Sơn ca của núi rừng Xứ Lạng

Nghệ sĩ ưu tú Triệu Thủy Tiên, dân tộc Nùng (trú tại phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn), người trưởng thành từ hát then, đàn tính đã có nhiều đóng góp cho sự bảo tồn và phát huy các làn điệu hát then của các dân tộc Tày, Nùng,... trên quê hương Xứ Lạng.

 Nghệ sĩ ưu tú Triệu Thủy Tiên.

Nghệ sĩ ưu tú Triệu Thủy Tiên.

Nghệ sĩ ưu tú Triệu Thủy Tiên tâm sự, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tân Văn (Bình Gia), gần 100% là bà con dân tộc Nùng, nơi được coi là “cái nôi” hát then của Xứ Lạng. Vì vậy, chị được thừa hưởng những làn điệu hát then, sli, lượn, phong slư... và những ngón đàn điêu luyện từ bà nội và các nghệ nhân hát then ở vùng sơn cước này. Thế rồi như duyên phận đã định, mới tốt nghiệp phổ thông chị đã may mắn được tuyển chọn vào làm ở đoàn văn công nghệ thuật của tỉnh.

Trong câu chuyện, nhà thơ dân tộc Nùng, Mã Thế Vinh nhớ lại: vào những năm 1971, ông là Trưởng đoàn văn công nghệ thuật tỉnh đến xã Tân Văn (Bình Gia), tuyển chọn “những hạt giống đỏ” cho đoàn nghệ thuật, tình cờ phát hiện ra cô bé Thủy Tiên, có chất giọng đặc biệt, có thể bồi dưỡng trở thành diễn viên ca múa nhạc của tỉnh. Từ đó, cô bé Thủy Tiên rời làng bản, đến với đoàn văn công của tỉnh, rồi được cử đi học ở Trường âm nhạc Việt Nam... để rồi suốt những năm tháng công tác đã qua, Triệu Thủy Tiên đã gắn bó cả cuộc đời mình với Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc tỉnh Lạng Sơn cho đến khi nghỉ hưu và trở thành một trong những nghệ sĩ đầu tiên của tỉnh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Nhớ lại những kỷ niệm, nghệ sĩ ưu tú Triệu Thủy Tiên kể: Vào năm 1982, lần đầu tiên mình được Đoàn nghệ thuật cử tham gia liên hoan ca múa nhạc toàn quốc, với cây đàn tính, mình đã đạt giải huy chương bạc với bài hát then: “Lạng Sơn quê em”. Đến năm 1985, mình lại được tham gia Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc và đã giành được huy chương vàng với bài hát “Xứ Lạng anh hùng”, sáng tác của Lý Hải. Rồi đến năm 1987, lại một lần nữa đạt giải người hát hay nhất trong cuộc thi “Hát đơn ca, chuyên nghiệp dòng dân gian toàn quốc” với bài “Xứ Lạng nên thơ”, phỏng theo làn điệu then Nùng, sáng tác của Phan Lân.

Qua các hội diễn cấp khu vực và toàn quốc, Triệu Thủy Tiên luôn đem về nhiều giải thưởng cho đoàn nghệ thuật ca múa nhạc của tỉnh. Vì vậy, trong những năm công tác chị luôn được tập thể tín nhiệm bầu giữ các nhiệm vụ: Trưởng Đoàn ca múa nhạc các dân tộc tỉnh, Hiệu trưởng Trường văn hóa nghệ thuật tỉnh... Ở nhiệm vụ nào chị cũng hoàn thành xuất sắc, cùng với tập thể chỉ đạo, định hướng, khẳng định được vị trí vai trò của đoàn nghệ thuật tỉnh, trở thành đoàn nghệ thuật ca múa nhạc mạnh nhất ở các tỉnh miền núi phía đông-bắc.

