Sớm xác minh làm rõ

Ông Trần Viết An, thường trú tại xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, quê quán: Xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam gửi đơn đến tòa soạn trình bày, ông là quân nhân bị thương trong kháng chiến, hiện không còn giấy tờ gốc, chưa được cơ quan chức năng lập hồ sơ giải quyết chế độ.

Trong đơn ông An có ghi: “Năm 1964, tôi nhập ngũ ngành công an, đến năm 1966 thì chuyển sang quân đội thuộc quân số của Đại đội 1, Tiểu đoàn 456, Trung đoàn 568, Sư đoàn 320, Bộ tư lệnh Miền. Năm 1970, tại Quảng Trị, tôi bị thương vào sống mũi, mắt trái và chấn thương cột sống, não bộ. Tháng 4-1977, tôi được phục viên, chưa được nhận sổ thương binh. Tháng 5-1977, tôi chuyển ngành công an ở TP Việt Trì. Tháng 11-1979, tôi lại chuyển sang Sư đoàn 600, Quân khu 7, là công nhân viên quốc phòng. Năm 1981, tôi được nhận sổ thương binh, hạng 3/8. Năm 1982, sư đoàn giải thể và trước khi giải thể đã tổ chức giám định lại sức khỏe cho anh em thương binh. Khi hồ sơ đang lưu tại Phòng Bảo mật của sư đoàn thì bị cháy. Từ đó đến nay, tôi không có hồ sơ để hưởng chế độ thương binh”.

Gửi kèm đơn, ông An còn có giấy xác nhận viết năm 2003 của Đại tá Trần Quang Xuân, 87 tuổi, ở số 4 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh, nguyên Chủ nhiệm Chính trị của Sư đoàn 600: “Tôi đang làm công tác chính sách thương binh, bệnh binh cho một số anh em đã có hồ sơ, trong đó có ông Trần Viết An bị thương để giám định tại sư đoàn… Tập hồ sơ đang lưu giữ tại nhà sư đoàn, trong đó có hồ sơ ông Trần Viết An thì bị cháy nên đình lại…”.

Ông An cũng cung cấp thêm Quyết định số 677/QĐ-BTL ngày 7-5-2017 của Bộ tư lệnh Quân khu 7 về việc được hưởng chế độ trợ cấp một lần với đối tượng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg ngày 27-10-2008 với 13 năm 4 tháng trong quân đội.

Theo ông Trần Viết An: “Điều 6, Thông tư 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22-10-2013 quy định việc đã được hưởng chế độ theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg là một trong những căn cứ chứng minh quá trình tham gia kháng chiến của thương binh không còn giấy tờ gốc. Trên mặt tôi hiện nay còn sẹo, trí não lúc nhớ lúc quên là vết thương thực thể làm căn cứ chứng minh bị thương trong chiến đấu theo Điểm c, khoản 2 Điều 6 của thông tư này. Vậy tại sao Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai không lập biên bản kiểm tra vết thương thực thể theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 của thông tư để lập hồ sơ giải quyết chế độ thương binh cho tôi?”.

Xin chuyển câu hỏi trên đến Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai xem xét, xác minh trên cơ sở đó trả lời để ông Trần Viết An được rõ.

HÀ PHƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/som-xac-minh-lam-ro-511073