Sôi động mùa kịch dành cho thiếu nhi

VH- Cũng như mọi năm, thời điểm này các sân khấu tại TP.HCM lại rộn ràng chuẩn bị cho mùa kịch dành cho khán giả “nhí”. Sau một năm học vất vả thì đây là khoảng thời gian giải trí dành cho các em thư giãn. Đáp ứng nhu cầu đó hàng loạt vở kịch đang được tập dượt chờ ngày công diễn.

“Thiếu nhi lại nuôi cả người lớn” Với lượng khán giả “nhí” khá đông, nhiều sân khấu kịch đã thu lợi khổng lồ từ lượng khán giả này. Một trưởng đoàn kịch cho biết, dàn dựng những vở kịch dành cho thiếu nhi thu lại lợi nhuận rất cao, anh còn nói đùa: “Đôi khi thiếu nhi lại nuôi cả người lớn”. Chính vì lẽ đó mà hiện nay trên địa bàn TP.HCM có không dưới 5 sân khấu dàn dựng kịch cho thiếu nhi trong mùa hè này. Sự nở rộ các sân khấu như hiện nay đã tạo nên cuộc đua giữa các sân khấu và khán giả nhí sẽ có nhiều cơ hội cho sự chọn lựa của mình. Nổi bật nhất là sân khấu Idecaf, chương trình kịch Ngày xửa ngày xưa của Kịch Idecaf sẽ được tiếp nối bằng vở Chú bé khoai lang tây và ba bà tiên (đạo diễn Vũ Minh). Ngoài ra, đây cũng là đơn vị đầu tiên phát tờ rơi quảng cáo đến các trường học. Với những hình ảnh màu sắc lộng lẫy, cộng thêm phần mua vé kèm quà tặng... Năm nay cũng là dịp kỉ niệm 10 năm Ngày xửa ngày xưa, Kịch Idecaf cũng sẽ diễn các vở như Cuộc phiêu lưu của chú bé người gỗ Pinochio, Chú mèo đi hia, Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Sơn Tinh - Thủy Tinh tại số 7 Trần Cao Vân... hứa hẹn một mùa hè sôi động và hấp dẫn. Ngay như sân khấu mới Hoàng Thái Thanh, dịp hè này cũng đang gấp rút đưa lên sàn tập vở kịch, tuy nhiên tên vở diễn vẫn chưa thống nhất. Đạo diễn Tấn Phát cho biết: “Sau một năm học vất vả thì dịp nghỉ hè là lúc mà các em cần được giải trí. Hơn nữa sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng đang dùng địa điểm của Nhà Thiếu nhi thành phố, ban giám đốc cũng rất mong muốn có những vở kịch hay và ý nghĩa đến với các em thiếu nhi trong dịp hè này. Chúng tôi muốn thông qua vở kịch của mình các em vừa được thư giãn, vừa đưa đến cho các em bài học của cuộc sống, vì vậy đòi hỏi phải dựng cẩn thận và phù hợp với lứa tuổi các em...”. Không nằm ngoài cuộc chơi, sân khấu Phú Nhuận năm nay cũng đang dàn dựng vở Cuộc chiến ẩm thực (đạo diễn Hạnh Thúy) với nội dung sự tích Bánh chưng, bánh dày. Bà bầu Hồng Vân chia sẻ: “Chọn vở này mục đích nhằm chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nội dung vở kịch không chỉ nói lên sự hiếu thảo của con cái mà còn lồng vào trong đó những nội dung về bảo vệ môi trường, ca ngợi lao động...”. Ngoài ra thì Nhà hát Kịch thành phố sẽ phối hợp với rạp xiếc 23.9 diễn vở Bầy quỷ và viên ngọc thần kỳ. Đây là vở kịch pha trộn giữa nhiều bộ môn nghệ thuật như ca nhạc, múa rối, xiếc... sử dụng các loại thú vào vở kịch như gấu, voi, khỉ... giống như vở Cậu bé rừng xanh - đã từng rất thành công trước đây, với dàn diễn viên Bảo Trí, Minh Nhí, Anh Vũ, Hề Si đô... Dựng kịch cho thiếu nhi dễ mà khó Kịch dành cho thiếu nhi tuy dễ mà khó, dễ vì đây là loại hình giải trí mà trẻ em nào cũng ưa thích, còn khó là phải làm sao hiểu được tâm lý và phải phù hợp với trí tưởng tượng phong phú của các thượng đế nhí thì mới tạo được sức hút với các em. Lâu nay các khán giả nhí thường trung thành với các gương mặt quen thuộc của dàn diễn viên Idecaf như Thành Lộc, Đình Toàn, Thanh Thủy, Đại Nghĩa... nên đây cũng là một trở ngại với các sân khấu mới. Thế giới tuổi thơ bay bổng với những câu chuyện tưởng tượng về ông bụt, bà tiên, công chúa, hoàng tử... nên phần trang phục nhất thiết phải công phu, và một không gian đủ lớn để dựng cảnh. Ngoài ra khâu kịch bản là vấn đề rất quan trọng, nếu như khâu kịch bản dở thì dù diễn xuất có tốt đến mấy cũng sẽ bị “knock out” ngay từ những phút đầu vì trẻ con không có tính kiên nhẫn. Đạo diễn Tấn Phát cho biết: “Cái khó khi dựng một vở kịch thiếu nhi là ở khâu kịch bản, những cái mình thích thì trẻ con lại không thích, mà những điều các em thích thì chưa chắc là cái hay nhất. Một vở kịch hay đòi hỏi phải đảm bảo nội dung hấp dẫn, vừa có tính giáo dục”. Hè năm nay các sân khấu đang có cuộc chạy đua khi chuẩn bị khá nhiều vở kịch mới, đây là tín hiệu đáng mừng cho các khán giả nhí. Tuy nhiên số lượng nhiều không đồng nghĩa với chất lượng. Kịch Idecaf với sêri Ngày xửa ngày xưa trong thời gian qua đã có dấu hiệu “đuối” ở khâu kịch bản, bằng chứng là những vở kịch gần đây như: Phù thủy lắm chiêu, Chuyện thần tiên ở xứ sở Phù Tang đã gây thất vọng không chỉ đối với các em mà đến các bậc phụ huynh cũng không hài lòng vì nội dung chủ yếu là gây cười tại chỗ, lạm dụng những động tác cường điệu của hình thể, xem xong là quên hết. Ví dụ như bài hát Da nâu từng do ca sĩ Phi Thanh Vân thể hiện lại được nghệ sĩ Thành Lộc sửa thành Da trâu nghe rất phản cảm. Rõ ràng những điều người lớn muốn đưa đến cho các em không phải lúc nào cũng hay và phù hợp. Điều quan trọng là làm sao đảm bảo tính giải trí cho các em, đồng thời lồng tính giáo dục vào trong đó mới có hiệu quả. Trong thời điểm chúng ta chưa có sân khấu chuyên nghiệp dành riêng cho thiếu nhi, chỉ mỗi dịp lễ tết mới xuất hiện những vở kịch mới thì việc các sân khấu cùng dàn dựng những vở kịch mới là điều đáng mừng. Hà Trần

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/vanhoavannghe/25993.vho