở nước ta thời bấy giờ.

Sau khi đất nước giành được độc lập, nhà Lý (thế kỷ XI) lấy Nho học làm nền tảng giáo dục, khoa sử. Đến thời Vua Lê Hồng Đức, triều đình bắt đầu cho dựng bia ghi danh Tiến sĩ đỗ đạt ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám tại kinh đô Thăng Long. Trải qua hai thiên niên kỷ tồn tại và phát triển Nho học đã góp phần tạo dựng một nền giáo dục mang bản sắc riêng của dân tộc ta, đào tạo ra rất nhiều thế hệ danh nhân nổi tiếng góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến khi văn hóa phương Tây xâm nhập vào nước ta, khoảng đầu cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX chữ Quốc ngữ thay thế chữ Nho. Sau kỳ thi cuối cùng năm 1919, Nho học đã bị thay thế hoàn toàn bằng nên giáo dục dùng chữ quốc ngữ.

Với bề dày gần hai mươi thế kỷ gắn bó với người Việt Nam, Nho học đã để lại cho hậu thế một kho tàng tri thức phong phú về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Có thể nói, không một di tích tín ngưỡng, tôn giáo cổ xưa nào trên đất nước ta không có hoành phi, câu đối, đại tự, sắc phong, thần phả, bia ký… bằng chữ Nho.

PGS. TS Nguyễn Quốc Hùng- Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam bùi ngùi cho hay: “Gần một thế kỷ qua, do không còn được quan tâm, nhiều di tích Nho học đã bị hủy hoại hoàn toàn chỉ còn lại tên gọi như hệ thống trường học, trường học, trường thi, bảng môn đình. Ngoại trừ Văn Miếu- Quốc Tử Giám ở Hà Nội, Văn Thánh miếu Huế là còn được bảo tồn khá tốt. Một vài nơi còn dấu vết như Văn Miếu Sơn Tây, Văn Miếu Nghệ An… Hệ thống Văn chỉ, Từ chỉ tại các huyện, xã có truyền thống khoa cử đã bị hư hại phần lớn”.

Trên thực tế, hầu hết các di tích Nho học đều được xây dựng bằng bộ khung gỗ truyền thống rất dễ bị hư hại trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ở nước ta. Các hiện vật liên quan đến Nho học như hệ thống bia đá thường không được bảo quản tốt.

Hầu hết, chúng bị phơi ngoài mưa nắng, nhiều tấm bia đã bị hư hại nghiêm trọng, có những tấm bia được công nhận là Bảo vật quốc gia nhưng đã bị nứt, vỡ, nhiều chữ bị mòn. Nhiều di vật bằng giấy, mộc bản bao gồm các thần phả, sắc phong bị mối, mọt do điều kiện bảo quản không tốt, không có phương diện bảo quản, không có kinh phí để phục hồi.

Ở nhiều nơi hiện nay, những người được giao trông nom trực tiếp di tích, di vật không biết chữ Nho, không hiểu giá trị của các di vật mà họ đang được giao trông nom nên đã không ít di vật bị hủy hoại một cách đáng tiếc.

Việc cưa câu đối đại tự làm bàn ghế, cửa sổ, lấy bia đá làm cầu ao hoặc bàn giặt, vứt ngoài mưa nắng không phải là chuyện hiếm gặp tại các di tích hiện nay. Ví như ở Cầu Kho (Huế) có đặt một tấm bia đá rất lớn, cao quá đầu người... Thật đáng tiếc, chân bệ vốn được chạm khác công phu nhưng cũng đã bị bể. Người ta vội vã đáp vá xi măng trông dị hợm.Và tấm bia ấy còn chịu cảnh sống chung với rác rưởi và cỏ dại.

Chùa Chài (Đông Anh, Hà Nội) là một quần thể kiến trúc nghệ thuật cổ. Tại đây từng có rất nhiều bia đá cổ có niên đại vài trăm năm. Nhưng qua sự tàn phá thời gian và nhiều người không biết chữ Nho, số bia đá đã hư hỏng, thất lạc đi nhiều. Thậm chí có người còn dùng bia đá làm cầu ao.

Sẽ “hồi sinh” trong thời đại @

Để các di sản hồi sinh trong thời đại @, nhiều ý kiến được các nhà nghiên cứu văn hóa đưa ra. Đó là, các cơ quan chức năng cần xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cơ sở thực hiện quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích; thực hiện sưu tầm bổ sung các tư liệu hiện vật liên quan đến di tích Nho học như: văn bia, sắc phong, sắc chỉ, lệnh chỉ, gia phả, sách cổ; khuyến khích các địa phương vận động xã hội hóa tu bổ, tôn tạo các di tích xuống cấp, hoặc phục dựng các di tích trên cơ sở có đủ căn cứ khoa học và căn cứ pháp lý; tổ chức tuyên truyền nội dung giá trị các di tích bằng nhiều hình thức: viết sách giới thiệu, tờ gấp, dựng phim tư liệu…Tổ chức các hội thảo khoa học vinh danh và tri ân các danh nho có công với nước. Khuyến khích các hoạt động khuyến học tổ chức tại các dòng họ trong dịp Tết Nguyên đán, giỗ tổ họ...

PGS. TS Nguyễn Quốc Hùng cũng đề xuất, lấy Trung tâm hoạt động văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội làm đầu mối trung tâm, các di sản khác cử người tham gia đầu mối; lồng ghép Ngày Di sản thế giới (18/4) và Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) hàng năm để tổ chức tuyên truyền quảng bá về di tích Nho học.

Thùy Dương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/sos-di-tich-nho-hoc-dang-bi-huy-hoai-343946.html