Sớm giải quyết vướng mắc trong dự án chợ Hiệp Hòa (Bắc Giang)

Thay vì vui mừng sẽ được chuyển về kinh doanh tại địa điểm mới sạch sẽ, khang trang hơn, hàng trăm tiểu thương ở chợ Hiệp Hòa (Bắc Giang) đang hoang mang, lo lắng trước nguy cơ không có chỗ bán hàng vì chợ cũ đã bị phá bỏ, trong khi chợ mới bị đình chỉ thi công do bất đồng quan điểm giữa chính quyền và chủ đầu tư.

Công trình chợ Hiệp Hòa đang bị đình chỉ thi công.

Công trình chợ Hiệp Hòa đang bị đình chỉ thi công.

Thay vì vui mừng sẽ được chuyển về kinh doanh tại địa điểm mới sạch sẽ, khang trang hơn, hàng trăm tiểu thương ở chợ Hiệp Hòa (Bắc Giang) đang hoang mang, lo lắng trước nguy cơ không có chỗ bán hàng vì chợ cũ đã bị phá bỏ, trong khi chợ mới bị đình chỉ thi công do bất đồng quan điểm giữa chính quyền và chủ đầu tư.

Thiếu thống nhất giữa chủ đầu tư và chính quyền

Chợ trung tâm Hiệp Hòa (thị trấn Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang) qua hàng chục năm hoạt động đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Năm 2012, UBND huyện Hiệp Hòa kêu gọi đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại trên diện tích đất khu chợ cũ. Tuy nhiên, sau đó dự án được chuyển thành “Chợ trung tâm huyện”, với quy mô chợ loại II. Năm 2015, Công ty TNHH Bất động sản đầu tư thương mại Hiệp Hòa (Công ty Hiệp Hòa) là liên danh giữa Công ty TNHH Một thành viên Hà Nam và Công ty TNHH nền móng Long Xuyên được chọn làm chủ đầu tư. Dự án thực hiện trên diện tích khoảng 5.600 m2, với 361 điểm kinh doanh, tổng mức đầu tư khoảng 65 tỷ đồng. Trong hồ sơ dự thầu, chủ đầu tư cam kết sử dụng một phần kinh phí để xây dựng chợ tạm; hỗ trợ địa phương cũng như ưu tiên các hộ kinh doanh tại chợ cũ được đấu giá thuê ki-ốt tại chợ mới. UBND huyện Hiệp Hòa có trách nhiệm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, hỗ trợ công tác tuyên truyền, vận động tiểu thương... nhằm bảo đảm tiến độ của dự án.

Dự án chợ loại II trung tâm huyện Hiệp Hòa được UBND tỉnh Bắc Giang chấp thuận tại Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư số 131/QĐ-UBND, ngày 3-3-2016. Ngày 22-7-2016, UBND tỉnh ra Quyết định số 431/QĐ-UBND về việc thu hồi đất xây dựng chợ để bàn giao cho Công ty Hiệp Hòa thuê với thời hạn 49 năm. Các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đã cấp giấy tờ cần thiết cho phép Công ty Hiệp Hòa thực hiện dự án vào cuối năm 2016. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, hồ sơ dự thầu, cam kết của chủ đầu tư..., UBND huyện Hiệp Hòa liên tục yêu cầu Công ty Hiệp Hòa ký hợp đồng đầu tư kinh doanh, khai thác và quản lý chợ; nộp khoản tiền hỗ trợ cho địa phương để thực hiện các nhiệm vụ liên quan việc di chuyển vào chợ tạm nhằm ổn định kinh doanh cho gần 300 tiểu thương. Tuy nhiên, Công ty Hiệp Hòa căn cứ Nghị định số 11/VBHN-BCT, ngày 23-1-2014, của Bộ Công thương về phát triển và quản lý chợ để không ký hợp đồng đầu tư kinh doanh, khai thác và quản lý chợ với UBND huyện Hiệp Hòa. Lãnh đạo công ty cũng không thực hiện những cam kết trong hồ sơ dự thầu cũng như một số văn bản khác đã ký với tỉnh Bắc Giang là ưu tiên các tiểu thương đã kinh doanh tại chợ Hiệp Hòa (cũ) được đấu giá thuê ki-ốt với mức giá do công ty xây dựng và có sự chấp thuận của UBND tỉnh...

Thời gian gần đây, khi công trình chợ Hiệp Hòa hoàn thành cơ bản phần thô, chủ đầu tư tự quy định và tổ chức bán ki-ốt với giá kinh doanh. Nhận được phản ánh của nhiều hộ dân, liên tiếp trong các tháng 3, 4, 5-2017, UBND huyện Hiệp Hòa tổ chức kiểm tra dự án và kết luận: Dự án chậm tiến độ; chủ đầu tư tự ý đưa mức giá quá cao, tổ chức đấu giá, bán và thu tiền ki-ốt không hợp lệ; một số hạng mục thi công sai thiết kế được phê duyệt; thi công một số hạng mục ngoài thiết kế không có giấy phép... Trên cơ sở đó, UBND huyện Hiệp Hòa quyết định đình chỉ thi công và có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang xử lý các vi phạm của chủ đầu tư theo quy định.

