'Sơn Trà sẽ là điểm đến độc nhất vô nhị trên thế giới'

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho rằng nếu Đà Nẵng giữ được Sơn Trà hoang dã bên cạnh một thành phố hiện đại sẽ là điểm đến độc nhất vô nhị trên thế giới.

Chiều 15/7, tại hội thảo Bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, phần tham luận với chủ đề: "Để Sơn Trà trở thành điểm đến du lịch độc đáo" của ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng, thu hút sự chú ý của hàng trăm đại biểu tham dự.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng trình bày giải pháp tại hội thảo. Ảnh: Giáp Hồ.

Điểm đến độc nhất vô nhị trên thế giới

Ông Vinh cho rằng, nếu chọn chiến lược quy hoạch Sơn Trà với mật độ xây dựng cao, nhiều khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí... sẽ đánh đổi hệ sinh thái Sơn Trà, sẽ đưa Voọc chà vá chân nâu vào danh sách tuyệt chủng, phá hủy hệ sinh thái. Môi trường bị tàn phá, thiên nhiên không còn nguyên vẹn, rừng nguyên sinh khó phục hồi, ô nhiễm tiếng ồn, chất thải, ánh sáng đe dọa tới môi trường sống Voọc chà vá và động thực vật.

Đồng thời, khai thác du lịch quá mức, Sơn Trà sẽ mất đi vẻ đẹp vốn có, mất đi lợi thế cạnh tranh, không thể thu hút khách trong dài hạn.

Theo ông Vinh, cần có chiến lược giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà, quản lý đa dạng tự nhiên theo  phương thức bền vững để biến Sơn Trà thành điểm tham quan, du lịch sinh thái, tìm hiểu thiên nhiên, rạn san hô, đồng thời bảo tồn được thiên nhiên hoang dã với một nét riêng Sơn Trà cho Đà Nẵng.

Theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, du khách đến Đà Nẵng khám phá Sơn Trà có thể sẽ nghỉ tại thành phố, như vậy sẽ đảm bảo lợi ích kinh tế cho toàn cộng đồng.

Đà Nẵng giữ được Sơn Trà hoang dã bên cạnh một thành phố hiện đại sẽ là điểm đến độc nhất vô nhị trên thế giới. Sơn Trà sẽ góp phần hấp dẫn du khách từ khắp nơi và làm cho đời sống cộng đồng trở nên sung túc hơn, thu nhập của thành phố tăng trưởng bền vững hơn.

Bài toán khó bao nhiêu vẫn giải được

Bên lề hội thảo, ông Trương Trọng Nghĩa, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhấn mạnh ở Việt Nam có những di sản thiên nhiên cực kỳ quý báu, mất đi không thể tái tạo lại được, trong đó có Sơn Trà.

Theo ông Nghĩa, nhất thiết không cho phép xây dựng thêm và phải thay đổi cách phát triển du lịch đối với bán đảo Sơn Trà. Các cấp chính quyền cần tăng cường hơn nữa tài lực, vật lực và quy định pháp lý để bảo vệ Sơn Trà hiệu quả, chặt chẽ hơn.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng doanh nghiệp chịu hy sinh cho Sơn Trà sẽ được không ít người dân yêu mến. Ảnh: Hồ Giáp.

Cho rằng việc thu hồi các dự án đã được cấp phép ở bán đảo Sơn Trà là một bài toán khó, song ông Nghĩa tin rằng dựa trên cơ sở pháp lý, cùng sự quan tâm của dư luận, Chính phủ, Quốc hội... bài toán khó bao nhiêu vẫn giải được.

"Tôi từng có ý kiến rõ ràng ở các kỳ họp rằng cái gì trái phép thì phải dẹp, phải xử lý và trừng trị nếu vi phạm trầm trọng. Những gì hợp quy trình, hợp pháp nhưng bây giờ không hợp lý, không có lợi nữa thì phải cùng nhau tìm giải pháp để đáp ứng lợi ích của các bên", ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, với giải pháp hợp lý mà có thiệt hại thì phải bàn cách cùng nhau chia sẻ. Cần vận động các doanh nghiệp chịu thiệt hại để họ thấy rằng hy sinh một phần nào đó cho Sơn Trà là một phần vinh dự của họ - ông Nghĩa nói và cho rằng nếu làm như vậy nhà đầu tư sẽ được người dân yêu mến.

Khu vực 40 móng biệt thự ở bán đảo Sơn Trà thuộc Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa đã bị tạm ngừng thi công. Ảnh: Đắc Đức.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Tiến sĩ Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận các ý kiến, giải pháp có trách nhiệm của các nhà khoa học và đại biểu liên quan đến bảo tồn và phát triển sinh thái ở bán đảo Sơn Trà.

Theo bà Nhàn, Sơn Trà là khu vực giàu có về đa dạng sinh học nên cần phát huy những lợi thế về sinh thái ở đây. “Chúng tôi rất chia sẻ và đồng tình với các nhà khoa học là bảo tồn để phát triển kinh tế và khi phát triển kinh tế thì phải quay lại, có trách nhiệm bảo tồn”.

Tiến sĩ Hoàng Thị Thanh Nhàn đề nghị lãnh đạo Đà Nẵng cần thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, các tổ chức môi trường để có giải pháp phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà.

“Trong quá trình quy hoạch để phát triển phải thực hiện theo đúng quy định của luật đa dạng sinh học. Phải xác định rõ mục tiêu ưu tiên số một là bảo tồn đa dạng sinh học. Trên cơ sở mục tiêu ấy, chúng ta mới có thể phát huy những lợi thế của địa phương”, bà Nhàn nói và cho hay với địa giới, diện tích của Sơn Trà hiện nay hoàn toàn có thể thành lập được khu bảo tồn thiên nhiên để quản lý hiệu quả hơn.

Sơn Trà là tài sản chung của dân tộc chứ không riêng Đà Nẵng

Phát biểu tại hội thảo, đại biểu Nguyễn Chí Thành đề xuất các nhà quản lý nên tính đến chuyện hình thành Khu bảo tồn Đa dạng sinh học ở bán đảo Sơn Trà để công tác bảo vệ hệ động thực vực quả hơn, tránh sự xâm hại của nhiều tác động không tốt từ bên ngoài đến tự nhiên, cảnh quan của Sơn Trà.

"Giữ lấy Sơn Trà không chỉ là trách nhiệm của Đà Nẵng mà là trách nhiệm của mỗi một người dân Việt Nam. Bởi Sơn Trà là tài sản chung của dân tộc chứ không riêng gì của TP Đà Nẵng”, ông Thành nói.

Đắc Đức - Giáp Hồ

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/son-tra-se-la-diem-den-doc-nhat-vo-nhi-tren-the-gioi-post763283.html