"Sợi dây" trách nhiệm

Dùng trách nhiệm để ràng buộc người yêu liệu có thể hàn gắn hạnh phúc? Đến cuối cùng, bạn được gì?

Một tình yêu chân chính phải luôn đi liền với trách nhiệm. Không giống như trong gia đình, trách nhiệm trong tình yêu đồng nghĩa với sự nghiêm túc, gắn bó, chia sẻ, yêu thương và chăm sóc lẫn nhau. Trói chàng bằng quá khứ Tuy nhiên, một số bạn trẻ lại hiểu sai khái niệm trách nhiệm này và xem nó như sợi dây để trói người yêu. Câu chuyện của Gia Huy và Bích Hằng, cùng 26 tuổi, là một ví dụ. Huy và Hằng yêu nhau khi cả hai đang là sinh viên năm hai. Cùng là sinh viên xa nhà, họ dễ thông cảm và gần gũi nhau. Yêu nhau hơn một năm, họ quyết định dọn về sống chung. Giữa năm thứ tư, Hằng bất ngờ có thai. Hai bạn trẻ đều hốt hoảng vì họ vẫn đang đi học và chưa sẵn sàng làm cha, làm mẹ. Cuối cùng, họ chọn phương án phá thai. Khi tình yêu đã hết cả hai nên giải thoát cho nhau đừng cố níu kéo để cả hai cùng tổn thương Không may, trong lần nạo thai đó, Hằng bị nhiễm trùng. Cô phải nằm viện điều trị một thời gian dài và vĩnh viễn không thể sinh con được nữa. Ôm người yêu đang khóc ngất, Huy vỗ về: "Em đừng buồn, dù thế nào đi nữa, anh vẫn sẽ cưới em và chăm sóc cho em suốt đời". Vượt qua nỗi đau, Hằng tốt nghiệp loại giỏi và công tác tại một công ty cổ phần. Huy đầu quân vào một tập đoàn nước ngoài. Công việc bận rộn và những chuyến công tác liên miên dần đẩy họ xa nhau. Chuyện gì đến cũng phải đến. Cảm xúc của Huy dành cho Hằng dần nguội lạnh. Anh phải lòng một đồng nghiệp nữ và dự định tiến xa hơn. Thế nhưng, anh không thể mở lời nói chia tay với Hằng. "Cô ấy đã hy sinh vì tôi quá nhiều. Chia tay rồi, liệu cô ấy có tìm được người đàn ông nào chấp nhận người vợ không thể sinh con?", Huy tâm sự. Về phía Hằng, cô biết rõ tình cảm Huy dành cho mình đã cạn kiệt. Thế nhưng, nỗi sợ cô đơn và bị bỏ rơi khiến cô nhất quyết không buông tay. Thỉnh thoảng, khi trò chuyện cùng nhau, Hằng lại nhắc lời hứa ngày trước của Huy. Thấy Huy ngày càng thẫn thờ, cô lên tận cơ quan anh, mua bánh mời mọi người với tư cách vợ sắp cưới. Bạn gái mới của Huy sốc nặng, phải xin nghỉ việc. Huy ngày càng câm nín. Anh như bị vướng vào mớ bòng bong không lối thoát. Anh đã hy sinh tất cả vì em Đừng tưởng chỉ phụ nữ mới dùng khổ nhục kế! Sợi dây trách nhiệm cũng là vũ khí níu kéo tình yêu khá lợi hại của quý ông. Thúy An, 27 tuổi và Hiếu Hiền, 29 tuổi, yêu nhau trong hoàn cảnh kẻ Bắc người Nam. Yêu nhau được một năm, Hiền không chịu nổi sự chia cách địa lý. Anh quyết định từ bỏ vị trí trưởng phòng kinh doanh của một công ty ở Hà Nội để vào thành phố lập nghiệp, mặc kệ sự phản đối quyết liệt của gia đình. An cảm động trước sự hy sinh của người yêu. Cô những tưởng ở gần, tình cảm của cả hai sẽ thêm thắm thiết, thế nhưng... "Khi ở gần, tôi mới phát hiện anh ấy có tính ghen tuông vô cớ. Là nhân viên PR, tôi phải giao thiệp nhiều nhưng tôi đi đâu, anh cũng đòi theo để quản người yêu. Anh còn kiểm tra hộp mail, điện thoại... của tôi", An kể lại. Tuy