Đại diện Công ty Hiệp Hòa cho rằng, những quyết định và biện pháp thực hiện của chính quyền địa phương đối với dự án làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình, ảnh hưởng khả năng huy động tài chính của chủ đầu tư và uy tín của công ty.

Người dân chịu hậu quả

Theo thống kê của UBND huyện Hiệp Hòa, tổng số tiểu thương đã kinh doanh tại chợ Hiệp Hòa (cũ) là 261 hộ và tám hộ thuộc đất của Hợp tác xã dịch vụ thương mại Hiệp Hòa bị thu hồi để xây dựng chợ. Những hộ tiểu thương này sẽ được ưu tiên bốc thăm, thuê ki-ốt với giá do UBND tỉnh phê duyệt trên cơ sở Nghị định số 149/2016/NĐ-CP, ngày 11-11-2016 của Chính phủ về lập phương án giá cho thuê ki-ốt và Quyết định số 192/2012/QĐ-UBND, ngày 27-6-2012 của UBND tỉnh Bắc Giang về huy động vốn. Tuy nhiên, mức giá nhà đầu tư tự đặt ra là khá cao, nhiều tiểu thương không thể chi trả để được quyền kinh doanh. Nhiều người bức xúc khiếu nại tới lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho rằng UBND huyện Hiệp Hòa không thực hiện đúng cam kết với tiểu thương lúc vận động di chuyển sang chợ tạm, nhường đất cho dự án. Đồng thời đề nghị chính quyền làm rõ những vi phạm của chủ đầu tư đối với các nội dung liên quan.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc đưa ra mức giá thuê ki-ốt là quyết định của riêng Công ty Hiệp Hòa mà không thông qua chính quyền địa phương. Lý giải điều này, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hiệp Hòa Hà Văn Hải khẳng định: “Trên cơ sở những quyết định của tỉnh Bắc Giang, đây là dự án kinh doanh bất động sản, cho nên chúng tôi có quyền thực hiện theo Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản để xây dựng giá bán, thuê ki-ốt chứ không cần thông qua tỉnh, không cần đấu giá”.

Đối với những cam kết của công ty với UBND huyện Hiệp Hòa trong hồ sơ dự thầu, đại diện Công ty Hiệp Hòa cho rằng: “Cam kết không có giá trị pháp lý, công ty có thể thực hiện hoặc không”. Bằng tuyên bố này, đại diện Công ty Hiệp Hòa phủ nhận giá trị những văn bản mà chủ đầu tư đã ký với địa phương, đẩy UBND huyện Hiệp Hòa vào thế thất hứa với gần 300 tiểu thương.

Đại diện UBND huyện Hiệp Hòa khẳng định, những biện pháp phòng ngừa mà UBND huyện thực hiện, trong đó có việc đình chỉ thi công công trình, là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tiểu thương. Điều này phù hợp quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang tại Văn bản số 1443/UBND-ĐT, ngày 5-5-2017: Yêu cầu Công ty Hiệp Hòa nghiêm túc thực hiện dự án theo đúng tiến độ; hoàn thiện các thủ tục liên quan đề nghị giãn tiến độ theo quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm túc các cam kết tại Văn bản số 02/CV-2016, ngày 14-1-2016, của chủ đầu tư; xây dựng phương án giá, đề nghị Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt; xây dựng phương án huy động vốn trình UBND huyện Hiệp Hòa phê duyệt theo Quyết định số 192/2012/QĐ-UBND, ngày 27-6-2012, của UBND tỉnh Bắc Giang.

Sự thiếu thống nhất trong văn bản và cách thức thực hiện giữa chính quyền và chủ đầu tư chợ trung tâm Hiệp Hòa đã và đang gây nhiều hệ lụy cho cả hai bên. Tuy nhiên, những hậu quả trực tiếp mà gần 300 tiểu thương phải hứng chịu là sự bất ổn, lo lắng về môi trường kinh doanh, khả năng huy động tài chính để thuê ki-ốt do giá công ty đưa ra quá cao... Đến nay, nhiều vướng mắc trong việc triển khai xây dựng chợ trung tâm huyện Hiệp Hòa cũng như xác định giá thuê ki-ốt đã nằm ngoài khả năng giải quyết của các bên liên quan. Điều này đòi hỏi các ban, ngành chức năng tỉnh Bắc Giang cần sớm có giải pháp giải quyết dứt điểm vụ việc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư cũng như bảo đảm quyền lợi của các tiểu thương.

Bài, ảnh: TRẦN THƯỜNG và ĐẶNG GIANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/33226902-som-giai-quyet-vuong-mac-trong-du-an-cho-hiep-hoa-bac-giang.html