Sớm có biện pháp hỗ trợ người trồng hoa, cây cảnh vùng lũ khôi phục sản xuất

Đợt lũ lụt cuối năm 2016 gây tổn thất nặng nề cho người dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Để giúp người dân vùng lũ tái sản xuất, ổn định cuộc sống, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí, tuy nhiên, vẫn còn hàng chục nghìn hộ dân trồng hoa, cây cảnh ở các địa phương nêu trên lại không thuộc phạm vi hỗ trợ này.

Ôm nợ vì hoa, cây cảnh

Nước lũ đã rút cách đây hơn ba tháng, nhưng hậu quả để lại của nó vẫn hiện hữu trong nhà những hộ dân trồng hoa, cây cảnh ở ba “vựa hoa” ở miền trung là Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên. Trên những con đường vào các khu trồng hoa, đến thời điểm này vẫn thấy nhiều dãy chậu đặt ngổn ngang bên hè. Ông Bùi Thanh Hải, xóm Vĩnh Liêm, phường Bình Định, thị xã An Nhơn chua xót, cho biết: “Từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2016, tôi trồng 300 chậu cúc, cây bắt đầu đẹp thì bị lụt. Đến khi nước rút thì hoa cũng đi theo. Trong vườn, nơi thì hoa bị gãy đổ, nơi thì úng lá, chết rũ… nhìn héo cả lòng. Chật vật, cố gắng lắm gia đình tôi mới cứu được 20% số cây, 80% còn lại xem như mất trắng”. Theo tính nhẩm của ông Hải, mỗi chậu hoa cúc sau ba tháng đã tiêu tốn từ 80 đến 100 nghìn đồng tiền giống, chậu, phân bón, thuốc, chưa kể công chăm sóc. Số tiền này nhân lên với số chậu cây bị chết, ông mất hơn 20 triệu đồng, con số không hề nhỏ với người nông dân. Cách nhà ông một chặng là nhà bà Hà Thị Hoàng, người “nổi tiếng” trong giới trồng hoa bởi đã huy động vốn gia đình, bạn bè đầu tư 1.400 chậu cúc loại lớn, giá bán khoảng một triệu đồng/cặp chậu. Cuối năm 2016, thương lái Tây Nguyên đổ về nhà bà đặt cọc tiền mua hoa. Nhận tiền, bà tiếp tục dồn vào cây hoa. Lụt ập xuống, số hoa của bà chết sạch. Giờ này bà vẫn loay hoay chưa biết làm gì để có tiền trả lại bạn hàng và những người cho mình vay.

Không sáng sủa hơn, những hộ trồng hoa ở Quảng Ngãi, Phú Yên cũng đang rơi vào cảnh khó khăn. Ông Lục Tấn Lin, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi bày tỏ: “Người làm hoa như bầy tui là làm 5 tháng, ăn cả năm. Giờ hoa mất, nói thiệt, đói thì chưa, nhưng thiếu vốn là có. Mới đây nghe huyện, xã đầu tư cho giống rau, bà con tui ứa nước mắt. Mình chuyên hoa, nhận rau về thì trồng sao được. Giá chi nó là giống hoa thì hay biết mấy”. Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Văn Nghĩa, khu phố 5 phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa, Phú Yên đề nghị: “Người dân trồng hoa phần lớn là nghèo. Vụ Tết, tôi làm hoa hết Tết, lấy tiền bán hoa để đầu tư hoa rằm. Giờ vốn mất, cho nên chỉ mong được Nhà nước giúp cho một ít để tái sản xuất”.

Cần cơ chế hỗ trợ kịp thời

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Binh, Phó Chủ tịch xã Nghĩa Mỹ (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cho biết: “Đợt lụt vừa rồi gây tổn thất rất nặng cho người trồng hoa và cây cảnh ở địa phương. Phần lớn các hộ này đều vay vốn ngân hàng để làm ăn. Nếu được mùa, họ còn có tiền trả gốc và lãi. Còn mất mùa thì gay go”. Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành băn khoăn: “Chúng tôi biết hết những khó khăn của người trồng hoa trên địa bàn. Tuy nhiên theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thì nhóm đối tượng là người trồng hoa, cây cảnh không có tên trong danh mục, cho nên chúng tôi chưa biết phải làm như thế nào, ngoài việc tổ chức thống kê, đề xuất lên tỉnh, trung ương để bổ sung, xử lý”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Trượng cho hay: “Số lượng người trồng hoa, cây cảnh ở Bình Định rất lớn, trải đều trên tám huyện. Số hộ dân này đều xem trồng hoa là nghề chính, nuôi sống gia đình. Riêng thu nhập từ trồng mai, hằng năm cũng lên đến hàng chục tỷ đồng. Từ khi rà soát danh mục đối tượng được hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP, tỉnh cũng băn khoăn vì không thấy định mức hỗ trợ cho người trồng hoa, cây cảnh. Lãnh đạo tỉnh Bình Định trong những lần làm việc với một số bộ, ngành trung ương cũng đã đề cập, nhưng có ý kiến cho rằng đối tượng trồng hoa, cây cảnh chưa nhiều, chưa có tính phổ quát. Theo gợi ý, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng định mức, trình lãnh đạo tỉnh quyết định”.

Thiết nghĩ, hoa và cây cảnh không phải là “đặc sản” riêng của các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, mà rộng hơn, cả miền trung, Tây Nguyên và một số tỉnh miền bắc cũng đã hình thành những làng hoa, xã hoa, huyện hoa, thậm chí là thành phố hoa. Số địa phương này phần lớn nằm trong vùng thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên chịu thiên tai như mưa lũ, bão, hạn hán. Vì vậy, các bộ, ngành cần nghiên cứu, bổ sung nhóm hoa, cây cảnh vào danh mục thuộc Nghị định 02/2017/NĐ-CP, giúp các địa phương chủ động hơn trong việc bố trí vốn hỗ trợ người dân tái sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/32421002-som-co-bien-phap-ho-tro-nguoi-trong-hoa-cay-canh-vung-lu-khoi-phuc-san-xuat.html