'Sóng ngầm' hậu bầu cử Quốc hội Đức

Kết quả cuộc bầu cử ngày 24/9 là điều không bất ngờ khi Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel vẫn giữ vị thế là chính đảng lớn nhất trong Quốc hội liên bang Đức khóa 19.

Tuy nhiên, ba điều được coi là bất ngờ và chưa từng có trong các cuộc tổng tuyển cử ở Đức từ năm 1949 đến này là: Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) lần đầu tiên đạt tỷ lệ ủng hộ thấp nhất từ trước đến nay (20,4%); lần đầu tiên một đảng cực hữu, mới được thành lập cách đây hơn 4 năm, bước chân vào Quốc hội liên bang với tư cách là đảng lớn thứ 3 trong cơ quan lập pháp; Quốc hội Đức lần đầu tiên có tới 7 đảng phái có đại diện.

Chắc chắn Thủ tướng Merkel sẽ vẫn là người đứng đầu dẫn dắt một chính phủ liên minh trong nhiệm kỳ 4 năm tới. Điều được dư luận quan tâm là CDU/CSU sẽ liên minh với đảng nào để cầm quyền.

Hệ thống bầu cử ở Đức khá phức tạp, trong đó vừa kết hợp yếu tố “người chiến thắng có quyền định đoạt” của Anh và Mỹ, song cũng áp dụng hệ thống mang tính đại diện, tạo cơ hội cho các đảng nhỏ hơn có thể giành ghế ở quốc hội nếu vượt qua ngưỡng 5% phiếu bầu.

Dù là bên giành được nhiều phiếu nhất, song CDU/CSU vẫn phải tìm kiếm liên minh do không thể nhận được đa số tuyệt đối phiếu bầu để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ.

Với quy định như vậy, dù là bên giành được nhiều phiếu nhất, song CDU/CSU vẫn phải tìm kiếm liên minh do không thể nhận được đa số tuyệt đối phiếu bầu để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ. Ngay từ chiến dịch tranh cử, cả CDU/CSU và SPD đều không mặn mà với việc tiếp tục liên minh cầm quyền trong nhiệm kỳ tới.

Cái bóng quá lớn của nữ Thủ tướng Merkel khiến nhiều chính trị gia SPD cảm thấy “ngộp thở” và nhiều ý kiến cho rằng cần phải thoát khỏi cái bóng này mới có thể vượt lên và tìm lại chính mình.

Thực tế qua các kỳ bầu cử ở Đức từ năm 1949 cho thấy chỉ có một lần duy nhất SPD vượt lên giành chiến thắng sau khi liên minh với CDU/CSU trong vai trò là một đảng nhỏ hơn, đó là cuộc bầu cử năm 1969 và người mang lại chiến thắng cho SPD lúc đó là chính trị gia kỳ cựu Willy Brandt, người đã liên tiếp ứng cử chức thủ tướng vào các năm 1961 và 1965.

Ngay sau khi kết quả các cuộc thăm dò ngoài điểm bỏ phiếu đầu tiên được công bố, ban lãnh đạo SPD đã tuyên bố dứt khoát không tiếp tục liên minh với liên đảng bảo thủ của bà Merkel, đồng nghĩa sẽ trở thành một đảng đối lập trong quốc hội nhiệm kỳ tới.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) và các thành viên đảng CDU mừng chiến thắng sau kết quả kiểm phiếu sơ bộ tại Berlin ngày 24/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nếu nhìn lại nhiệm kỳ qua, là một bên trong chính phủ liên minh, SPD ở vị thế khó do không thể đứng ra phản đối quyết định của bà Merkel mở cửa cho người tị nạn mùa hè năm 2015. Chỉ có những tiếng nói yếu ớt của một số lãnh đạo SPD phản đối quyết định này.

Bên cạnh đó, giới bình luận cũng nhận định sự thất bại của SPD lần này còn xuất phát một phần từ hướng đi chưa đúng của ứng cử viên thủ tướng SPD Martin Schulz trong chiến dịch tranh cử và đây là điểm mấu chốt khiến đảng trung tả không có được sự khác biệt rõ rệt với CDU/CSU.

Đó là còn chưa nói đến việc ông Schulz đã bị một số ý kiến chỉ trích vì “chưa đánh đã thua” khi vị cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu này từng tuyên bố sẽ vẫn ra tái tranh cử người đứng đầu SPD cả khi bị thất cử trong cuộc tổng tuyển cử lần này.

Ngoài ra, việc liên tiếp để thất bại trong 3 cuộc bầu cử cấp bang cũng đã khiến ánh hào quang từ “hiệu ứng Schulz” sớm tắt.

Trong Quốc hội khóa 19, đảng Dân chủ tự do (FDP) sẽ góp mặt trở lại và đây được xem là “đồng minh tự nhiên” và tiềm năng của liên đảng bảo thủ, bởi trong phần lớn thời gian CDU/CSU cầm quyền trước đây, FDP đều tham gia chính phủ và lần này, với vị thế là đảng lớn thứ 4 trong quốc hội, FDP sẽ là sự lựa chọn đầu tiên của Thủ tướng Merkel trong việc đàm phán thành lập liên minh. Có FDP, CDU/CSU vẫn chưa hội đủ quá bán mà phải liên kết với một đảng nữa.

