Sống chung với lũ

Ít có năm nào như năm nay, miền Trung ruột thịt liên tiếp nhận vài cơn lũ cùng ập tới. Lũ trước vừa mới rút, hậu quả còn chưa khắc phục xong, trời lại mưa liên miên, nhấn chìm vùng đất trong lũ mới. Hà Tĩnh, Quảng Bình lũ chồng lũ, những con đường bị chia cắt, cô lập, người dân lại lên mái nhà chống lũ.

Cả một vùng mênh mông nước ngập nóc nhà, những người già, trẻ nhỏ phải dỡ ngói trèo lên mái nhà tránh nước…

Chỉ trong vòng có mấy tuần thôi, hình ảnh cả một vùng mênh mông nước ngập nóc nhà, những người già, trẻ nhỏ phải dỡ ngói trèo lên mái nhà tránh nước… lặp đi lặp lại, chưa kịp nguôi nỗi khắc khoải này, lại chan chứa một nỗi thương cảm khác.

Một miếng khi đói… tinh thần tương trợ, đạo nghĩa dân tộc lá lành đùm lá rách lại sáng ngời lên.

Bên cạnh hành động kịp thời của Chính phủ trong việc chỉ đạo khắc phục thiệt hại sau bão lũ, những tấm lòng của người dân cả nước thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã và đang khắc phục phần nào những khó khăn vật chất, sưởi ấm tình nghĩa đồng bào.

Đại đoàn kết dân tộc không phải là một khái niệm trừu tượng, nó là biểu hiện cụ thể vào những ngày này, khi tình đoàn kết gắn bó mọi người Việt Nam, làm ấm lòng những người dân miền Trung đang gặp nạn.

Sự lên tiếng của rất nhiều bạn trẻ hay các tổ chức, cá nhân trong xã hội và những món quà quyên góp ủng hộ rất nhỏ bé đều có ích. Bởi vì không phải chỉ là giá trị vật chất mà còn là sự tiếp sức có ý nghĩa tinh thần to lớn, không phải chỉ với người dân miền Trung, mà còn với bất kỳ người Việt Nam nào.

Để người dân miền Trung dù trong khốn khó, thiếu thốn sau cơn bão lũ vẫn biết mình không đơn độc, và để những người dân khắp cả nước có dịp kiểm chứng về tình người, về tinh thần đoàn kết dân tộc.

Tương thân tương ái vốn là truyền thống của người Việt mình. Không phải chỉ đến lúc này, nhưng trong cuộc sống thường ngày có thể nó bị lẩn khuất đâu đây, thì khi một khúc ruột gặp hoạn nạn, đồng bào miền Trung vật vã chống chọi với lũ chồng lên lũ, là lúc tinh thần đại đoàn kết dân tộc ngời sáng.

Nó là đạo lý để dân tộc trường tồn!

Nhưng giữa những ngày miền Trung lũ chồng lũ, cùng với cứu trợ, tương thân tương ái, cần đặt ra những vấn đề dài hơi hơn, gốc rễ hơn.

Đành rằng thiên nhiên vốn khó lường. Đành rằng từ bao đời nay, hình thái địa lý mảnh đất này đã đồng nghĩa với thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, đặc điểm địa lý khiến miền Trung năm nào cũng oằn mình trong bão và lũ lụt. Nhưng với điều kiện phát triển của xã hội hiện nay, rõ ràng đã có khả năng hơn với những giải pháp lớn, căn cơ, để miền Trung “sống chung với lũ” mà tính mạng con người được bảo đảm, thiệt hại về vật chất ít nhất có thể.

Nói đến miền Trung không phải chỉ là sự cứu trợ từ Nhà nước, không phải chỉ là những gói hàng, đồng tiền từ thiện của xã hội sau mỗi trận lũ mà quy hoạch tổng thể cho phát triển của miền Trung phải được tính đến để vùng đất ấy phát triển đi lên trong điều kiện mỗi năm có thể phải hứng chịu bão lũ. Có nghĩa là chính sách cho vùng đất miền Trung được hoạch định hết sức phù hợp, thích hợp hài hòa giữa nguồn lực từ con người, từ thiên nhiên bao gồm cả phòng và chống lũ.

Nguồn lực được huy động từ toàn xã hội hiện nay để cứu trợ cho miền Trung sau mỗi trận lụt là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ thực trạng này thì cần những quyết sách ở tầm chiến lược, chú trọng vào việc quy hoạch khu định cư và nhà ở chống lũ.

Đó là những dự án được triển khai để người dân đủ điều kiện sống trong bão lũ mà không lo lắng, không bị thiệt hại nặng nề về tài sản và tính mạng. Hiện nay, có nhiều dự án đã phát triển theo hướng này, ví như quy hoạch, xây nhà chống lũ.

Để làm được điều này, cần chính sách cụ thể, thiết thực từ Nhà nước và các địa phương. Ngoài ra, huy động nguồn lực xã hội là kênh quan trọng. Trong khi các phong trào thiện nguyện đôi khi khá lẻ tẻ, manh mún khó giúp được người dân có sự thay đổi cuộc sống căn bản thì thay vì đóng góp thiện nguyện cứu trợ sau mỗi trận lũ, cần có những quyết sách lan tỏa để tổng hợp mọi nguồn lực, triển khai thành những dự án dài hơi, giúp thay đổi căn bản đời sống người dân vùng lũ.

Một gói mì tôm giúp cho người dân sau lũ cũng đáng quý. Nhưng sẽ quý hơn nếu mà chẳng may có bão lũ về người dân vẫn được đảm bảo an toàn tính mạng, an toàn tài sản, và nguồn lực của chính gia đình họ, có thể giúp họ dễ dàng vượt qua bão lũ. Sau lũ là người dân lại đủ lực bắt tay vào sản xuất, ổn định cuộc sống.

Thiên tai là thứ không thể thay đổi được. Nhưng ứng phó với thiên tai khắc nghiệt là việc có thể làm được. Xây dựng đời sống thích ứng với điều kiện địa lý, khí hậu, thiên tai là điều mà xã hội hiện đại hoàn toàn có thể làm được. Chủ động ứng phó là đã là câu nói cửa miệng được nhắc đến mỗi ngày trên toàn thế giới. Vấn đề chỉ còn là thay đổi tư duy của chúng ta.

Cẩm Anh

Từ khóa

miền trung ủng hộ bão lũ lũ lụt ngập lụt mttqvn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/song-chung-voi-lu/131692