Son hữu cơ khó thâm nhập thị trường Việt

Dùng mỹ phẩm hữu cơ để vừa làm đẹp vừa đảm bảo sức khỏe đang là xu hướng tiêu dùng mới. Nắm được điều đó, nhiều công ty Việt Nam đã tung ra các dòng mỹ phẩm hữu cơ, cam kết hữu cơ. Nhưng việc tiêu thụ khá khó khăn, ngay cả mỹ phẩm hữu cơ nhập khẩu từ nước ngoài cũng trầy trật “tìm đường sống” trên thị trường.

Khan hiếm thông tin

Son hữu cơ cũng như mỹ phẩm hữu cơ rất khó bán là nhận định chung của nhiều người kinh doanh mỹ phẩm ở Việt Nam. Không phải vì chất lượng không tốt mà do người tiêu dùng còn thiếu thông tin về loại mỹ phẩm này. Họ không biết mỹ phẩm hữu cơ là gì, tác dụng, ưu điểm của chúng so với mỹ phẩm vô cơ hiện có ra sao.

Dù không phải nguyên nhân chính nhưng sự thiếu phổ biến, ít thông dụng là nguyên nhân đầu tiên khiến mỹ phẩm hữu cơ khó thâm nhập và dành được thị phần ở thị trường mỹ phẩm Việt Nam. “Người dùng thích các sản phẩm có thương hiệu hơn. Trong khi đó sản phẩm hữu cơ chưa phổ biến và thông dụng, thông tin về nó còn rất hạn chế khiến việc tiêu thụ khó khăn” – chị Thái Thu Quỳnh, chủ một cửa hàng buôn bán mỹ phẩm hữu cơ Nga ở Trần Cung (Cổ Nhuế) chia sẻ.

Son hữu cơ vẫn là khái niệm mới với nhiều người

Riêng về son môi, hầu hết người tiêu dùng chỉ biết đến những dòng sản phẩm cao cấp, các thương hiệu nổi tiếng như: Tom Ford, Chanel, Dior, Christian Louboutin, Lancôme, YSL, MAC… Thậm chí có người còn chưa nghe thấy từ “son hữu cơ” bao giờ. Tôi đã từng đăng trên facebook hỏi mọi người chỗ bán son hữu cơ, có người chỉ sang Yves Rocher, Nature Republic… đều là những thương hiệu mỹ phẩm từ thiên nhiên. Cũng không ít người hỏi: “Son hữu cơ là gì thế?”.

Vì chưa tiếp cận được với lượng lớn khách hàng nên việc buôn bán mỹ phẩm hữu cơ vẫn rất ì ạch. Chị Quỳnh cho biết, cách đây hơn 1 năm khi nhập hàng Natura Siberica (là thương hiệu mỹ phẩm hữu cơ Nga) về Việt Nam, chị rất hy vọng việc buôn bán sẽ tốt, vì dòng sản phẩm này có những tính năng ưu việt so với mỹ phẩm vô cơ mà giá không quá cao. Hơn nữa khảo sát ở khu vực gần nhà và một số điểm bán mỹ phẩm ở Hà Nội, chưa có nhiều cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm hữu cơ nên chị đặt rất nhiều hy vọng vào cửa hàng của mình. Nhưng thời gian đầu, gần như chỉ có người quen mua ủng hộ và một số ít khách bên ngoài. Đến bây giờ, quy mô buôn bán chưa được mở rộng nhiều so với trước và hàng vẫn khá khó bán.

Không chỉ khan hiếm thông tin, nhiều khi son hữu cơ còn bị đánh đồng, hiểu nhầm là son thiên nhiên hoặc có nguồn gốc từ thiên nhiên khiến người tiêu dùng chưa có nhận thức đúng đắn cũng là nguyên nhân khiến son khó đến được với khách hàng.

Vừa xuất hiện ở Việt Nam khoảng 1 năm nay nên son hữu cơ được coi là mặt hàng mới trong khi với thế giới thì nó chẳng xa lạ gì. Chị Phan Thùy Linh (chủ một cửa hàng nhập khẩu mỹ phẩm hữu cơ châu Âu ở Hoàng Hoa Thám) cho rằng, khó khăn nhất vẫn là nguồn thông tin hạn hẹp khiến người tiêu dùng Việt Nam chưa có nhận thức cao về mỹ phẩm hữu cơ. Chị Linh nhận định: “Vấn đề quan trọng nhất vẫn là thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Đó là thử thách bắt buộc người bán hàng phải vượt qua để chứng minh cho khách hàng của mình tại sao son này tốt và nên sử dụng nó”.

