Soi diễn biến 'lạ' tại VE9, điều gì khiến lãnh đạo muốn thoái sạch vốn?

Ông Nguyễn Chí Linh - Chủ tịch HĐQT VE9 và bà Vũ Thị Thanh Nga - Ủy viên HĐQT đã đăng ký thoái hết 16,8% vốn tại VE9, tương đương 2,1 triệu CP trong thời gian từ 11/08 – 08/09.

Mới đây, ĐHĐCĐ CTCP Đầu tư và Xây dựng VNECO 9 (HNX: VE9) vừa biểu quyết và thông qua thay đổi một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2017. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc VE9 đã điều chỉnh lợi nhuận trước thuế và sau thuế đều tăng 9,5 lần so với kế hoạch, tương ứng đạt 106 tỷ và gần 85 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty còn dự chia cổ tức "khủng" 65% cho năm 2017.

Thế nhưng, bất chấp những con số điều chỉnh “tươi sáng” ấy, bất chấp mức cổ tức khủng chi tạm ứng đợt 1/2017 bằng tiền tỷ lệ 60% trong tháng 9 tới, lãnh đạo của VE9 vẫn muốn thoái hết vốn khỏi Công ty. Điều gì dẫn đến hành động khó hiểu của lãnh đạo VE9?

Bán "nồi cơm dẻo thơm", VE9 còn lại mảng kinh doanh đang âm lợi nhuận gộp

Trong những năm qua, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh có trồi sụt nhưng lợi nhuận gộp của Công ty vẫn ghi nhận ở con số dương. Tuy nhiên trong báo cáo tài chính quý II mới nhất, Công ty lần đầu tiên công bố lợi nhuận gộp âm 5,4 tỷ đồng do giá vốn tăng mạnh, đặc biệt là giá vốn mảng xây dựng.

Và cứu cánh trong quý II/2017 là Công ty đã chuyển nhượng vốn tại CTCP Green World Nha Trang và chuyển nhượng tài sản Khách sạn Xanh Nha Trang dẫn đến khoản thu nhập khác và doanh thu tài chính tăng đột biến. Nhờ đó mà lợi nhuận sau thuế tăng đến 853 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 77 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính và lợi nhuận khác tăng đột biến.

Cụ thể, doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ của Công ty ghi nhận đến 24,4 tỷ, còn lợi nhuận khác đột biến 77,9 tỷ đồng, năm ngoái 2 khoản này có tỷ trọng rất nhỏ.

Cũng từ đây, ĐHĐCĐ VE9 đã quyết định điều chỉnh mạnh kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận sau thuế năm 2017 lên 85 tỷ đồng, xấp xỉ 10 lần so với kế hoạch trước đó và gấp 102 lần so với năm 2016. Đây cũng là con số lãi ròng cao nhất từ khi lên sàn đến nay của VE9 (năm có kết quả lãi ròng cao nhất là 2013 với 7,5 tỷ đồng).

Trong năm 2016, VE9 ghi nhận doanh thu thuần 95,8 tỷ, lợi nhuận gộp 15,2 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu của Công ty năm 2016 chỉ gần 16%. Trong đó, đóng góp không nhỏ vào doanh thu Công ty đến từ Khách sạn xanh Nha Trang và Khách sạn xanh GreenWorld.

Được biết, Khách sạn xanh Nha Trang có doanh thu 2016 đạt 12,3 tỷ đồng, lợi nhuận gộp là 6,8 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu đến 55%. So với năm 2015, doanh thu năm 2016 đã tăng 13,6%, cao hơn đến 1,5 tỷ đồng (năm 2015 là 10,8 tỷ). Nguyên nhân do công suất phòng tăng 21,25%, (năm 2015 là 63,69%).

Đặc biệt, tại Khách sạn xanh GreenWorld trong năm 2016 (VE9 vốn góp đầu tư tại thời điểm 31/12/2016 là 50,7 tỷ đồng, tỷ lệ nắm giữ 44,07%, doanh thu đạt 82,4 tỷ, lợi nhuận gộp là 40 tỷ và tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu đạt 48,5%. So với năm 2015, doanh thu năm 2016 tăng 48,5%, cao hơn 26,9 tỷ đồng (năm 2015 là 55,5 tỷ). Nguyên nhân do công suất phòng tăng 63,8% (năm 2015 là 52,2%) và giá phòng cho thuê cũng tăng 2,3%.

