Sống lâu nhưng đừng già

Tạm quy định người già là những người trên 65 tuổi. Phần nhiều ở lứa tuổi này nếu làm cán bộ thì đã nghỉ hưu, ở nông thôn, miền núi thì đã trở thành lão nông chi điền, già làng, trưởng bản cả rồi. Vì thế, có lẽ sách báo phổ biến khoa học là dành cho người trẻ, ít kinh nghiệm sống, ít kinh nghiệm ở đời.

1. Cần thống nhất khái niệm “đừng”:

Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ, tái bản lần thứ ba thì: “Đừng là chớ, là không nên, là tiếng khuyên can, ngăn cản”. Ví dụ: “Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”, hoặc “Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng”.

Một số ví dụ trong cuộc sống đời thường:

- Lúc đi đâu về, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, đừng đi tắm ngay. Đợi cho khô mồ hôi, đi tắm sẽ an toàn hơn.

- Có thể rất khó để thành người tốt, trở thành người giỏi, nhưng có thể đừng làm người xấu để hại người, hại mình. Đừng làm người xấu là điều có thể chủ động được.

- Dạo này mưa bão nhiều quá, đừng đi du lịch vội. Chờ tháng sau tạnh ráo tha hồ mà đi.

Với trình độ thấp, thì “đừng” là lời khuyên của người khác đối với mình. Khi con người trưởng thành, có đôi chút kinh nghiệm thì “đừng” phải trở thành lời khuyên của chính mình khuyên mình. Đạt đến trình độ ấy mới có kết quả thực sự đối với chính cuộc sống của từng con người. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã chạm đến trái tim hàng triệu triệu con người khi ông đã sử dụng chữ “đừng”: “Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng”. Ông đã đi xa nhưng lời khuyên “đừng” của ông sẽ sống mãi với thời gian.

2. Những khó khăn trong việc phổ biến kiến thức khoa học cho người già:

Tạm quy định người già là những người trên 65 tuổi. Phần nhiều ở lứa tuổi này nếu làm cán bộ thì đã nghỉ hưu, ở nông thôn, miền núi thì đã trở thành lão nông chi điền, già làng, trưởng bản cả rồi. Vì thế, có lẽ sách báo phổ biến khoa học là dành cho người trẻ, ít kinh nghiệm sống, ít kinh nghiệm ở đời.

Cách suy nghĩ này của người già, có người thiếu thiện chí gọi là: bảo thủ, trì trệ, già rồi lẩm cẩm…

Nhưng đối với Hội người Cao tuổi ở các cấp, hoặc với những người có trách nhiệm làm chính sách cho đối tượng quan trọng này của xã hội thì phải có cách nhìn khoa học hơn, bao quát hơn và lẽ dĩ nhiên khó khăn hơn nhiều, vất vả hơn nhiều so với các đối tượng dân cư trẻ tuổi. Vì thế, bên cạnh những lý thuyết khoa học, cần phải đưa ra những lý giải sát với đời thường, với con người thực tế, với người bệnh thực tế, sát với địa phương thực tế mới có tính thuyết phục người già.

Bài viết nhỏ này cũng căn cứ vào một số tài liệu đã công bố ở trong nước, trên mạng và trên sách báo, tóm tắt lại một số lời khuyên để các cụ sống lâu nhưng đừng già.

3. Đừng già:

Muốn “đừng già” cần thực hiện ba “đừng” sau đây:

1/Đừng tưởng mình vẫn được coi trọng như trước đây:

Đây là căn bệnh nặng nhất, là nguyên nhân gây đột quỵ, tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim đối với những người vẫn tưởng mình là ai (Who is who).

Từ cái thất vọng đau đớn về tinh thần này, lượng adrenalin, acetylcholin tăng vọt trong máu, không cấp cứu kịp. Có vị ở nhà buồn, đến cơ quan chơi để gặp mặt anh em thì bị người bảo vệ chặn ngay từ cửa và cho biết hôm nay cơ quan đang họp, hôm khác hãy đến chơi. Vì thế tốt nhất là nếu không được mời thì đừng đến. Còn nếu chín chắn hơn thì dù có được mời cũng nên thận trọng suy nghĩ. Vì sao? Vì tuổi già đã có những thay đổi về sức khỏe, về diện mạo bên ngoài. Nếu không muốn mất đi hình ảnh đẹp đẽ ngày xưa, càng nên thận trọng. Như một câu thơ cổ đã viết: “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”. Tạm dịch là: từ xưa đến nay, các tướng giỏi và các người đẹp chẳng muốn để mọi người nhìn thấy vẻ tiều tụy, tàn tạ của mình lúc tuổi già.