Để đưa một thương hiệu về Việt Nam hoặc thay đổi thói quen tiêu dùng không phải điều đơn giản. Không riêng gì mỹ phẩm, để phát triển một mặt hàng mới, thương hiệu mới có trên thị trường là rất khó. Phần vì thương hiệu chưa đủ lớn, phần vì thông tin sản phẩm vẫn chưa đến được với nguồn khách hàng tiềm năng.

Son hữu cơ vẫn có hạn chế

Son hữu cơ khó cạnh tranh về độ phong phú màu sắc so với son cao cấp

Với một sản phẩm làm đẹp thì phải đáp ứng được nhu cầu đa dạng và luôn biến đổi của người tiêu dùng, nghĩa là chạy theo mẫu mã, thị hiếu. Nhưng son hữu cơ lại hướng đến sự an toàn cho da, sức khỏe người tiêu dùng và coi đây là mục tiêu quan trọng nhất. Nên ở giai đoạn bước đầu, các hãng mỹ phẩm hữu cơ chưa lôi kéo được nhiều người tiêu dùng vốn đã quen với sự phong phú của son thông thường.

Theo chị Linh: “Tôi nghĩ, do son hữu cơ phát triển sau nên công nghệ chưa thể đáp ứng được cả sự an toàn và phong phú về màu sắc so với nhiều dòng son cao cấp đã có từ lâu”. Cụ thể, độ bám giữ và lên màu của son hữu cơ còn hạn chế hơn dòng sao cao cấp như: M.A.C, Chanel hay Dior. “Nhưng ở mức tương đối, màu sắc của son hữu cơ khi tô lên môi chấp nhận được, lại an toàn. So với các dòng son bình dân thì son hữu cơ hơn cả về độ an toàn và đa dạng màu” – chị Linh nói thêm.

Đây cũng là nguyên nhân khiến việc kinh doanh mỹ phẩm hữu cơ của chị Quỳnh còn gặp nhiều khó khăn. Chị Quỳnh lý giải: “Son hữu cơ thường là son dưỡng hoặc có màu nude, khi lên môi không sắc nét như các loại mỹ phẩm thông thường. Vì không hợp với tiêu chí người dùng nên khó bán”.

Son hữu cơ không bền màu như các loại son khác

Không riêng gì son hữu cơ, son thiên nhiên, được làm từ thiên nhiên cũng gặp tình trạng tương tự. Hiện tại, ở Việt Nam chưa có nhãn hàng nào sản xuất son hữu cơ, mới chỉ là dòng sản phẩm thiên nhiên, tiêu biểu như: Cocochery, Cocosavon… Nhưng những thương hiệu này vẫn còn rất lu mờ và chưa định vị được mình trên thị trường mỹ phẩm. Dường như những đợt vận động “Người Việt dùng hàng Việt” chưa thực sự hiệu quả vì người tiêu dùng chưa thể kể tên, biết đến các thương hiệu Việt sản xuất mỹ phẩm thiên nhiên dù chúng đã ra đời được khá nhiều năm.

Anh Hoàng Tuấn (Quản lý văn phòng đại diện Cocosavon miền Bắc) chia sẻ: “Công ty tôi chuyên về xà bông thiên nhiên, mới phát triển son thiên nhiên được 1 năm nhưng rất khó khăn. Ban đầu chúng tôi bán theo kiểu truyền thống, ký gửi hàng ở các đại lý nhưng họ cũng rất dè chừng vì sản phẩm chưa có thương hiệu. Lý do nữa, cứ là mỹ phẩm của Việt Nam lại càng khó bán vì tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng. Vì thế, thương hiệu son Việt Nam còn thua cả son Thái trong khi chất lượng có thể ngang bằng”.

Hiện tại Cocosavon mới chỉ đưa ra thị trường 1 loại son lì thiên nhiên, gồm 9 màu sắc. Chính anh Tuấn cũng thừa nhận đây là con số khác ít ỏi: “Do số lượng màu hạn chế nên nói về sự phong phú màu sắc, son thiên nhiên gần như không cạnh tranh được”.