Như vậy, việc chuyển nhượng vốn tại CTCP Green World Nha Trang và chuyển nhượng tài sản Khách sạn Xanh Nha Trang trước mắt sẽ giúp cho lợi nhuận của VE9 trong quý II và cả năm 2017 tăng đột biến, nhưng về lâu dài, Công ty sẽ mất một nguồn thu không nhỏ từ 2 khách sạn trên.

Còn theo báo cáo tài chính quý II mới nhất, doanh thu mảng khách sạn đạt 4,3 tỷ chiếm 40% doanh thu của Công ty. Đặc biệt là mảng này có tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu đạt 51%; trong khi lĩnh vực còn lại là xây dựng ghi nhận lợi nhuận gộp âm đến 7,6 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp của VE9 là 16%.

Cơ cấu doanh thu và giá vốn của VE9 trong quý II/2017.

Lãnh đạo thoái vốn vì cần tiền hay cổ phiếu đã hết động lực tăng?

Tại ĐHĐCĐ thường niên hồi đầu tháng 5 vừa qua, Công ty đã thông qua chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nước khoáng Tu Bông tại Khánh Hòa, góp vốn đầu tư vào Dự án Trồng rừng và kinh doanh du lịch dưới tán rừng ở huyện Cam Lâm – Khánh Hòa; góp vốn vào Dự án Đường lâm sinh; hoàn thành hồ sơ pháp lý đầu tư dự án mỏ nước khoáng Hóc Chim, tại Khánh Hòa; góp vốn vào dự án Điện địa nhiệt ở Hội Vân tại Bình Định...

Về lĩnh vực xây dựng, VE9 hướng đến nâng năng lực xây lắp điện lên một tầm mới thông qua liên danh, liên kết, sử dụng các nguồn lực một cách đa dạng, linh hoạt, đảm nhận được những gói thầu lớn, trong một vài năm tới phải có doanh thu xây lắp đạt mức 150-200 tỷ/năm.

Trên lĩnh vực khách sạn, VE9 đã có sự phát triển đột phá bắt đầu từ cuối năm 2014 đầu năm 2015 khi dự án Khách sạn xanh 2 (nay là GREEN WORLD HOTEL NHATRANG) hoàn thành và đi vào hoạt động. Công ty đã có trong tay khối tài sản rất lớn (01 khách sạn 4 sao với tiêu chuẩn Quốc tế và 01 khách sạn 3 sao) trị giá trên 600 tỷ đồng. Doanh thu dịch vụ vì thế đều tăng lên đáng kể.

Trên thị trường, giá cổ phiếu VE9 đã bắt đầu "bay cao" theo những kỳ vọng đó. Cụ thể kể từ 08/05, VE9 bắt đầu chu kỳ tăng mạnh từ 6.200 đồng đến thời điểm cuối ngày 11/08/2017 đã là 13.300 đồng/CP, tức là tăng đến 115%, khối lượng giao dịch bình quân 100.000 CP/ngày.

Diễn biến giá cổ phiếu của VE9.

Thế nhưng bất chấp việc điều chỉnh lợi nhuận tăng lên 10 lần, bỏ qua mức cổ tức khủng chi tạm ứng đợt 1/2017 bằng tiền tỷ lệ 60% trong tháng 9 tới, lãnh đạo của VE9 vẫn muốn thoái sạch vốn khỏi Công ty. Cụ thể, Theo đó, ông Nguyễn Chí Linh - Chủ tịch HĐQT đăng ký bán hết 1.729.616 CP (tỷ lệ 13,81%) và bà Vũ Thị Thanh Nga - Ủy viên HĐQT đăng ký bán 373.878 CP (tỷ lệ 2,99%)trong thời gian từ 11/08 – 08/09. Mục đích giao dịch được biết là đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân.

Được biết, trong ban lãnh đạo của VE9, ông Nguyễn Chí Linh là người đang sở hữu tỷ lệ CP cao nhất với 13,81%, người có tỷ lệ xếp sau là ông Nguyễn Văn Dụy - Phó Chủ tịch HĐQT với số lượng 679.955, tương ứng 5,43%.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/soi-dien-bien-la-tai-ve9-dieu-gi-khien-lanh-dao-muon-thoai-sach-von--2017081210173118p4c147.news