Sớm trình UNESCO công nhận đàn bầu là di sản văn hóa Việt Nam

GD&TĐ - Cây đàn bầu Việt Nam không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người Việt, cũng như trên sân khấu nghệ thuật truyền thống và đương đại.

Trước xu thế giao lưu, hội nhập về âm nhạc hiện nay, có dư luận cho rằng, Việt Nam rất có thể sẽ mất chủ quyền đối với cây đàn bầu. Bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của đàn bầu - nhạc cụ truyền thống độc đáo của Việt Nam, đồng thời, khẳng định rõ ràng cây đàn bầu là của người Việt Nam là trăn trở của những người tâm huyết với nghệ thuật dân tộc.

Nghệ thuật truyền thống của người Việt

Tại Hội thảo về “Đàn bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa Việt Nam” do Viện Âm nhạc Việt Nam (Học viện Âm nhạc Quốc gia, Bộ VH-TT&DL) tổ chức vừa qua, PGS.TS Nguyễn Bình Định - Viện trưởng Viện Âm nhạc - cho biết:

“Trong số các đàn một dây trên thế giới, đàn bầu Việt Nam được đánh giá rất đặc sắc, độc đáo bởi đây là đàn duy nhất phát ra âm thanh là âm bồi; chỉ có một dây, không có phím bấm nhưng có thể chơi được tất cả các cao độ; có khả năng trình diễn tất cả các kỹ thuật rung, nhấn, đặc biệt là các dạng luyến láy, tô điểm âm khác nhau nên rất phù hợp với kiểu giai điệu âm nhạc có nhiều âm hoa mỹ, luyến láy của Việt Nam”.

Ông Định khẳng định, dù đến nay chưa có đủ cứ liệu xác định chính xác đàn bầu có từ bao giờ, nhưng có thể khẳng định đàn bầu là nhạc cụ bản địa của người Việt đã có từ lâu đời, ít nhất cũng phải có trước thế kỷ 19.

“Nhiều người nước ngoài ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ đã cho rằng, họ hiểu con người Việt Nam, đất nước Việt Nam qua tiếng đàn bầu.

Nếu chọn ra một cây đàn đại diện cho nhạc cụ dân tộc Việt Nam, có khả năng giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam chắc chắn chúng ta sẽ chọn đàn bầu” - Ông Định nói.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - cũng khẳng định: “Đàn bầu là nhạc cụ cổ truyền của dân tộc Việt Nam, với cách xây dựng, cách làm đàn từ chất liệu rất dân tộc, xuất tích đàn bầu gắn liền với đời sống nông thôn Việt Nam.

Những tác phẩm để đàn bầu thể hiện cũng là nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, điều này không thể phủ nhận được. Đây là nhạc cụ độc nhất vô nhị khu vực châu Á. Ai cũng nói Việt Nam là đất nước của đàn bầu”.

Sớm khẳng định quyền sở hữu

NSND Thanh Tâm, người nhiều năm giảng dạy và biểu diễn về đàn bầu chia sẻ rằng, đàn bầu đã có vị trí rất quan trọng trong đời sống âm nhạc Việt Nam.

Tuy nhiên, gần đây có dư luận cho rằng Việt Nam rất có thể sẽ mất chủ quyền đối với cây đàn bầu. Nguyên nhân chính là do các thông tin đưa đến là tại vùng Quảng Tây (Trung Quốc), người ta đã đưa đàn bầu vào giảng dạy trong một số trường phổ thông; còn tại Trường Đại học dân tộc tỉnh này có phân khoa đàn bầu.

Theo đó, một số học giả Trung Quốc cố gắng tìm chứng cứ để cho rằng cây đàn bầu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vì thế, việc làm cần thiết lúc này theo NSND Thanh Tâm, đó là cần sớm thúc đẩy khẳng định giá trị, quyền sở hữu của Việt Nam với cây đàn bầu.

“Đã đến lúc chúng ta phải từng bước nhanh chóng lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận cây đàn bầu là một giá trị văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại của Việt Nam” - NSND Thanh Tâm nhấn mạnh.

GS.TS Trần Quang Hải cho rằng, Việt Nam phải nhanh chóng có những hành động “xác lập chủ quyền” đối với cây đàn bầu. Việc làm trước tiên là phải trình UNESCO nhìn nhận đàn bầu là di sản văn hóa của Việt Nam như đã từng làm đối với quan họ, ca trù, hát xoan Phú Thọ, đờn ca tài tử Nam Bộ...

Đây là việc làm khẩn cấp và phải làm ngay từ bây giờ để đánh dấu sự hiện hữu của nhạc cụ này trong nhạc dân tộc Việt Nam. Đồng thời kêu gọi những nhà nghiên cứu nhạc dân tộc tìm kiếm tài liệu qua thư tịch xưa để xác định nguồn gốc của đàn bầu, sự hiện diện của đàn bầu trong đời sống của cộng đồng người Việt.

GS. TS Tô Ngọc Thanh _ Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - nhấn mạnh: “Càng để lâu chúng ta càng có nguy cơ mất chủ quyền với cây đàn bầu của Việt Nam. Đây là chủ quyền văn hóa chúng ta cần phải bảo vệ”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/som-trinh-unesco-cong-nhan-dan-bau-la-di-san-van-hoa-viet-nam-2516556-b.html