Bị son handmade, son giá rẻ “đè bẹp”

Nguyên nhân khác khiến son hữu cơ dù có những ưu điểm vượt trội nhưng vẫn khó chiếm lĩnh và tạo được chỗ đứng trên thị trường Việt là do sự áp đảo của nhiều loại son handmade/homemade, son giá rẻ khác. “Son hữu cơ hay son thiên nhiên phải cạnh tranh rất nhiều với son handmade vì son handmade có giá rẻ hơn nhiều” – anh Tuấn nhận định.

Trừ son handmade, các loại son tổng hợp, vô cơ, hữu cơ hay thiên nhiên đều có các phân khúc: bình dân và cao cấp. Vì vậy, một thỏi son hãng có thể có giá từ 200.000 – 300.000 đồng đến vài triệu, tùy chất lượng, phân khúc của son.

Một quảng cáo son handmade trên facebook chỉ 30.000 đồng. Ảnh chụp màn hình.

Không ngạc nhiên khi son handmade luôn dẫn đầu và gần như ở thế độc tôn trong phân khúc son giá rẻ. Trong nhiều trường hợp, son bình dân cũng phải tìm cách chiến đấu với son handmade vì nó được quảng cáo hiệu quả bám màu, lên màu không thua kém son hãng mà giá rẻ hơn nhiều lần. Son handmade (son dưỡng và son màu) được ra bán trên facebook có giá từ 30.000 – 300.000 đồng.

Son handmade được quảng cáo là 100% thiên nhiên hoặc hữu cơ. Ảnh chụp màn hình

Son handmade là son được làm thủ công, người làm hoàn toàn chủ động chọn nguồn nguyên liệu và cách điều chế. Nhưng người tiêu dùng cần phân biệt rõ, son handmade không thể là son hữu cơ/thiên nhiên dù 100% thành phần nguyên liệu là hữu cơ/thiên nhiên. Nhưng do chưa cập nhật được thông tin đầy đủ, khách hàng có thể bị nhầm lẫn và cho rằng son handemade hữu cơ cũng có giá trị sử dụng như son hữu cơ.

Vì mỹ phẩm hữu cơ ngoài đảm bảo nguyên liệu tiêu chuẩn cần trải qua quy trình sản xuất nghiêm ngặt với trang thiết bị hiện đại, đảm bảo chất lượng. Nếu chặt chẽ hơn, mỹ phẩm hữu cơ còn phải được cấp giấy công nhận của một đơn vị, tổ chức hữu cơ tiêu chuẩn nào đó như Ecocert, USDA, AB…

Son handmade được ưa chuộng vì giá rẻ

Sự hiểu lầm này sẽ tiếp tục dẫn đến sự hiểu lầm khác. Nếu son handmade vẫn phát triển ồ ạt à mượn danh “hữu cơ”, “thiên nhiên” thì những người tiêu dùng chưa hiểu gì về son hữu cơ có thể nghi ngờ chất lượng son hữu cơ và cho rằng son hữu cơ chẳng khác nào son handmade, không đáng tin cậy. Vậy là rào cản chồng rào cản, son hữu cơ sẽ càng khó “làm quen” với thị trường tiêu dùng Việt Nam.

Tuy nhiên, chị Linh không cho rằng son handmade là cản trở lớn đối với son hữu cơ khi muốn tham gia vào thị trường Việt Nam. Chị nói: “Tôi không nghĩ là những thương hiệu son hữu cơ ở nước ngoài sẽ khó cạnh tranh trong nước, đặc biệt với các cơ sở sản xuất son handmade có giá rẻ hơn. Tại vì mỗi bên đều sẽ có đối tượng khách hàng của mình. Thị trường rất rộng, có những người tin vào son handmade thì cũng có những người chỉ tin vào một thỏi son được chứng nhận tiêu chuẩn riêng. Đến ngày nhận thức của người tiêu dùng nâng cao lên thì họ sẽ biết mình cần và nên chọn gì. Còn với son hữu cơ, tôi nghĩ nó vẫn luôn có cơ hội vì người dân đang dần chú trọng, quan tâm đến sức khỏe của mình. Hiện trạng bây giờ ung thư quá nhiều. Đó là những cái dễ làm cho người ta phải trăn trở”.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/kinh-te-kinh-doanh/son-huu-co-kho-tham-nhap-thi-truong-viet