2/Đừng tưởng sức khỏe mình còn tốt:

Có một thống kê đáng tin cậy sau: Trên 70, 75, 80 tuổi có thể vẫn khỏe mạnh khi đi lại trong nhà hoặc đi loanh quanh, đi bộ ở công viên cạnh nhà. Nếu để ý kỹ thì nếu phải lên bậc ở lối đi, ở cầu thang hơi cao đã bắt đầu thở nhiều, thở dốc. Sự khó thở này không phải bị cái gì cản trở ở đường hô hấp (như viêm mũi, viêm phế quản…) mà đó chính là biểu hiện suy tim ở người già, tương đương với suy tim độ I (Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới - WHO).
Dấu hiệu này cần phải phổ biến rộng rãi cho người cao tuổi khi tập luyện và phải dẫn đến một mệnh lệnh: Đừng cố gắng. Mệnh lệnh đừng cố gắng này từ 75 tuổi trở đi phải chấp hành triệt để: Đừng cố sức tập luyện, đừng cố gắng phát biểu tranh luận (Đã có trường hợp một vị cán bộ cao cấp phát biểu chưa xong đã gục xuống chết tại chỗ), đừng cố gắng đi du lịch xa bằng máy bay hoặc ô tô đường dài. Các Công ty Lữ hành Du lịch đều từ chối tiếp nhận những người trên 75 tuổi đi du lịch đường dài. Tại nhiều sân bay, người trên 75, 80 tuổi phải viết giấy cam đoan khi ra máy bay. Đừng cố gắng này còn phải được quán triệt trong ăn, uống, tắm gội hàng ngày. Khi tắm phải tắm nhanh và ra khỏi buồng tắm, vì nên nhớ rằng tắm làm mất rất nhiều sức lực đối với người già trên 75 tuổi. Với người già, tuyệt đối không được cài then phía trong buồng ngủ, phía trong buồng tắm, buồng vệ sinh để kịp thời tiếp cận sớm nếu cần phải cấp cứu.

3/Đừng tưởng mình có tiền, mình giầu có đủ tiền thuốc men khi ốm đau:

Cách đây hàng trăm năm, các cụ già đầy kinh nghiệm sống ở miền Trung đã sớm phát hiện ra:

Ba quan chớ tưởng mình giầu
Một trận đau đầu cũng hết tám quan

Chứng tỏ rằng chi phí y tế thời nào cũng cực kỳ tốn kém. Có nhà bán hết tài sản để chạy chữa cho cha mẹ già, rốt cuộc bệnh cũng không chữa được.
Vì thế, nếu xác định mình chỉ có tiền lương hưu hàng tháng và một cuốn sổ tiết kiệm “khiêm tốn”, để giữ gìn sức khỏe hàng ngày cần thực hiện các “đừng” sau đây:

- Đừng ốm:

Mới nghe tưởng như đùa, nhưng thực ra có thể thực hiện nghiêm túc các quy định sau để tránh những tai biến ở tuổi già:

+ Tuyệt đối không hút thuốc lá.

+ Tuyệt đối không thức khuya dậy sớm.

+ Thấy mệt thì đi nằm, không được cố gắng.

+ Tuyệt đối không uống rượu mạnh (trên 30 độ). Chỉ có thể uống hạn chế bia và rượu vang (chỉ từ 5 – 12 độ là cùng, mỗi ngày 1 cốc bia, 1 ly rượu vang).
+ Tuyệt đối không xem tivi quá 1 giờ liên tục.

+ Tuyệt đối không đọc sách báo ở chỗ thiếu ánh sáng và không đọc quá 30 phút một lần.

+ Thấy mệt không được tắm, chỉ lau mình qua loa, thay quần áo sạch, rồi đi nằm.

Đảm bảo nếu nghiêm túc thực hiện những lời khuyên trên sẽ tránh được những biến đổi xấu đi bất ngờ đối với sức khỏe người già.

- Đừng a dua theo phong trào:

Lúc trẻ ta sẵn sàng hưởng ứng các loại phong trào do khu phố, cơ quan, họ hàng, gia tộc, đồng hương phát động. Nhưng nay tuổi đã già, sức đã kém, chớ vì nể nang, sĩ diện hão mà a dua theo bọn trẻ. Nếu xảy ra chuyện gì, người già chỉ trở thành trò cười, ai cũng tặc lưỡi: Ông ấy già rồi mà không biết thân biết phận, có phải dại mặt các bậc lão thành không?

