Sống bất an dưới làn khói bụi điện than của các nhà máy

Quy hoạch điện phê duyệt ngày 18/3/2016, đến năm 2030, ĐBSCL sẽ có 14 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 18.270 MW, lớn nhất cả nước...

Bây giờ, đến các trung tâm nhiệt điện ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang đã nhìn thấy những thách thức nặng nề cho vựa lúa và thủy sản quốc gia.

Trung tâm Điện lực Duyên Hải nằm ven biển, ở xã Dân Thành (thị xã Duyên Hải, Trà Vinh) có 4 nhà máy, hiện đã chạy thương mại NM Duyên Hải 1, đang chạy thử NM Duyên Hải 3 và xây dựng NM Duyên Hải 3 mở rộng. Hai trung tâm điện lực còn lại nằm bên bờ sông Hậu. Trung tâm Điện lực Long Phú ở xã Long Đức (huyện Long Phú, Sóc Trăng) có 3 nhà máy, đang xây dựng NM Long Phú 1. Trung tâm Điện lực Sông Hậu ở thị trấn Mái Dầm (huyện Châu Thành, Hậu Giang) có 2 nhà máy, đang xây dựng NM Sông Hậu 1.

Bí bức

“Nó phát tiếng ồn muốn bể nhà, không còn nghỉ ngơi gì được”, bà Nguyễn Ngọc Anh, 58 tuổi, ở ấp Láng Cháo, xã Dân Thành (Duyên Hải, Trà Vinh) chỉ nhà máy điện sừng sững trước mặt.

Bà Ngọc Anh than thở, đêm nào cũng mấy lần, có lúc thêm tiếng rào rào ngỡ sập nhà đến nơi. “Lại còn khói nhà máy và đủ thứ bụi bặm của công trường xây dựng nên nước mưa không còn xài được, sinh nhiều bệnh tật, tháng trước cả ấp bị sốt, phải đi chích thuốc”, bà nói.

Gia đình bà Ngọc Anh sống lâu đời ở đây, từ trước thời mẹ chồng của bà là mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Dương có nhà tình nghĩa sát vách nhà vợ chồng bà. Hồi nào, gia đình bà có 7 ha nuôi tôm và cua, gần 1 ha làm muối; nhà máy điện mọc lên thì chỉ còn độ 6.000 m2 không còn sản xuất gì được nữa. Vợ chồng bà xây một số phòng trọ cho công nhân thuê, bán thêm nước và bánh kẹo trước hiên nhà để kiếm sống. Bà có 3 người con, hiện sống với vợ chồng con trai út Trần Thanh Toán.

Anh Toán men lối đi ngoằn ngoèo đầy rác và lẹp nhẹp nước giữa các dãy phòng trọ, ra phía sau chỉ cái ao hồi nào nuôi tôm và cá, nay nước tù đọng đen đặc. “Muốn lấp ao cho đỡ ô nhiễm nhưng không có tiền”, anh Toán cho biết. Anh làm thuê cho các nhà thầu nhỏ trong công trường xây dựng nhà máy nhưng công việc thất thường, như dịp này đang thất nghiệp.

Cách nhà máy điện hơn cây số, anh Trương Văn Sung cũng than: “Bụi bặm và tiếng ồn khiếp quá, không còn làm ăn gì được”. Anh Sung dáng vẻ hoạt bát, tuổi 40 mà đã có tiếng về nuôi tôm và làm muối hiệu quả. Với 2,8 ha đất, trước đây, cứ mùa mưa nuôi tôm, mùa khô làm muối, mỗi năm anh thu tiền tỷ.

“Từ ngày có nhà máy điện là thua, như năm nay chưa được đồng nào. Làm muối bị bụi rơi xuống, phải bán rẻ, nuôi tôm thì giống chết. Ao đang bỏ hoang”, anh nhăn nhó.

Đất của anh Sung còn ở gần trạm trộn bê tông phục vụ xây dựng nhà máy. Chín cái bồn khổng lồ dựng ngược cùng với dòng xe tải lớn nối đuôi nhau ngày đêm xả bụi. Năm 2014, một bồn xảy sự cố phụt xi măng ra ao tôm của anh mà anh khiếu kiện mãi mới đòi được 12 triệu đồng “hỗ trợ”.

Anh Sung với ao nuôi tôm và làm muối bỏ hoang bên trạm trộn xi măng

Anh Sung với ao nuôi tôm và làm muối bỏ hoang bên trạm trộn xi măng

Trước đây làm muối anh làm thêm nước ót bán cho các cơ sở sản xuất tôm giống, một năm thu hơn trăm triệu đồng nhưng mấy năm nay không làm được nữa. “Vì nước ót bị bụi rơi vào bán không ai mua. Cuộc sống chúng tôi đang bí bức, không lối thoát”, anh thở dài.

Nghèo khó

Nhà máy Long Phú 1 ở Trung tâm Điện lực Long Phú khởi công xây dựng ngày 5/1/2011, dự kiến phát điện năm 2014 nhưng nay phải kéo đến 2019. Chủ tịch UBND xã Long Đức, ông Trần Văn Thiện cho biết, giai đoạn 1 đã giải tỏa 207 ha, di dời 315 hộ dân. Đất giải tỏa chủ yếu trồng lúa cho năng suất cao hạng nhất tỉnh Sóc Trăng, còn lại trồng cây ăn trái, hoa màu và nuôi thủy sản.

