Sống mòn

Ba ngày qua, những xe chở hàng của đội hỗ trợ Liên Hiệp Quốc (LHQ) chất đầy gạo, đậu, nước sạch cùng các nhu yếu phẩm đã đến khu vực biên giới Jordan-Syria, tiếp cận với người tị nạn.

Ba ngày qua, những xe chở hàng của đội hỗ trợ Liên Hiệp Quốc (LHQ) chất đầy gạo, đậu, nước sạch cùng các nhu yếu phẩm đã đến khu vực biên giới Jordan-Syria, tiếp cận với người tị nạn. Đây là đầu tiên 75.000 người tị nạn mắc kẹt ở trại tập trung nhận được sự giúp đỡ sau hai tháng đói khổ đến kiệt quệ.

Chưa kịp vui mừng, những người dân đáng thương đó lại bị đe dọa, lần tiếp tế này là cuối cùng vì chính quyền Jordan muốn siết chặt an ninh, tạm thời không xét duyệt bất cứ hỗ trợ nhân đạo nào thêm nữa.

Không ít người dân đang sống lay lắt ở các trại tị nạn Ruqban và Hadalat đã phải bới đất, đào hố làm chỗ trú qua đêm. Họ phải bán sạch đồ đạc, thậm chí cả lều tạm và những tấm chăn mỏng để đổi lấy nước uống. Họ quay quắt trong cảnh sống không biết đến ngày mai. Dù có tìm được điểm đến mới hay phải trở lại quê nhà, họ cũng chỉ còn hai bàn tay trắng.

Theo các tổ chức nhân đạo, tình hình dịch bệnh, suy dinh dưỡng, đói khát ở đây đang tăng nhanh. Trong khi đó, việc viện trợ cho người tị nạn bằng đường bộ vô cùng khó khăn. Bom đạn không ngừng bủa vây nhiều khu vực ở Syria. Shaza Moghraby, người phát ngôn của Chương trình lương thực thế giới (WFP) ở Jordan cho biết, dùng máy bay thả hàng viện trợ cũng không hiệu quả vì không ai chắc chắn người tị nạn có thể nhận được.

Đứa trẻ cùng gia đình sơ tán khỏi đám cháy ở trại tị nạn trên đảo Lesbos - Ảnh: EPA

Từ khi bất ổn chính trị bùng phát ở Syria năm 2011 đến nay, năm triệu người dân đã rời bỏ quê nhà, phần lớn tìm đến Jordan, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ. Từ năm ngoái, người Syria càng khó thoát khỏi vòng vây nội chiến khi các quốc gia láng giềng tăng cường siết chặt an ninh biên giới. Tháng Sáu vừa qua, Jordan đóng cửa biên giới nước này với Syria sau vụ đánh bom liều chết của phiến quân thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) làm bảy binh lính Jordan thiệt mạng gần khu tị nạn Ruqban.

Theo tổ chức Bác sĩ không biên giới, trẻ em chiếm một nửa số người ở các trại tị nạn khu vực biên giới giữa Syria và Jordan. 25% số trẻ này bị tiêu chảy cấp tính. Tình hình căng thẳng ở Syria vẫn chưa lắng dịu, người dân vẫn ồ ạt đổ về biên giới với hy vọng mong manh tìm được đường thoát thân, càng khiến các trại tị nạn thêm quá tải và tồi tệ.

Chung tay giải quyết hậu quả từ bất ổn chính trị ở Syria là ưu tiên hàng đầu tại cuộc họp Đại hội đồng thường niên của LHQ. Trong lúc các nhà lãnh đạo tranh luận thì ngoài kia, người dân Syria đang phải hứng chịu bom rơi, đạn lạc từ những vụ không kích nhầm đối tượng.

Lần xuất hiện cuối cùng tại Đại hội đồng với tư cách Tổng thống Mỹ, ông Obama thông báo cam kết của 50 quốc gia sẽ nhận 360.000 người tị nạn từ các nước chịu chiến tranh. Đặc biệt, Đức và Canada cam kết tăng gấp đôi con số so với năm ngoái. Mỹ đồng ý nhận 110.000 người tị nạn mới từ năm tài chính 2017 so với 85.000 người dự tính trước đó.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Thế giới sẽ an toàn hơn nếu chúng ta cùng giúp đỡ những người chạy trốn khỏi xung đột”. Ít nhất 45 quốc gia được kỳ vọng là đạt hoặc vượt mức cam kết tăng ba tỷ USD cho viện trợ nhân đạo, tăng gấp đôi số lượng các suất tái định cư và điểm nhập cư hợp pháp; đồng thời tăng chi tiêu cho giáo dục, việc làm cho một triệu thanh niên.

Mới đây, trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos (Hy Lạp) bị cháy rụi khiến 4.500 người tị nạn ở đây phải đối diện với cảnh màn trời chiếu đất. Trước khi đám cháy xảy ra, trại tị nạn này đã quá tải vì chỉ đủ chỗ cho 2.500 người. Người dân bản địa ở đảo Moria tỏ ra khó chịu với người tị nạn vì cho rằng cuộc sống của mình bị những người tị nạn làm cho đảo lộn.

Trong khi đó, người tị nạn lại vô cùng hoang mang, không biết có được Hy Lạp đón nhận hay không. Họ từng nhiều lần phóng hỏa để hù dọa chính quyền nhưng đây là lần gây hậu quả nghiêm trọng nhất.

Dù các quốc gia châu Âu cam kết tái định cư cho 66.400 người tị nạn qua đường Hy Lạp nhưng đến nay, Hy Lạp chỉ mới thực hiện tái định cư thành công cho 7.970 người. Theo các nhà hoạt động nhân đạo, rất nhiều người tị nạn đủ điều kiện tái định cư nhưng vẫn phải sống tạm bợ trong điều kiện kém an toàn, đói khổ, dù mùa đông khắc nghiệt đang cận kề.

Thiên Như (Theo AP, Y Net, Financial Times, Reuters)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/the-gioi/tin-tuc/song-mon-83663/