'SỐC': Vé xe khách tăng giá tới 60%, người dân kêu trời...

Chiều 19/1, nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải tại các bến xe Hà Nội thông báo tăng giá vé dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, từ 7% đến 60%.

Thay vì mức giá 340.000 đồng/hành khách như ngày thường, chiều 19/1, các nhà xe chạy tuyến Đà Nẵng tại bến xe Giáp Bát đã thông báo mức giá điều chỉnh dịp Tết lên 580.000 đồng/hành khách (tăng khoảng 60%). Tương tự, các ngày trước đây, từ Giáp Bát đi TP.HCM có mức giá 620.000 đồng/hành khách, hôm qua, các DN vận tải chạy tuyến này tại Giáp Bát tăng lên trên 900.000 đồng/hành khách. Khảo sát giá vé xe khách từ Hà Nội đi các tỉnh có cự ly dưới 300 km như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Phòng… PV ghi nhận, các DN vận tải không có sự điều chỉnh giá.

Nhiều DN vận tải có tuyến xe khách đường dài tăng giá vé dịp Tết lên tới 60%. Ảnh: Trọng Đảng.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát, cho biết, sở dĩ có chuyện nhà xe này tăng giá, nhà xe kia không là do trong thông báo tăng giá, họ nói rằng các nhà xe chạy đường dài trên 500 km những ngày Tết chỉ có một chiều có khách, còn một chiều không có khách. Ví như tuyến TPHCM, dịp trước Tết chỉ có khách chiều ra Giáp Bát (Hà Nội), chiều về hầu như chạy rỗng. Điều này cũng xảy ra ngược lại với chiều chạy vào TPHCM sau Tết. Do vậy, họ có kế hoạch tăng giá vé để bù vào chiều chạy rỗng nhằm đảm bảo biểu đồ chạy xe giải tỏa hành khách dịp Tết.

Cũng theo ông Thành, cho đến thời điểm này, nếu DN vận tải muốn điều chỉnh giá thì đã phải có thông báo bằng văn bản, từ đó bến xe có ít nhất 1 tuần chuẩn bị các thủ tục để DN được niêm yết giá vé mới. Tuy nhiên, nay đã là ngày 19/1 (tức 22 tháng Chạp năm Bính Thân), trong khi cao điểm Tết bắt đầu từ sau ngày 25 tháng Chạp hằng năm, thời gian không còn đủ để DN vận tải làm thủ tục xin tăng giá vé. Do vậy, trừ các DN vận tải đường dài trên 300 km, các DN dưới 300 km sẽ không tăng giá vé trong dịp Tết này.

Về số lượng các DN vận tải tăng giá vé dịp Tết Đinh Dậu, ông Lý Trường Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch, Cty Cổ phần quản lý Bến xe Hà Nội cho biết, tính đến 17h ngày 19/1, đã có 21 DN vận tải đang hoạt động trên 19 tuyến đường dài thông báo tăng giá vé, trong đó bến xe Giáp Bát có 19 DN, bến xe Gia Lâm có 2 DN, mức tăng được các DN vận tải công bố từ 7 % đến 60%.

Nhiều người dân phản đối với việc DN vận tải đề nghị tăng giá vé lên 60%.

Trao đổi với PV báo PL&XH, anh Nguyễn Văn Nam, quê ĐăkLắk than thở: “Tôi làm việc mang tính thời vụ, mỗi ngày cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng, cuối năm tích góp được vài triệu đồng, giờ giá vé xe tăng như vậy, tôi không thể về quê ăn Tết được, vì về đến nhà cũng mất cả triệu đồng, chẳng lẽ đi làm cả năm mà không mang được đồng nào về cho vợ con thì rất ngại và xấu hổ. Do vậy, tôi đành chấp nhận không về quê ăn Tết mà ở lại tranh thủ làm thêm trong những ngày Tết để kiếm tiền, sau đó ra Tết, nếu giá vé xe giảm và mình cũng kiếm được chút tiền, mới có thể yên tâm về quê, không còn phải ngại với bạn bè làng xóm”. Còn theo anh Hoàng Văn Lương, hiện là công nhân một Cty cơ khí tỏ ra băn khoăn: “Những năm trước đây, kinh tế chưa khó khăn, lương công nhân ổn định, cao hơn năm nay, mà các DN vận tải cũng chỉ đăng ký tăng từ 20 -30% giá vé so với ngày thường và giá vé Tết chỉ được áp dụng trong những ngày thật sự cao điểm. Còn năm nay, kinh tế khó khăn, các DN vận tải lại “hét” giá lên khoảng 60% so với ngày thường thì quả thật quá sức tưởng tượng, hơn nữa, còn gần chục ngày nữa mới đến Tết, thế mà nhiều DN đã “đòi” tăng giá rồi?”.

loading...

Nguồn Phụ Nữ Today: http://phunutoday.vn/soc-ve-xe-khach-tang-gia-toi-60-nguoi-dan-keu-troi-d133505.html