Sóng gió tiếp tục “hỏi thăm” Thủ tướng Merkel và chính sách nhập cư

Khi nước Đức còn chưa hết bàng hoàng về vụ xả súng Munich khiến 9 người thiệt mạng thì vài ngày sau, đất nước này liên tiếp hứng chịu các vụ tấn công liên quan đến người tị nạn. Bảy ngày đẫm máu tại Đức có thể đã kết thúc nhưng sóng gió lại tiếp tục đến với Thủ tướng Đức Angela Merkel với chính sách mở cửa nhập cư của bà.

Cảnh sát tăng cường an ninh sau vụ nổ bom tại thành phố Ansbach.

Trong ngày cuối tuần qua, hai vụ tấn công đã xảy ra ở Đức. Đó là vụ nổ bên ngoài lễ hội âm nhạc ở TP. Ansbach khiến 1 người thiệt mạng, 12 người bị thương và vụ tấn công bằng rìu khiến 1 phụ nữ mang thai tử vong ở Reutlingen. Trước đó, vụ tấn công bằng rìu trên xe lửa ngày 18/7 làm 5 người bị thương. Cả 3 vụ tấn công này đều được kết luận do người tị nạn gây ra đã gây nên tâm lý quan ngại trong cộng đồng người Đức.

Nghi phạm gây ra vụ nổ tại Ansbach là một người tị nạn Syria 27 tuổi. “Trong điện thoại di động của tên này có một đoạn video thề trung thành với Abu Bakr Al-Baghdadi, thủ lĩnh tối cao của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và tuyên bố trả thù người Đức vì đã chắn đường của Hồi giáo”, thông báo của cơ quan điều tra cho biết.

Nhằm tăng thêm tính khẳng định cho những nguy hiểm nước Đức đang phải đối mặt, người đứng đầu cơ quan Nội vụ bang Bavaria, ông Joachim Herrmann khẳng định: “Với đoạn video trên, không còn gì nghi ngờ, đây là một vụ khủng bố mang tính chất Hồi giáo cực đoan”. Ông Herrmann cho biết, nghi phạm từng phải điều trị sau 2 lần cố tự sát. Tên này đã cố gắng nhập cư vào Đức hai năm trước đây, đã bị từ chối. Tình hình Syria ngày một căng thẳng nên hắn không bị trục xuất về nước và đã sống ở Ansbach được 1 năm. “Thật khủng khiếp khi một người tị nạn đến Đức mong một cuộc sống bình an lại gây ra tội ác ghê gớm như vậy”, ông Herrmann nói trong cuộc họp báo ngày 25/7.

Daily Mail (Anh) dẫn lời chuyên gia chính trị châu Âu thuộc trường đại học Bonn, ông Frank Decker cho hay: “Với người dân Đức, họ đã trải qua tuần lễ kinh hoàng khi từ một đất nước bình yên mà phải hứng chịu bao cuộc tấn công đẫm máu. Vậy nên đó chính là lý do để lý giải tại sao người dân Đức quy kết, những kẻ tấn công này liên quan trực tiếp tới Thủ tướng Merkel và chính sách tị nạn cởi mở của bà”. Thêm vào đó, tất cả những vụ tấn công này xảy ra không lâu khi người dân châu Âu chứng kiến nước Pháp một lần nữa bị đe dọa đúng vào dịp Quốc khánh.

Chuyên gia Bloomberg (Mỹ) đưa ra bình luận, hiện tượng “con sói đơn độc” tại hộp đêm Orlando (Mỹ) cho tới các cuộc tấn công khủng bố ở ba nước châu Âu (Đức, Pháp, Bỉ) đã châm ngòi lửa cho sự kỳ thị người Hồi giáo ở châu Âu. Đây sẽ là thời điểm mà áp lực chính trị đối với bà Merkel lớn hơn bao giờ hết. Chỉ tính riêng trong năm 2015, khoảng 1 triệu người di cư đến Đức để chạy trốn những cuộc chiến ở Afghanistan, Syria và Iraq.

Chủ tịch đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức AfD Frauke Petry đã chỉ trích chính sách về người nhập cư của bà Merkel là nguyên nhân khiến cho nước Đức rơi vào tình trạng hiện nay. Lãnh đạo AfD kể trên vẫn viết trên mạng xã hội: “Cảm ơn liên đảng của bà Merkel vì đã đem khủng bố đến Đức và châu Âu. Các nhà lãnh đạo hãy nhìn xem, họ đã gây ra những gì cho đất nước này”. Tuy nhiên, Bloomberg nhận định, vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động chính trị của những vụ tấn công này liên quan đến người tị nạn. Bởi khác với Pháp và Bỉ, Đức vẫn chưa trực tiếp hứng chịu vụ khủng bố nào đến từ những chiến binh IS.

Quay lại hồi tháng Năm, Chính phủ Đức đã thông qua gói dự luật về chính sách người tị nạn. Theo đó, những người tị nạn đã được Chính phủ Đức cấp giấy chứng nhận tị nạn nhập cư có thời hạn. Bên cạnh đó, Berlin cũng tăng cường trục xuất những người tị nạn mà hồ sơ không đáp ứng đủ yêu cầu của Chính phủ nước này.

Đức cũng tổ chức các khóa học về hội nhập cho những người di cư và tị nạn được công nhận. Theo đó, những người tị nạn sẽ được dạy những điều cơ bản nhất về pháp luật của quốc gia này, sự tự do ngôn luận, sự bình đẳng tôn giáo, bình đẳng giữa nam và nữ. Song tất cả chính sách đó dường như vẫn không thể ngăn chặn được điều tồi tệ đang diễn ra tại đây.

Trước những diễn biến phức tạp về an ninh Đức hiện nay, chính quyền bà Merkel cũng nhận thấy việc cần phải đưa luật kiểm soát súng đạn lên một mức quan tâm mới. “Sau vụ xả súng tại Munich và chuỗi tấn công vừa qua chúng ta càng nhận thấy kiểm soát súng đạn là một vấn đề quan trọng. Đã đến lúc Chính phủ Đức cần phải hành động để hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc sở hữu các loại vũ khí chết người này”, Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel nói. Chung quan điểm, Bộ trưởng bộ Nội vụ Thomas de Maiziere sẽ rà soát lại luật sử dụng súng sau khi có kết luận điều tra về các vụ tấn công vừa qua và đưa ra sự cải tiến cần thiết.

Trong một diễn biến liên quan, Daily Mail dẫn kết quả một cuộc thăm dò do viện Nghiên cứu Infratest Dimap thực hiện về tỉ lệ người dân Đức ủng hộ bà Merkel cho thấy, kể từ khi Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/6 số người ủng hộ bà Merkel đã tăng trở lại, lên mức 59%, cao nhất trong 10 tháng qua. Điều này giúp lấy lại phần nào danh tiếng cho nữ Thủ tướng Đức sau cuộc khủng hoảng người tị nạn hồi tháng 9/2015. Kết quả thăm dò của viện Allensbach (Đức) cũng củng cố thêm quyền lực của Thủ tướng Merkel khi Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo CDU của bà nhận được tỉ lệ tín nhiệm cao nhất từ đầu năm đến nay với 35,5%.

PHƯƠNG ANH

(Theo Telegraph, Bloomberg, Daily Mail)

Xem thêm video tin tức:

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-the-gioi/hoi-tham-thu-tuong-merkechinh-sach-nhap-cu-a155769.html