bức xúc nhưng nghĩ Hiền yêu quá mới ghen, An bấm bụng bỏ qua. Đến một ngày, Hiền đấm vào một đồng nghiệp nam của An chỉ vì nhìn thấy cậu ta đưa cô về nhà sau một cuộc liên hoan khuya ở công ty. Không thể chịu đựng thêm, An kiên quyết chia tay. Hiền ra sức năn nỉ và dỗ dành nhưng vô ích. Cuối cùng, Hiền bảo: "Vì em, anh đã bỏ cả công danh, sự nghiệp và gia đình ở Hà Nội. Bây giờ, em lại đối xử với anh như thế à? Đã vậy, anh chết cho em vừa lòng". Hoảng sợ vì Hiền có thể làm thật, An đồng ý quay lại. Thế nhưng, mọi tình cảm cô dành cho anh đã tan biến. "Tôi chẳng còn nhìn thấy hình ảnh của một chàng trai Hà Nội lịch lãm và tự tin mình yêu. Bỏ thì thương, vương thì tội, tôi cứ để liều vậy", An ngán ngẩm nói. Trách nhiệm phải đâu là keo dán Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều câu chuyện của các bạn trẻ tìm cách ràng buộc người yêu vì trách nhiệm. Đây là chiêu bài níu kéo khá hiệu quả nhưng không thể mang lại hạnh phúc lâu dài. Theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, một trong những "sợi dây" các cô gái hay sử dụng chính là có thai. Họ cho rằng khi đã có con, người đàn ông sẽ không bỏ rơi họ. Tuy nhiên, khi đã có rạn nứt, mối quan hệ khó có thể cứu vãn. Khi dùng đứa con để trói buộc, cô gái đã chơi một ván bài nguy hiểm. Nếu người đàn ông thiếu trách nhiệm, anh ta vẫn bỏ rơi bạn, chẳng quan tâm đến nỗi khổ nhục bạn phải chịu đựng. Nếu cô gái may mắn, người đàn ông sẽ nhận trách nhiệm và tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, đó là sự hàn gắn tạm bợ và không bền vững. Thiếu nền tảng tình yêu thật sự, cuộc hôn nhân có thể tan vỡ bất cứ lúc nào. Gánh chịu hậu quả lúc này không chỉ hai người trong cuộc mà cả đứa bé. Sinh ra, lớn lên và được nuôi dưỡng bằng sự ràng buộc giữa bố mẹ, đứa trẻ sẽ khó phát triển nhân cách hoàn thiện như bạn bè cùng trang lứa. Cũng có những trường hợp như Bích Hằng, dùng một hậu quả trong quá khứ hoặc giả bệnh nan y để níu kéo người yêu. Cách thức này chỉ hiệu nghiệm với những chàng trai thật sự tốt bụng và trách nhiệm. Tuy nhiên, liệu họ có cảm thấy hạnh phúc? "Ở bên tôi nhưng Huy cứ nhớ cô bạn đồng nghiệp. Anh vẫn chăm sóc tôi nhưng rất máy móc, tựa như cái xác không hồn". "Tôi rủ Huy đến những nơi quen thuộc, cùng ôn lại những kỷ niệm cũ nhưng anh ấy vẫn rất ơ hờ. Mỗi khi tôi nhắc chuyện đám cưới, anh ấy cau mày khó chịu. Tôi đánh bạo về quê thăm ba mẹ Huy. Biết chuyện, anh ấy la ầm ĩ và lập tức dọn đến nơi khác sống", Hằng tâm sự trong nước mắt. Trong trường hợp này, vì trách nhiệm, Huy đã cố hết sức ở bên cạnh Hằng. Tất cả những gì anh làm chỉ được như thế. Tuy nhiên, điều Hằng mong chờ là một đám cưới. Khi hai nhu cầu không gặp nhau, mâu thuẫn liền nảy sinh. Vì không còn tình yêu, sức chịu đựng của Huy có giới hạn. Đến một ngưỡng nào đó, anh kiên quyết ra đi. Người thiệt thòi và tổn thương sâu sắc không ai khác hơn Hằng. Lòng thương hại chỉ là tạm thời Ngược lại, người con trai thường níu kéo tình yêu của người con gái bằng sự thương