Solar Impulse 2 hoàn tất chuyến bay vòng quanh thế giới: hướng đến kỷ nguyên năng lượng sạch

Hơn một năm sau khi khởi hành từ Abu Dhabi (thủ đô của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất), máy bay năng lượng mặt trời Solar Impulse 2 (SI2) đã hoàn thành xong chuyến bay vòng quanh thế giới của mình, sau khi hạ cánh an toàn cũng tại Abu Dhabi vào ngày 25/7 vừa qua. Vậy là chỉ 2 ngày sau khi cất cánh từ Cairo vào đêm 23/7, SI2 đã hoàn thành chặng cuối trong hành trình dài của nó.

SI2 đã có tổng cộng 505 giờ (hơn 23 ngày) bay, dừng lại tại các sân bay ở khắp châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á để tránh các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, đồng thời tạo điều kiện cho 2 phi công nghỉ ngơi. Phi công Bertrand Piccard đã mất 2 ngày và 37 phút để điều khiển Solar Impulse 2 từ Cairo đến Abu Dhabi, nhưng bấy nhiêu vẫn không thấm vào đâu trong suốt cuộc hành trình kéo dài đến 17 chặng. Đi cùng với Piccard là người đồng nghiệp André Borschberg, người đã điều khiển liên tục 4 ngày, 21 giờ, 51 phút trong chặng bay từ Nagoya (Nhật Bản) đến Honolulu (Hawaii).

Quãng thời gian này cho thấy khả năng chịu đựng của hai phi công và đó cũng là một trong những lý do máy bay phải thường xuyên dừng chân trong suốt hành trình. Trên lý thuyết, Solar Impulse 2 có thể bay mãi mà không cần dừng, nhờ nguồn năng lượng cung cấp bởi 17.000 tế bào quang điện nằm trên đôi cánh.

Solar Impulse 2 sở hữu sải cánh dài 72 mét, rộng hơn so với một chiếc Boeing 747. Tuy nhiên, các phi công lại không được trang bị một không gian tiện nghi, hiện đại mà thay vào đó là một buồng lái chật chội. Không sở hữu động cơ phản lực, SI2 bay ‘thong thả’ trên bầu trời với vận tốc có lúc chỉ khoảng 48 km/h, khiến cho hành trình giữa các quốc gia châu Âu cũng đủ làm phi công thấm mệt.

Chuyến bay cuối cùng từ Cairo đến Abu Dhabi cũng đặc biệt khó khăn hơn bởi SI2 phải đi vào vùng không khí nhiễu động, buộc phi công Piccard phải kiểm soát máy bay sao cho đạt được độ cao hơn 8.800 mét vào ban ngày, và hạ xuống khoảng 1.500 mét vào ban đêm, khi các tế bào năng lượng mặt trời không được sạc.

Là người đồng sáng lập của Solar Impulse, Piccard và Borschberg cho biết chiến công của họ được đã chứng minh rằng "các công nghệ sạch có thể đạt được những điều không thể". Bên cạnh đó, hành trình hơn 40.000 km của hai phi công và chiếc máy bay năng lượng mặt trời "không chỉ được thực hiện lần đầu tiên trong lịch sử hàng không, mà cũng lần đầu tiên trong lịch sử của năng lượng".

Từ buồng lái của Solar Impulse 2, Piccard kêu gọi mọi người hãy xem cuộc hành trình vòng quanh thế giới như một lời kêu gọi hành động. "Tất cả các công nghệ sạch mà chúng tôi dùng, chúng có thể được sử dụng ở khắp mọi nơi. Chúng tôi đã trải qua chuyến bay dài 40.000 km, và bây giờ là lúc để mọi người quyết định nhân rộng nó ra. Điều đó phụ thuộc vào từng thành viên trong mỗi gia đình, mỗi nguyên thủ quốc gia, mỗi thị trưởng trong một thành phố, mỗi doanh nghiệp hoặc giám đốc điều hành của một công ty".

Solar Impulse là một dự án thử nghiệm máy bay năng lượng mặt trời của Thụy Sĩ, và cũng là tên của 2 chiếc máy bay đã từng tham gia dự án. Người đứng đầu dự án này là kỹ sư, doanh nhân André Borschberg, và nhà tâm thần học Bertrand Piccard. Ngoài vai trò nghiên cứu, cả hai đều là phi công. Mục tiêu chính của dự án Solar Impulse là để giúp họ trở thành những người đầu tiên có thể bay vòng quanh trái đất, bằng một chiếc máy bay chỉ sử dụng năng lượng mặt trời, từ đó tạo nên sự chú ý cho cộng đồng về tiềm năng của năng lượng sạch. Việc Solar Impulse 2 chính thức hoàn thành sứ mệnh đi vòng quanh thế giới là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của năng lượng mặt trời.

Bấm để mở rộng...

Tham khảo: Solar Impulse , The Verge

Nguồn Tinh Tế: http://tinhte.vn/threads/solar-impulse-2-hoan-tat-chuyen-bay-vong-quanh-the-gioi-huong-den-ky-nguyen-nang-luong-sach.2626696/