Đảng Xanh là cái tên được nhắc đến với một chính phủ kiểu “Jamaica,” ám chỉ 3 màu Đen (CDU/CSU), Vàng (FDP) và Xanh (đảng Xanh) theo quốc kỳ Jamaica.Tuy nhiên, việc thành lập chính phủ như vậy sẽ là một quá trình khó khăn, có thể kéo dài nhiều tháng trước khi các đảng nhất trí được một thỏa thuận liên minh, có thể vào tháng 11 hoặc 12 tới. Các lãnh đạo đảng Xanh và FDP cũng cho biết sẵn sàng đàm phán để tham gia chính phủ.

Thủ tướng Angela Merkel tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4. (Nguồn: TTXVN)

Nhìn lại kết quả bầu cử, có thể thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của đảng cực hữu AfD cũng như việc các đảng trong chính phủ đại liên minh hiện nay (CDU/CSU và SPD) để mất đi sự ủng hộ phần nào nói lên sự chia rẽ trong xã hội Đức.

Các đảng nhân dân truyền thống mất đi tỷ lệ ủng hộ rõ rệt, trong khi một bộ phận không nhỏ cử tri không đồng tình với các chính sách của chính phủ đã quay sang bỏ phiếu cho một đảng chủ trương bài ngoại và hoài nghi châu Âu như AfD.

Trong cuộc vận động cử tri cuối cùng trước bầu cử, Thủ tướng Merkel đã tới thành phố Greifswald, miền Bắc nước Đức, để kêu gọi cử tri “thức tỉnh” và nói “Không” với AfD, song kết quả bỏ phiếu cho thấy CDU/CSU và SPD đã phải “trả giá” cho những quyết sách của mình, chủ yếu liên quan tới cuộc khủng hoảng người tị nạn.

Dù cuộc khủng hoảng này ở Đức đã được bà Merkel dần giải quyết ổn thỏa với gần 1 triệu người tị nạn được bố trí chỗ ăn ở, được học tiếng Đức và được dạy nghề, trong khi những người không được chấp thuận tị nạn bị trục xuất về nước, song trên thực tế, AfD vẫn giành được tới 95 ghế trong quốc hội liên bang.

Điều này được ví như những cơn sóng ngầm trong lòng đời sống chính trị Đức và chính nó sẽ tạo nên những yếu tố bất ngờ, khó đoán định trong cơ quan lập pháp khóa mới của Đức.

Trên trường quốc tế, việc bà Merkel thắng cử sẽ là thông tin tốt lành đối với Tổng thống Pháp

Trên trường quốc tế, việc bà Merkel thắng cử sẽ là thông tin tốt lành đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người chủ trương cải cách sâu rộng EU và Eurozone

Emmanuel Macron, người chủ trương cải cách sâu rộng Liên minh châu Âu (EU) cũng như Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và những ý tưởng này cần nhận được sự hậu thuẫn của người chèo lái nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Sau khi Anh rời khỏi “mái nhà chung châu Âu,” quan hệ Đức-Pháp được kỳ vọng sẽ trở lại truyền thống đặc biệt, trong đó trục Đức-Pháp sẽ được coi là “xương sống” định hình châu Âu. Tuy nhiên, việc tiếp tục một nhiệm kỳ 4 năm của bà Merkel sẽ buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump phải có cách tiếp cận mới để có thể đảm bảo hợp tác lâu dài vì các lợi ích của Mỹ.Trên thực tế, quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đức khá lạnh nhạt và khác biệt quan điểm trong về nhiều vấn đề.

Là một người rất kín kẽ, ít khi bộc lộ cảm xúc, song bà Merkel cũng đã phải thừa nhận châu Âu không còn lựa chọn nào khác là phải tự đi trên đôi chân của chính mình.

Việc ông Trump theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết” đã đưa nước Mỹ đi trên con đường riêng. Quyết định ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là điều khá sốc với nhiều nhà lãnh đạo châu Âu và thế giới, đặc biệt trong trường hợp Mỹ phá bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ càng khiến mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương thêm xa cách.

Dù giành chiến thắng, song nhiệm kỳ thứ 4 có lẽ là khó khăn nhất trong sự nghiệp của nữ chính trị gia được đánh giá là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Thủ tướng Merkel sẽ phải dung hòa các lợi ích với các đảng trong liên minh cầm quyền, tìm cách giành lại số cử tri đã dồn lá phiếu cho AfD, đồng thời giải quyết các thách thức và thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế, trong đó có nỗ lực cải cách EU, thúc đẩy thương mại tự do và chống biến đổi khí hậu.

Giải được những bài toán hóc búa này, bà Merkel có thể vượt qua ông Helmut Kohl trở thành người giữ vị trí thủ tướng lâu nhất ở Đức.

Thủ tướng Angela Merkel bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Berlin. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo TTXVN

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/tin-quoc-te/song-ngam-hau-bau-cu-quoc-hoi-duc-c5a572895.html