Sống giữa vườn thuốc nam vẫn nhập cây dược liệu

Đó là thực trạng được nhìn nhận và nêu ra tại Hội thảo phát triển cây dược liệu do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức sáng 26/10. Đây được xem là hội thảo quy mô lớn nhất từ trước tới nay về phát triển cây dược liệu, thu hút tham dự của nhiều nhà khoa học, nghiên cứu, doanh nghiệp và các lãnh đạo cấp, ngành.

Toàn cảnh hội thảo

Theo TS Phan Văn Thắng, GĐ Trung tâm Lâm sản ngoài gỗ (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam), thực trạng chung hiện nay là tất cả cây dược liệu nước ta bị Trung Quốc thu mua, trong khi đó Trung Quốc lại mang cây dược liệu qua bán tràn lan tại Việt Nam với giá rẻ. Trong khi đó nhiều loại cây dược liệu của Việt Nam đang bị khai thác cạn kiệt.

PGS.TS Trần Thị Hà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp nhận định, tình trạng nuôi trồng và khai thác dược liệu ở nước ta nói chung và Quảng Nam nói riêng còn tự phát, quy mô nhỏ, chưa có định hướng dẫn đến sản lượng dược liệu không ổn định, giá cả biến động.

Tại tỉnh Quảng Nam, thống kê có trên 832 loài dược liệu, phân bố ở các huyện miền núi như Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My…trong đó, Sâm Ngọc Linh là một trong 5 loại sâm quý nhất thế giới. Điều đáng lo ngại là nhiều loại dược liệu quý đang bị khai thác cạn kiệt, có nguy cơ mất hẳn. Đặc biệt, đối với cây sâm, việc khai thác, mua bán và sử dụng tràn lan chưa có quy định quản lý, bảo vệ cùng các chính sách, giải pháp đầu tư quy hoạch khiến vùng sâm tự nhiên của tỉnh Quảng Nam đang dần cạn kiệt, kéo theo nhiều hécta rừng nguyên sinh bị tàn phá nặng nề.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhìn nhận “tiềm năng thì lớn về dược liệu nhưng vẫn cứ loanh quanh luẩn quẩn chưa phát triển tương xứng thì nhất định phải có căn nguyên. Do đó cần phải tính toán, nghiên cứu lộ trình bài bản, thận trọng phân tích kỹ lưỡng chứ không thể ầm ầm ào ào được”.

Tỉnh Quảng Nam định hướng đến năm 2025 Quảng Nam trở thành trung tâm dược liệu lớn nhất vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, trong đó cây sâm Ngọc Linh ở vị trí hàng đầu. Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam tập trung ưu tiên số 1 là tạo giống, nhân giống; ưu tiên trồng và phát triển cây dược liệu theo các vùng quy hoạch. Trong đó chú trọng trồng dược liệu dưới tán rừng và gắn với bảo vệ rừng. Tỉnh cũng nghiên cứu cho thuê môi trường rừng để trồng dược liệu (ưu tiên cho người dân), đối với doanh nghiệp khuyến khích trồng gắn với chế biến sản phẩm từ dược liệu. Đặc biệt chú trọng đến chất lượng, xây dựng các mô hình giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu; Tiến tới xây dựng trung tâm công nghệ sinh học Quảng Nam…

Hoài Văn

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/song-giua-vuon-thuoc-nam-van-nhap-cay-duoc-lieu-1066708.tpo