Không chỉ tham gia đạt giải cao trong các hội diễn, đoàn nghệ thuật ca múa nhạc của tỉnh trong những năm qua còn đem lời ca tiếng hát đến với bà con các dân tộc ở mọi vùng quê trong tỉnh. Nghệ sĩ ưu tú Triệu Thủy Tiên giãi bày: Mỗi lần được cùng chị em trong đoàn văn công mang cây đàn tính và lời hát then đến mọi miền quê, hát cho bà con nghe mình lại càng đam mê, yêu quý những làn điệu then, sli, lượn... mà tổ tiên mình đã truyền lại. Đặc biệt là được hát then vào những ngày trọng đại của xã, làng bản, lễ hội Lồng Tòng (xuống đồng); hoặc khi mỗi gia đình có việc vui như: mừng nhà mới, lẩu then, mừng sinh nhật... là bà con trong bản kéo đến nghe say sưa hết đêm này sang đêm khác mà không thấy chán.

Hát then sở dĩ được quần chúng yêu thích bởi âm thanh, làn điệu của nó hết sức phong phú. Nếu hát sli, lượn là làn điệu dân ca giao duyên chỉ có lời thì hát then là hình thức nghệ thuật tổng hợp: có lời, có nhạc, có hóa trang, có biểu diễn... Đặc biệt là âm thanh của làn điệu then khi réo rắt, khi du dương, khi nhịp nhàng, thanh thản; khi rộn rã, vui tươi, khi thì thầm như tiếng suối gọi, khắc khoải như những nỗi ngóng chờ... Nên khi nghe tiếng hát then bà con dân tộc Tày, Nùng từng ví: “Ké quả tàng nghìn tiểng lượn then; Mừa lừa táng piến pền bao ón”, tạm dịch: “Già qua đường nghe tiếng lượn then; Về nhà như biến thành trai trẻ”.

Nghệ sĩ ưu tú Triệu Thủy Tiên giới thiệu cây đàn tính với Nhà thơ dân tộc Nùng Mã Thế Vinh.

Người Tày còn có câu tục ngữ: "Đàn tính ba năm, kéo nhị ba buổi", với hàm ý, nghe một lần kéo nhị chỉ nhớ ba ngày; còn nghe một lần đàn tính, hát then, thì nhớ đến ba năm... Lời then vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt rũa; vừa là những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu, như lời ăn tiếng nói hằng ngày; vừa là lời khuyên răn, khích lệ; vừa là những kinh nghiệm quý báu về đối nhân xử thế... Cho nên nghe tiếng đàn tính, nghe tiếng hát then của nàng then, người ta cứ thấy trong đó có một cuộc sống của mình.

Nhưng kỳ lạ thay, cây đàn tính đã từng làm rung động cõi lòng ấy có cấu tạo rất đơn giản, mộc mạc. Thân đàn là một đoạn gỗ dâu, đẽo gọt sơ sài, hộp đàn là một quả bầu khô, rỗng; dây đàn là những sợi tơ tằm bện lại, mỏng manh nhưng bền chặt. Người ta gọi đàn tính là đàn then. Then là từ biến âm của chữ Thiên (tức Trời). Đàn then là đàn trời cho!. Các bà bụt (người chuyên sử dụng đàn then vào việc cúng lễ) loan truyền: Trong một giấc mơ vàng, họ được Thánh ban cho cây đàn Trời và dạy cho các bài hát then. Do đó hát then, đàn tính mới có sức lôi cuốn kỳ lạ đến như vậy. Cố nhà thơ Nông Quốc Chấn, cách đây gần nửa thế kỷ có bài thơ: "Chiếc đàn tính và tiếng hát người nghệ sĩ mù” (bài thơ tặng nghệ sĩ mù Linh Văn Moọng, quê ở Văn Quan, Lạng Sơn), đã từng thốt lên:

"Dây vải hay dây tơ!

Tiếng đàn tính lọt vào tai vào ruột

Tiếng vang lên ngọn cây, đỉnh núi cao cao vút.

Vượn trố mắt nhìn trượt chân ngã, quên con

Chim trong tổ bay ra ngơ ngác bồn chồn,

Ve đậu trên cành hoa im tiếng.

Trai gái đi, hát cười vang bỗng đứng

Bảo nhau nghe im lặng, bảo nhau nghe

Có bùa chăng! Dây tính hỡi si mê

Mười hai vía trong người tôi tỉnh dậy..."

Chính sự đam mê với sự lôi cuốn kỳ lạ của cây đàn tính và lời hát then nên dù đã về nghỉ chế độ gần chín năm nay, nhưng hầu như ngày nào nghệ sĩ ưu tú Triệu Thủy Tiên vẫn bận rộn, tất bật với những ngày đi truyền dạy kỹ năng hát then, đàn tính ở các câu lạc bộ trong tỉnh và các tỉnh bạn như: huyện Sơn Động (Bắc Giang), Na Rì (Bắc Cạn).