hại. Các Adam thường khiến Eve có cảm giác vì mình mà anh ấy trở nên tồi tệ như vậy. Vì trách nhiệm, cô gái phải nỗ lực hàn gắn và giúp chàng trai sống tốt hơn. Chuyện tình của An và Hiền rơi vào trường hợp này. "Con gái thường rất dễ xiêu lòng. Tuy nhiên, nếu tiếp tục yêu chỉ vì lòng thương hại, sự tôn trọng của cô gái dành cho chàng trai sẽ giảm sút, thậm chí không còn". "Thiếu sự tôn trọng, mối quan hệ sẽ càng trở nên tồi tệ. Chia tay chỉ là chuyện sớm hay muộn. Quan trọng hơn, ở lần chia tay này, cả hai sẽ không còn giữ được những hình ảnh, suy nghĩ tốt đẹp về nhau", chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Tâm phân tích. Như trường hợp của Thúy An, dù đồng ý quay lại với Hiền, cô không bao giờ đi cùng anh trong những dịp họp mặt bạn bè. An hay dùng lý do bận việc để tránh gặp mặt Hiền hoặc đi chơi cùng anh. "Đi với Hiền, tôi rất sợ anh ấy nổi cơn ghen bất tử làm mất mặt mình. Mỗi lần gặp nhau, tôi cảm thấy rất ngột ngạt thay vì vui vẻ như trước đây. Tôi muốn sớm chia tay để cả hai đi tìm cơ hội mới nhưng Hiền nhất quyết không chịu", An tâm sự một cách bất lực. Về phía Hiền, anh biết rõ Thúy An không còn yêu mình nên càng ra sức níu kéo. Anh chăm sóc cô nhiều hơn, sửa đổi tính hay ghen... nhưng tất cả dường như đã quá muộn. Cứ thế, họ dùng dằng hơn một năm trời. Cuối cùng, quá mệt mỏi, An phải trốn Hiền bằng cách đi tu nghiệp ở nước ngoài. Cô tuyên bố chỉ trở về Việt Nam khi Hiền đã... lấy vợ. Dùng cách tạo áp lực để cố gắng trói chân người yêu của Hiền đã dẫn đến tác dụng ngược. An không hề cảm thấy mình được yêu thương. Trái lại, cô như bị trói chặt và vùng thoát ngay khi có cơ hội. Tình yêu phải đến từ cả hai phía Theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Tâm, rạn nứt trong tình yêu là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, rạn nứt có thể hàn gắn nếu cả hai vẫn còn yêu nhau, còn thành ý xây dựng và biết cách hàn gắn một cách khéo léo, tinh tế. Ngược lại, nếu mâu thuẫn giữa hai người quá sâu sắc và thành ý hàn gắn chỉ đến từ một phía, chia tay là giải pháp bạn nên lựa chọn. Sự níu kéo một chiều chỉ khiến cả hai thêm mệt mỏi, mối quan hệ cũng không thể tốt đẹp hơn. Bạn nên vun vén tình yêu của mình khi cả hai còn mặn nồng. Khi xảy ra bất đồng, hãy bình tĩnh bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ của mình. Cả hai nên cùng thảo luận và tìm giải pháp để cứu vãn mối quan hệ. Nếu đối phương quyết định chia tay, bạn nên dành thời gian để người ấy bình ổn cảm xúc. Sau đó, bạn níu kéo tình yêu bằng sự chân thành và quan tâm đúng mực. Nếu không thể thay đổi quyết định của người ấy, bạn nên chấp nhận và tìm một cơ hội mới cho mình. Ngược lại, nếu là người "được" níu kéo, bạn nên cân nhắc lại tình cảm. Đừng quay lại chỉ vì thương hại hay cảm thấy trách nhiệm của mình phải như thế. Đến cuối cùng, bạn cũng ra đi nhưng cả hai sẽ không còn nghĩ về nhau tốt đẹp như lúc đầu. Theo

Nguồn TTOL: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/yeuvasong/399366/index.html