Soi loạt khí tài 'khủng' Nga muốn lắp cho tiêm kích Trung Quốc

Không dừng lại ở việc cung cấp động cơ phản lực Nga còn trao cho Trung Quốc các công nghệ điện tử tiên tiến nhất dành cho các dòng tiêm kích đa năng.

Theo tạp chí quân sự Jane’s, tại triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải 2016 vừa rồi Tổng công ty công nghệ điện tử vô tuyến KRET của Nga đã giới thiệu một loạt các công nghệ lẫn thiết bị điện tử hàng không tiên tiến nhất của mình dành cho các dòng tiêm kích đa năng cũng như các gói nâng cấp mở rộng dành cho chúng. Nguồn ảnh: Rostec.

KRET mang đến triển lãm Chu Hải năm nay các dòng sản phẩm tốt nhất của mình tập trung vào các thiết bị điện tử dành cho một số dòng chiến đấu cơ như: hệ thống kiểm soát vũ khí RSUO, tổ hợp radar mảng pha Irbis-E, tổ hợp quang điện tử OEPrNK-30SM, hệ thống định vị BINS-SP2, hệ thống radar quét mảng pha điện tử Zhuk-AME cùng nhiều trang thiết bị tác chiến điện tử khác. Nguồn ảnh: Sdelanounas.

Sở dĩ KRET giới thiệu các tổ hợp điện tử trên tại Chu Hải là bởi các khí tài này hoàn toàn có thể được tích hợp trên một số dòng chiến đấu cơ của Trung Quốc như Su-30 hay tương lai là Su-35, bên cạnh đó một số thiết kế chiến đấu cơ nội địa của Trung Quốc như J-11/15/16 đều có thể trang bị. Nguồn ảnh: 2.bp.blogspot.

Trong đó, RSUO đóng vai trò kiểm soát và quản lý toàn bộ hệ thống vũ khí trên dòng tiêm kích Su-35 mà Trung Quốc chuẩn bị đưa vào sử dụng. Nó làm nhiệm vụ kết nối giữa phi công với hệ thống vũ khí trên máy bay từ giao diện kích hoạt cho đến trạng thái của từng quả tên lửa một chiếc Su-35 có thể mang theo. Nguồn ảnh: 2.bp.blogspot.

Mặt khác trái tim của một chiếc Su-35 lại là hệ thống radar quét mảng pha thụ động Irbis-E với khả năng phát hiện và theo dõi mọi mục tiêu trên không lẫn dưới mặt đất ở khoảng cách 400km. Nó có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, ngày cũng như đêm và kể cả khi đối phương sử dụng các biện pháp áp chế điện tử. Nguồn ảnh: Rostec.

Còn đối với tổ hợp quang điện OEPrNK-30SM - nó lại dành cho những chiếc Su-30MKK và J-16 của Trung Quốc như một phần nâng cấp của dòng tiêm kích đa năng Su-30. OEPrNK-30SM hỗ trợ cho phi công kiểm soát tốt hơn hành trình bay của mình, khả năng định vị mục tiêu có kết nối với mũ bay thông minh, thậm chí nó còn có thể kết nối với hệ thống radar của Su-30. Nguồn ảnh: Arms-Expo.

Điểm nhấn cuối cùng dành cho các dòng tiêm kích đa năng Su-30 KRET mang đến Chu Hải là hệ thống định vị tiên tiến BINS-SP2. Nó được thiết kế để tái lập và hiển thị thông tin định vị quán tính tự trị hành cho các dòng chiến đấu cơ dựa trên dữ liệu vệ tinh GPS hoặc GLONASS. BINS-SP2 còn cho phép máy bay di chuyển ngay cả khi thiếu vắng vệ tinh trên đất liền lẫn trên biển. Nguồn ảnh: Avsim.

Cận cảnh tổ hợp radar mảng pha Zhuk-AME đươc KRET giới thiệu tại Chu hải. Nó được phát triển dành cho các dòng tiêm kích MiG với khả năng theo dõi đồng thời 30 mục tiêu trên không và hổ trợ tấn công 6 mục tiêu trong số đó với phạm vi hoạt động lên đến 260km. Nguồn ảnh: Russian Military

Zhuk-AME được xem là trái tim của dòng tiêm kích đa năng MiG-35 vốn là sản phẩm chủ lực của Mikoyan hiện tại, nó cho phép chiến đấu cơ này thực hiện các nhiệm vụ trong mọi điều kiện thời tiết và cả khi đối phương thực hiện các biện pháp đối phó điện tử. Nguồn ảnh: Ausairpower.net.

Bên cạnh các tổ hợp điện tử dành cho chiến đấu cơ, KRET còn giới thiệu cả hệ thống tác chiến điện tử dành cho một số mẫu trực thăng tấn công do công ty này phát triển như hệ thống radar Arbalet vốn được trang bị trên dòng trực thăng tấn công tiên tiến Ka-52. Trong ảnh là hệ thống radar Arbalet dành cho Ka-52 tại gian trưng bày của KRET.

Ka-52 là dòng trực thăng tấn công hiện đại nhất của Nga hiện nay và các công nghệ được sử dụng trên nó được Trung Quốc dành sự quan tâm rất lớn khi chúng có thể được sử dụng để hoàn thiện các dòng trực thăng tấn công nội địa của Bắc Kinh vốn không mấy đáng tin cậy. Nguồn ảnh: Rostec.

Trong ảnh là tổ hợp tác chiến điện tử President-S do KRET phát triển cũng được thiết kế dành cho một số dòng trực thăng tấn công. Nó có thể ngăn chặn hoặc vô hiệu hóa hệ thống dẫn đường của các loại tên lửa phòng không khiến nó không thể xác định được mục tiêu tự thay đổi quỹ đạo bay hay tự hủy. Nguồn ảnh: Bastion-Karpenko.

Trà Khánh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/soi-loat-khi-tai-khung-nga-muon-lap-cho-tiem-kich-trung-quoc-783224.html