“Người dân bao đời chỉ biết bám vào đất để sinh sống, nay vô khu tái định cư, không còn đất sản xuất nên cuộc sống có khó khăn”, ông Thiện thừa nhận.

“Nhưng được tái định cư cũng còn may, chứ hai thằng con của tui không được tái định cư phải đi ở đậu bên nhà vợ”, bà Nguyễn Thị Tím, 60 tuổi nói. Trước đây, bà ở ấp Thanh Đức, có 4 con thì con gái đi lấy chồng, hai con trai có vợ ở chung trong 8 công ruộng vườn. Khi giải tỏa, theo tiêu chuẩn do chính quyền và nhà đầu tư đưa ra, hai con trai bà không được cấp nền tái định cư. Chỉ bà và con trai út được cấp một nền tái định cư, tiền đền bù cả mồ mả tổ tiên đủ làm ngôi nhà cấp 4 mấy chục mét vuông.

“Nơi tái định cư có đất trồng sả nhưng mùa mưa xanh còn mùa nắng bị chết. Cuộc sống dựa vào tiền làm thợ hồ của thằng con bữa có bữa không”, bà kể.

Bà Tím 60 tuổi, trước căn nhà trống trơn ở khu tái định cư đầy cỏ dại

Trong 315 hộ bị giải tỏa chỉ có 120 hộ được cấp nền tái định cư. Mỗi nền 300 m2, không có đất sản xuất nên mở ra năm 2010 mà năm 2011 mới có người vào ở và đến nay, vỏn vẻn được 40 hộ. Những hộ khác phiêu bạt đi đâu, sinh sống thế nào, cán bộ xã không nắm được.

Lo lắng

Dạo này, ông Võ Phước Hạnh có thêm nghề chạy đò bao trên sông Hậu, do nhiều người muốn ngắm cảnh xây dựng NM Nhiệt điện Sông Hậu 1.

Nhà máy này hôm khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho cả Trung tâm Điện lực Sông Hậu, ngày 18/7/2010, tuyên bố phát điện cuối năm 2013 nhưng ậm ạch mãi và bây giờ dự kiến cuối năm 2019 mới phát. Khởi sự đầy trắc trở trong lời ca thán của người dân phải phá bỏ vườn cây ăn trái tốt tươi trên dải phù sa màu mỡ ven sông Hậu, nay 150 ha đất đã giải tỏa được bảo vệ nghiêm ngặt. Người ngoài muốn coi việc xây dựng phải bao đò ông Hạnh ra sông.

Sông Hậu cũng như cả mạng lưới sông ngòi ĐBSCL lắm cá tôm nhờ hệ sinh thái đa dạng ven bờ, nhiều loài thực vật tắm phù sa quanh năm nuôi dưỡng muôn loài động vật. Nay chỉ có bờ bê tông lạnh lùng, đa dạng sinh học đã biến mất.

Số phận bờ sông Hậu nơi này chẳng hiểu sao, gần NM Nhiệt điện Sông Hậu đặt luôn NM Giấy Lee&Man đang tai tiếng với nguy cơ hủy hoại môi trường nước. Hai nhà máy cách nhau đúng cái chợ thị trấn Mái Dầm nhỏ bé. Nhà máy Giấy Lee&Man trải dài theo bờ sông cả cây số cũng đã được xây cầu cảng và kè bê tông. Thành ra, mấy cây số bờ sông Hậu đoạn này giờ trơ trọi kè bê tông phơi nắng, trên sông không thấy ghe thuyền đánh cá gì cả.

Ông Hạnh ngồi im lìm lái đò như vô cảm. Nhưng hỏi chuyện, khuôn mặt sạm đen gầy gò của ông hoạt bát hẳn. Ông kể rằng, chợ thị trấn Mái Dầm có từ lâu đời nhóm dọc bờ sông và gia đình ông cũng sống cố cựu ở đây. Cách nay dăm năm chợ được xây nhà lồng. Con gái của ông lớn lên đi làm công nhân, hai con trai còn đi học. Vợ chồng ông không có ruộng vườn, làm nghề chạy đò sinh sống. “Gần đây nghe tin nhà máy giấy sẽ làm ô nhiễm sông Hậu còn nhà máy điện sẽ làm ô nhiễm không khí, có thể chợ thị trấn Mái Dầm không tồn tại. Chúng tôi đang lo lắm, không biết rồi đi đâu, làm gì sinh sống?”, ông Hạnh thở dài.

Chủ tịch UBND xã Dân Thành, ông Đào Văn Chính, cho biết xã đã giải tỏa hơn 553 ha đất, di dời hơn 500 hộ dân cho Trung tâm Điện lực Duyên Hải. Kinh tế của xã trước đây nuôi trồng thủy sản và làm muối là chính, nay chuyển sang thương mại-dịch vụ-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng. Trước mắt, dịch vụ phát triển với hàng nghìn phòng trọ nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đặt ra rất bức xúc. Gồm ô nhiễm không khí, nguồn nước và tiếng ồn mỗi khi nhà máy chạy thử.

SÁU NGHỆ

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/song-bat-an-duoi-lan-khoi-bui-dien-than-cua-cac-nha-may-post173015.html