- Đừng quá xúc động, đau khổ, dằn vặt vì những đối nhân, xử thế đầy nghịch lý hàng ngày:

Trong trường hợp con đẻ, con dâu, con rể không hiếu thuận, cũng nên cho qua. Bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí cũ quên ta, bỏ rơi ta, cũng nên cho qua. Gặp cảnh đau lòng, ngang tai, trái mắt, góp ý được đến đâu thì góp, nói chung cũng đành phải cho qua.

Biết làm sao được, đành chịu thua trước sự đời, để giữ được cái thanh thản trong lòng. May ra bữa cơm còn thấy ngon miệng, may ra đêm nay còn chợp mắt được một lúc.

Đừng ốm nhé, bạn già ơi !

Đừng khổ tâm nhé, bạn già ơi !

Song song với “3 đừng”, xin hãy tuân thủ “3 nên” ngắn gọn sau:

- Nên ăn, ngủ, sinh hoạt điều độ.

- Nên vận động, tập luyện thường xuyên.

- Nên làm việc thiện, việc tốt, việc nhân nghĩa.

Sau đây là hai câu chuyện gợi ý cho ta làm việc thiện, việc nhân nghĩa:

Câu chuyện 1: Bác sỹ Xuân năm nay đã 75 tuổi, là một thương binh sống ở nông thôn. Khi đến đầu làng, chỉ cần hỏi thăm nhà hay phòng khám ông Xuân ai ai cũng biết. Vì hơn 20 năm nay, kể từ khi phục viên, ông Xuân chỉ làm từ thiện. Ông biến vườn nhà thành vườn thuốc nam, nhà của ông thành phòng khám và chữa bệnh miễn phí. Ông bận bịu suốt ngày, lúc hướng dẫn bà con thu hái dược liệu, chế biến thuốc, lúc khám bệnh, lúc tiêm thuốc hay làm các tiểu phẫu thuật không cần đến trạm xá. Vừa qua, anh em cựu chiến binh chúng tôi đến tặng quà sinh nhật lần thứ 75 của ông, bác sỹ Xuân cười rất hóm hỉnh: “Các ông nhớ nhầm thế nào ấy chứ, tớ làm gì đã đến 75 tuổi !”. Mọi người đều cười và khâm phục cái bí quyết giữ cho tâm hồn nhân ái của ông Xuân trẻ mãi không già nhờ lòng thương người như thể thương thân.

Câu chuyện 2: Bà Loan là một bà giáo già. Bà thấy trong xóm không có chỗ nào cho các em nhỏ đọc sách. Xóm cứ bàn đi bàn lại mãi mà chưa tìm được địa điểm làm thư viện. Bà quyết định dành cả ngôi nhà ngang (ngày xưa bố mẹ bà dùng để thóc lúa, cái cối xay thóc và một số thứ lặt vặt khác) làm một thư viện nhỏ. Thế rồi năm tháng cứ trôi đi, mỗi học trò cũ đến thăm bà thay vì quà bánh, bà đề nghị họ góp sách cho thư viện. Giờ đây, thư viện bà giáo Loan đã có hàng nghìn đầu sách đủ các thể loại, người đến đọc có cả ông già, bà cả, thanh niên chứ không chỉ là các cháu thiếu nhi như buổi ban đầu. Hỏi bí quyết xây dựng và giữ gìn thư viện thành công, bà Loan chỉ mủm mỉm cười. Nhưng con gái lớn của bà, cũng là cô giáo cấp 1 trường làng đã tổng kết hai kinh nghiệm bảo quản sách cũ của bà:

- Cứ hôm nào trời nắng to là bà Loan huy động cả học trò, cả người đọc đem sách ra phơi. Dở từng trang mà phơi, lật đi lật lại. Hết nắng thì lại mang vào. Chả thế mà trời nồm, trời ẩm, giấy tờ của Ủy ban còn bị mối xông, nhưng sách ở thư viện bà Loan vẫn “ngon lành” để phục vụ bạn đọc.

- Bà không dùng băng dính trong, băng dính y tế để dán vào những chỗ rách, chỗ long bìa. Vì thế nào trời ẩm rồi khô băng dính sẽ lại bong ra. Phải dùng giấy pơ lua mỏng, phết hồ dán tốt, dán cẩn thận, chi tiết cả hai mặt thì cuốn sách dùng được lâu bền.

Chính những trăn trở, suy tư hàng ngày để duy trì hoạt động của thư viện, cùng với việc thường xuyên giao lưu với bạn đọc đã làm bà giáo luôn nhanh nhẹn, trẻ trung.

Trần Hữu Thăng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/song-lau-nhung-dung-gia/129509