Xuất phát từ nhu cầu đòi hỏi của quần chúng năm 2009, Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh Lạng Sơn đã quyết định thành lập Câu lạc bộ đàn và hát dân ca, Nghệ sĩ ưu tú Triệu Thủy Tiên lại đứng ra đảm nhiệm làm chủ nhiệm câu lạc bộ. Lúc đầu chỉ có 12 người yêu thích hát then, đàn tính tham gia, nhưng đến nay câu lạch bộ đã lôi cuốn hơn 200 hội viên, quy tập mọi lứa tuổi, trẻ nhất là 16, người cao tuổi nhất là 76 tuổi, đủ mọi thành phần dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Kinh... ở tất cả các phường, xã trong thành phố Lạng Sơn.

Câu lạc bộ đàn và hát dân ca của tỉnh ra đời đã làm trụ cột cho việc thành lập liên tiếp 10 câu lạc bộ ở các huyện, thành phố trong tỉnh. Câu lạc bộ các địa phương ra đời đã thu hút hàng nghìn người yêu thích những làn điệu dân ca then, sli, lượn… đáp ứng nhu cầu thưởng thức của đại bộ phận công chúng ở các khu dân cư, qua đó khơi dạy được phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở.

Các câu lạc bộ ở cơ sở thường xuyên được nghệ sĩ ưu tú Triệu Thủy Tiên đến mở các lớp truyền dạy kỹ năng đàn và hát then tại các nhà văn hóa thôn, bản, xã, phường, thị trấn. Nhờ có các câu lạc bộ hát then, đàn tính mà thời gian qua các địa phương trong tỉnh đã tổ chức các buổi giao lưu với nghệ sĩ trong các ngày hội, ngày lễ như: Ngày hội Toàn dân đoàn kết ở khu dân cư, ngày quốc phòng toàn dân... thu hút đông đảo bà con các dân tộc tham gia. Trong không khí của các ngày lễ hội, lời ca của các điệu múa, hát then hòa quyện rộn ràng làm say đắm lòng người, đưa đến cho người nghe, người xem những thẩm mỹ cao độ.

Trong những năm qua, với mong muốn gìn giữ, bảo tồn loại hình dân ca đặc sắc, đặc biệt là hát then, đàn tính, phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có nhiều khởi sắc. Tại nhiều địa phương từ các thôn bản, xã, phường, thị trấn, thậm chí ngay cả đến các trường phổ thông đều thành lập các tổ, đội văn hóa văn nghệ, câu lạc hát then, đàn tính của bà con các dân tộc. Nhiều nghệ sĩ chuyên và không chuyên ở mọi vùng quê đã đem cây đàn tính, lời then đến với các ngày lễ hội, hội diễn, liên hoan, giao lưu văn nghệ, đem lại nhiều giải thưởng cao. Tiếng hát ấy, điệu then ấy mãi mãi là tâm hồn người Xứ Lạng vô cùng độc đáo và hấp dẫn.

Thông qua các chuyến đi ở cơ sở, Nghệ sĩ ưu tú Triệu Thủy Tiên luôn đau đáu một nỗi niềm, chị Thủy Tiên cho biết: hiện nhiều làn điệu dân ca đặc biệt là các làn điệu then cổ đang có nguy cơ mai một, nhất là lớp trẻ bây giờ không muốn hát then, đàn tính bằng tiếng dân tộc mình, trong khi hầu hết các câu lạc bộ đều phải thực hiện ba tự: “Tự trang trải, tự quản và tự nguyện” . Nhằm góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, bản thân Nghệ sĩ ưu tú Triệu Thủy Tiên phải tự bỏ tiền lương ít ỏi để sưu tầm, biên soạn với hàng trăm bài ca về những làn điệu then cổ, những làn điệu sli, lượn, phong slư của các dân tộc Tày, Nùng... để gìn giữ cho thế hệ mai sau.

Bài, ảnh: HÙNG TRÁNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/vanhoa/dong-chay/item/24823502-son-ca-cua-nui-rung-xu-lang.html