Sóng gió chưa lặng

Chỉ hai năm sau quyết định lịch sử của Mỹ và Cu-ba thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, Nhà trắng lại tuyên bố khôi phục một phần chính sách chống “Hòn đảo tự do”. Quyết định này đang phủ bóng đen lên một trong những tiến trình bình thường hóa quan hệ được dư luận quan tâm nhất hiện nay.

Mối quan hệ nhiều thăng trầm giữa Mỹ và Cu-ba đã có những bước tiến dài kể từ tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao hồi tháng 12-2014, thể hiện qua các chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao hai bên, cũng như hàng loạt thỏa thuận hợp tác được ký kết. Sự khởi sắc này không chỉ được dư luận Mỹ và Cu-ba quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ, mà còn trở thành một hình mẫu về nỗ lực đối thoại sau hơn nửa thế kỷ đối đầu. Song, giữa tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Đ.Trăm tuyên bố bãi bỏ một phần chính sách cải thiện quan hệ đối với Cu-ba từ thời người tiền nhiệm B.Ô-ba-ma. Quyết định này thể hiện một trong những cam kết trong chiến dịch vận động tranh cử hồi năm ngoái của người đứng đầu Nhà trắng. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những tiến triển đáng khích lệ, tuyên bố mới của Oa-sinh-tơn như “dội gáo nước lạnh” lên những nỗ lực cải thiện quan hệ song phương với La Ha-ba-na thời gian qua.

Nhà trắng tuyên bố siết chặt các quy định về đi lại, cấm công dân Mỹ làm ăn với giới doanh nghiệp quốc doanh có quan hệ với quân đội, lực lượng an ninh Cu-ba, hạn chế các hoạt động giao lưu nhân dân với đảo quốc Ca-ri-bê và chỉ cho phép tiến hành các chuyến thăm thân. Chính sách mới của Oa-sinh-tơn tiếp tục duy trì hoạt động của hai đại sứ quán, cũng như cho phép các hãng hàng không và vận tải biển của Mỹ khai thác dịch vụ tới Cu-ba. Tổng thống Trăm khẳng định, mọi thay đổi trong quan hệ giữa Oa-sinh-tơn và La Ha-ba-na sẽ phụ thuộc “các bước cải cách cụ thể” trong thời gian tới của quốc đảo Ca-ri-bê. Đáp lại, Chính phủ Cu-ba khẳng định giữ nguyên quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, phát triển mối quan hệ tôn trọng và hợp tác giữa hai nước, nhưng không nhượng bộ về chủ quyền, độc lập hay chấp nhận những điều kiện ràng buộc.

Giới nghiên cứu cho rằng, việc Nhà trắng khôi phục một phần chính sách chống Cu-ba không ảnh hưởng nghiêm trọng ở tầm vĩ mô như dư luận lo ngại. Trước những sự thay đổi chính sách của Mỹ, Cu-ba đã tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại, tìm kiếm các đối tác kinh tế mới, như hợp tác với Liên hiệp châu Âu (EU), xúc tiến gia nhập Ngân hàng phát triển Mỹ la-tinh, đẩy mạnh mở cửa kinh tế, thúc đẩy thương mại, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và duy trì quan hệ với nhiều quốc gia khác. Số liệu từ Văn phòng thống kê và thông tin quốc gia (ONEI) của Cu-ba cho thấy, mức lương bình quân của người lao động tại nước này tăng gần 60% trong giai đoạn 2012 - 2016. Số lượng người Cu-ba hồi hương, phần lớn từ Mỹ, trong năm 2016 là 14.000 người, vượt tổng số kiều dân Cu-ba hồi hương trong ba năm trước đó và dự kiến tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, du lịch hiện là ngành kinh tế có mức tăng trưởng nhanh nhất ở Cu-ba với hàng triệu lượt du khách quốc tế. Năm nay, Chính phủ Cu-ba đề ra mục tiêu đón 4,2 triệu lượt du khách, doanh thu ước tính khoảng hơn ba tỷ USD.

Giới phân tích cho rằng, quan hệ Mỹ - Cu-ba được cải thiện mang lại lợi ích cho cả hai bên, đáp ứng sự mong đợi của người dân hai nước. Tổng thống Đ.Trăm hiểu rõ tầm quan trọng của cơ hội kinh doanh mới đối với các doanh nghiệp Mỹ, cũng như khả năng “sinh lợi” của mỗi mối quan hệ đối ngoại. Do đó, trong quan hệ với Cu-ba, ông Trăm chắc chắn cân nhắc những lợi ích đạt được trong tiến trình bình thường hóa quan hệ, nhất là trong thương mại và đầu tư. Giới bình luận đánh giá, nếu Tổng thống Trăm nỗ lực thực thi mọi biện pháp để cải thiện kinh tế, giúp "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” như khẩu hiệu tranh cử trước đó, ông sẽ không bỏ qua mối quan hệ nhiều tiềm năng với Cu-ba. Tuy nhiên, bước đi ngược xu thế phát triển quan hệ song phương vừa qua dự báo sóng gió giữa hai nước chưa lắng dịu.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/33427102-song-gio-chua-lang.html