Sớm trình QH dự án Luật Hành chính công đạt chất lượng

Đó là quyết tâm của Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công vừa ra mắt ngày 17/12 tại Hà Nội.

Theo đó, ngày 17/12, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 317/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập Ban soạn thảo Dự thảo Luật hành chính công.

Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Thị Quốc Khánh, Phó Tổng thư ký, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh, Thứ trưởng bộ Tư pháp Lê Tiến Châu đồng chủ trì Hội nghị.

Các thành viên Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh công bố Nghị quyết số 317/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 01/12/2016 về việc thành lập Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công. Theo đó, Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công gồm 27 người do Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh làm Trưởng Ban.

Ban soạn thảo có trách nhiệm tổ chức việc soạn thảo và chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ soạn thảo dự án Luật hành chính công để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật.

Theo kế hoạch xây dựng, dự án Luật hành chính công dự kiến trình Quốc hội lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV (dự kiến diễn ra vào tháng 10/2017).

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (áo trắng) làm Trưởng ban soạn thảo.

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban soạn thảo Trần Thị Quốc Khánh bày tỏ vui mừng, vinh dự trước sự ra đời của Ban soạn thảo. ĐB Khánh nhấn mạnh: “Trong bối cảnh xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ người dân như hiện nay thì việc triển khai Nghị quyết số 317/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng”.

Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh khẳng định: “Đây là dấu ấn trong công tác lập pháp của Quốc hội khi mà lần đầu tiên, ban soạn thảo dự án luật được thành lập trên cơ sở sáng kiến của một nữ đại biểu Quốc hội”.

Tuy nhiên, Phó Tổng thư ký Lê Bộ Lĩnh cũng cho rằng: “Dự án Luật hành chính công là dự án luật tương đối khó, phạm vi rộng, cần phải làm rõ phạm vi điều chỉnh, mối quan hệ với các luật hiện hành. Vì vậy, cần có sự tập trung, nỗ lực, phát huy tinh thần, trí tuệ của từng thành viên Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng luật”.

PGS.TS. Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí cho rằng: “Dự án luật được đề xuất nghiêm chỉnh, được chuẩn bị hết sức chu đáo thể hiện qua việc có các ý kiến đóng góp của nhiều bộ, ngành, địa phương. Đây là kết quả, quyết tâm của Chính phủ trong cải cách hành chính. Tôi tin tưởng dự án luật sẽ triển khai thuận lợi.

Thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương, thành viên ban soạn thảo phát biểu cho rằng: “Mục tiêu, mục đích của dự án luật là rất rõ ràng, đúng theo chủ trương của Đảng, Chính phủ để phát triển đất nước”.

Là thành viên Ban soạn thảo, ông Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh: “Tôi rất hoan nghênh dự án luật này. Tôi ủng hộ dự án luật vì chúng ta đã có quy định của pháp luật trong lĩnh vực này nhưng còn rải rác, chưa tập trung. Hy vọng dự án luật này sẽ có mũi tấn công mạnh của lĩnh vực quản lý Nhà nước vào lĩnh vực hành chính. Vấn đề kỷ luật cán bộ sai phạm đang được dư luận đặc biệt quan tâm, cần có những xử lý như thế nào thật mạnh mẽ, đảm bảo".

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam - một trong những người rất quan tâm đến những cải cách để phát triển doanh nghiệp đưa quan điểm ủng hộ dự án luật này và cho rằng: "Chính phủ kiến tạo trước hết phải quan tâm đến luật, kiểm soát được quyền lực và thúc đẩy được các hoạt động của Chính phủ. Vì thế, đây là dự luật rất quan trọng".

Tại Hội nghị, các thành viên Ban soạn thảo đã thảo luận, góp ý vào quy chế hoạt động của Ban soạn thảo, Kế hoạch xây dựng dự án Luật... Các ý kiến cũng cho rằng, cần lưu ý việc xây dựng Dự thảo Luật trước tiên phải xác định phạm vi điều chỉnh, chính sách pháp luật, bảo đảm quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tránh trùng lặp với các Luật khác và phải có đặc thù riêng.

Dương Thu

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/som-trinh-qh-du-an-luat-hanh-chinh-cong-dat-chat-luong-a309613.html